Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 6912/BGDĐT-GDTrH Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Văn Vọng
Ngày ban hành: 09/08/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

---------

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------------

 

Số: 6912/BGDĐT-GDTrH

Hà Nội, ngày 9 tháng 8 năm 2006

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ Số: 6912/BGDĐT-GDTrH NGÀY 07 THÁNG 8 NĂM 2006 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GIÁO DỤC TRUNG HỌC NĂM HỌC 2006-2007

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Về nhiệm vụ của toàn ngành trong năm học 2006-2007”, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ giáo dục trung học như sau:

I. CÁC NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện phân ban ở lớp 10 trung học phổ thông (THPT) theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Quán triệt nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đã được quy định tại Luật Giáo dục 2005. Phấn đấu bảo đảm yêu cầu thí nghiệm, thực hành, hướng nghiệp của chương trình và tiếp tục thực hiện thí Điểm mô hình trung học phổ thông kỹ thuật (THPTKT).

2. Từng bước hoàn thiện mạng lưới trường trung học, xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hoá, hiện đại hoá. Phát triển vững chắc hệ thống trường trung học ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục.

3. Bảo đảm tiến độ và bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS), thực hiện Mục tiêu PCGDTHCS trong cả nước vào năm 2010.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường hiệu lực quản lý, nền nếp, kỷ cương, kiên quyết khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, đánh giá, dạy thêm học thêm và tình trạng chạy theo thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Thực hiện kế hoạch giáo dục

1.1. Triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 10.

 Thực hiện Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng về ban hành chương trình giáo dục phổ thông, tập trung chỉ đạo thật tốt việc triển khai thực hiện phân ban ở lớp 10 THPT trong cả nước.

- Theo hướng dẫn tại công văn số 3551/BGD&ĐT-GDTrH ngày 05/5/2006 về việc hướng dẫn một số công tác chuẩn bị năm học mới, các Sở GD&ĐT chỉ đạo xây dựng phương án phân ban, sắp xếp hợp lý học sinh vào các ban ở lớp 10. Căn cứ Kế hoạch giáo dục đối với từng ban (ban Cơ bản - CB, ban Khoa học tự nhiên - KHTN, ban Khoa học xã hội và Nhân văn - KHXH-NV), phân phối chương trình lớp 10 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch giáo dục cho phù hợp với Điều kiện của từng trường.

- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy lớp 10 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Bảo đảm cho giáo viên dạy lớp 10 phân ban nắm vững chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK), biết áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học. Phấn đấu dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định trong Kế hoạch giáo dục của chương trình.

 - Thực hiện Quyết định số 17/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2005 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Danh Mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10; căn cứ bộ mẫu thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10 được phê duyệt và công văn số 4903/BGD&ĐT ngày 13/6/2006 về việc hướng dẫn tổ chức mua sắm, sử dụng thiết bị dạy học năm học 2006-2007; công văn số 5936/BGD&ĐT-KHTC ngày 11/7/2006 về việc Hướng dẫn mua mẫu thiết bị dạy học lớp 5, lớp 10 năm học 2006-2007, các Sở GD&ĐT chủ động chuẩn bị kịp thời thiết bị dạy học.

Định kỳ tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác mua sắm, sử dụng và bảo quản thiết bị, đồ dùng dạy học đối với các cấp quản lý và trường học.

1.2. Tiếp tục thí Điểm phân ban trung học phổ thông.

Các trường tham gia thí Điểm phân ban phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch giáo dục tại Quyết định số 04/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/3/2002 và văn bản số 7067/GDTrH ngày 18/8/2003 về việc hướng dẫn thực hiện phân ban của Bộ GD&ĐT. Mọi khó khăn, vướng mắc đều phải báo cáo với Bộ GD&ĐT để được chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình thí Điểm lớp 12 đối với các tỉnh tham gia thí Điểm phân ban. Chỉ đạo chặt chẽ việc cung ứng, sử dụng thiết bị giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, phương pháp học tập của học sinh. Tổ chức lấy ý kiến về sách giáo khoa phân ban thí Điểm và dạy học tự chọn để từng bước bổ sung, Điều chỉnh nâng cao chất lượng.

1.3. Triển khai thí Điểm trường trung học phổ thông kỹ thuật.

Năm học 2005-2006, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí Điểm mô hình trường THPT kỹ thuật tại 4 trường của các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Phú Thọ, Quảng Bình và Cần Thơ theo Quyết định số 927/QĐ-BGD&ĐT-GDTrH ngày 8/3/2005. Năm học 2006-2007, các Sở GD&ĐT nói trên tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa, tài liệu kỹ thuật nghề lớp 10 và lớp 11 của các trường này. Chủ động tham mưu với Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố phối hợp nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Dự án Phát triển GDTHPT và các nguồn kinh phí của địa phương để tăng cường đầu tư CSVC, phòng học, xưởng trường và thiết bị dạy nghề. Tăng cường đội ngũ giáo viên dạy kỹ thuật nghề, ưu tiên bố trí đội ngũ giáo viên dạy các môn văn hoá cho các trường THPTKT để thực hiện thí Điểm thành công.

1.4. Dạy học tự chọn.

Có hướng dẫn riêng của Bộ GD&ĐT.

1.5. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục.

Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện đủ các môn học, hoạt động giáo dục, giáo viên thực hiện đúng phân phối chương trình do Bộ GD&ĐT quy định. Thực hiện các hoạt động giáo dục được quy định trong kế hoạch giáo dục (sinh hoạt lớp, sinh hoạt trường theo các chủ đề của cấp học và sinh hoạt hướng nghiệp, học nghề phổ thông) để bảo đảm thực hiện Mục tiêu giáo dục toàn diện.

Tăng cường giáo dục truyền thống của nhà trường cho học sinh. Vào đầu năm học, cần có kế hoạch để học sinh được sinh hoạt tại phòng truyền thống, giới thiệu về lịch sử của nhà trường, những tấm gương tiêu biểu của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh để phát huy truyền thống tốt đẹp, góp phần thúc đẩy tinh thần tu dưỡng đạo đức và ý thức vươn lên trong học tập của học sinh.

Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong giáo dục hướng nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 33/2003/CT-BGD&ĐT ngày 23/7/2003 của Bộ trưởng. Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và THPT, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục hướng nghiệp, góp phần phân luồng học sinh.

Các Sở GD&ĐT cần chỉ đạo các trường THCS, THPT phối hợp với các Trung tâm KTTH-HN để bố trí, phân công hợp lý đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Quan tâm đầu tư CSVC, thiết bị, đội ngũ giáo viên có năng lực cho các trung tâm KTTH-HN theo Quy chế tổ chức, hoạt động do Bộ GD&ĐT ban hành. Cần khai thác và sử dụng có hiệu quả CSVC, thiết bị dạy nghề và ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục hướng nghiệp.

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cần chủ động thực hiện kế hoạch năm học theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên, CSVC, chỉ đạo chặt chẽ việc dạy môn tin học ở các trường THPT theo yêu cầu tại công văn số 3209/BGD&ĐT-GDTrH ngày 21/4/2006. Tổ chức quản lý, khai thác internet ở trường phổ thông theo hướng dẫn tại văn bản số 9810/GDTrH ngày 04/11/2004.

Về chỉ đạo dạy môn ngoại ngữ, thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 1962/GDTrH ngày 17/3/2005. Tạo Điều kiện để học sinh được học một ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc) từ cấp THCS và được học tiếp ngoại ngữ đó ở cấp THPT. Hạn chế và sớm chấm dứt việc phải thi tốt nghiệp môn khác thay thế môn ngoại ngữ. Khẩn trương phủ kín việc dạy ngoại ngữ cho các trường THCS và THPT. Đối với các môn tiếng Anh và tiếng Nga, từ năm học 2007-2008, học sinh THPT đều phải học theo chương trình 7 năm.

Các Sở GD&ĐT thực hiện thí Điểm dạy tiếng Trung Quốc ở cấp THCS, năm học này tiếp tục dạy ở lớp 9 theo sách giáo khoa do Nhà Xuất bản giáo dục ấn hành năm 2005. Đối với các trường dạy thí Điểm tiếng Trung Quốc cho các lớp chuyên ở cấp THPT, cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Tiếp tục thực hiện CT-SGK của Chương trình Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp. Các Sở GD&ĐT thực hiện theo yêu cầu tại văn bản số 5614/BGD&ĐT-GDTrH ngày 3/7/2006 về hướng dẫn dạy tiếng Pháp (Việc triển khai giảng dạy tiếng Pháp ngoại ngữ 2, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn riêng). Các địa phương tham gia thí Điểm dạy tiếng Nhật, thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 4315/GDTrH ngày 31/5/2005 của Bộ GD&ĐT.

Từ đầu năm học, các Sở cần báo cáo tình hình dạy các môn tin học và ngoại ngữ với Bộ GD&ĐT, để kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

1.6. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh.

Các cấp quản lý giáo dục phải tăng cường chỉ đạo áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động của học sinh, khắc phục kiểu truyền thụ một chiều, dạy học theo lối thầy đọc, trò chép. Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực cần coi trọng hướng dẫn học sinh tự học và tăng cường sử dụng thiết bị giáo dục, bảo đảm yêu cầu thực hành, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình.

Các địa phương có kế hoạch chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, hướng dẫn sử dụng các phần mềm dạy học và sáng tạo các phần mềm dạy học phù hợp với môn học. Các Sở GD&ĐT tham gia Chương trình Dạy học cho tương lai (Intel Teach to the Future) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đối với các bộ môn khoa học thực nghiệm phải đảm bảo thực hiện đủ các bài thí nghiệm, thực hành quy định trong CT-SGK.

Tiếp tục đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá HS, kết hợp hình thức thi, kiểm tra tự luận với trắc nghiệm; đổi mới cách ra đề kiểm tra theo hướng đòi hỏi người học phải hiểu bài, vận dụng kiến thức, hạn chế lối học vẹt, ghi nhớ máy móc. Các địa phương phải có biện pháp quản lý, tăng cường giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực, chủ động trong dạy và học, nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá để phản ánh đúng chất lượng dạy và học.

Việc đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh lớp 10 phân ban, thực hiện theo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành áp dụng từ năm học 2006-2007. Việc xếp loại HS của trường trung học phổ thông phân ban, THPTKT thực hiện theo văn bản số 7714/GDTrH ngày 28/8/2003. Đối với các trường THPT dạy chương trình không phân ban, đánh giá xếp loại theo Thông tư số 29-TT ngày 06/10/1990 Về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh cấp II PTCS, phổ thông trung học và Thông tư số 23-TT ngày 7/3/1991 về việc bổ sung và Điều chỉnh một số quy định về đánh giá xếp loại học sinh cấp II phổ thông cơ sở và phổ thông trung học.

Việc đánh giá và xếp loại giờ dạy của giáo viên trung học, thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 10227/THPT ngày 11/9/2001 của Bộ GD&ĐT. Tổ chức thi giáo viên giỏi theo hướng yêu cầu áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, ưu tiên chọn những bài dạy có sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học.

Theo hướng dẫn của Bộ, các Sở GD&ĐT tổ chức cho học sinh thi thực hành giải toán bằng máy tính bỏ túi; thi làm đồ dùng dạy học, thi khéo tay kỹ thuật và sử dụng thiết bị thí nghiệm, thực hành, thi nghề phổ thông.

1.7. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

- Thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp, cần tập trung thực hiện giáo dục về trật tự an toàn giao thông theo hướng dẫn tại văn bản số 6165/GDTrH ngày 16/7/2004.

- Tuyên truyền, giáo dục và áp dụng mọi biện pháp phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội và chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học. Đẩy mạnh giáo dục môi trường và hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.

1.8. Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh.

Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ học sinh theo Quy chế giáo dục thể chất và y tế trường học ban hành kèm theo Quyết định số 14/2001/BGD&ĐT ngày 3/5/2001. Tổ chức theo dõi sức khoẻ và sự phát triển thể chất của học sinh ngay từ lớp đầu cấp; hàng năm, cuối khoá học cần tổng kết đánh giá. Từng bước đưa giáo dục thể chất vào nền nếp, kết hợp với giáo dục giới tính, giáo dục môi trường. Các trường phải đảm bảo có đủ nước uống sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TƯ ngày 12/2/2001 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới và Nghị định số 15/2000/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục quốc phòng. Thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

2. Củng cố mạng lưới trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện phổ cập giáo dục

2.1. Củng cố mạng lưới trường lớp.

 Các Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh, thành phố lập đề án quy hoạch, biện pháp củng cố mạng lưới trường, lớp THCS, THPT với CSVC từng bước được kiên cố hoá, hiện đại hoá và chuẩn hoá. Cần chủ động đề xuất biện pháp giải quyết đất đai trường học theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia và có đủ thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất đai trường học. Quan tâm đến việc quy hoạch và xây dựng hệ thống trường lớp cho các vùng khó khăn. Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường PTDTNT.

2.2. Xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo văn bản số 08/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/3/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010) và văn bản số 3481/GDTrH ngày 06/5/2005 về việc hướng dẫn xây dựng trường chuẩn quốc gia. Chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia phải đảm bảo tăng về số lượng đồng thời phải đảm bảo chất lượng; chủ động tổ chức kiểm tra theo tiêu chí để công nhận các trường đạt chuẩn quốc gia.

Năm học 2005-2006, số lượng trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương tăng nhanh hơn trước rõ rệt. Các Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp có kế hoạch và biện pháp thiết thực để thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp THCS và THPT. Các trường đã đạt chuẩn cần phát huy những thuận lợi về CSVC, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Mỗi Sở, Phòng GD&ĐT cần lập kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia đến năm 2010 trình UBND các cấp phê duyệt. Phấn đấu trong năm học 2006-2007, mỗi tỉnh, thành phố có thêm ít nhất 8-10 trường THCS và 3-4 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

 2.3. Thực hiện phổ cập giáo dục.

Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 41/2000/QH10 của Quốc hội (Khóa X), Chỉ thị 61-CT/TW của Bộ chính trị và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về công tác PCGDTHCS. Phát huy kết quả phổ cập của giai đoạn I, các Sở GD&ĐT cần tham mưu với chính quyền biện pháp kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kinh phí của CTMTQG để triển khai thực hiện các Mục tiêu PCGDTHCS. Chú trọng bảo đảm cả tiến độ và chất lượng phổ cập giáo dục, chống chạy theo thành tích, hạ thấp chất lượng, làm phát sinh tiêu cực.

Đối với các địa phương chưa đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHCS, cần tổ chức học tập kinh nghiệm của các địa phương đã đạt chuẩn, có kế hoạch phân công trách nhiệm cho các cấp, cho từng thành viên, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo. Hàng tháng, hàng quí đánh giá những việc đã làm được, đề ra những biện pháp khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia theo quy định.

Đối với địa phương đã đạt chuẩn PCGDTHCS, cần có biện pháp để củng cố kết quả, phấn đấu 100% xã, phường đạt chuẩn, từng bước nâng cao chất lượng PCGDTHCS.

Các địa phương đã đạt chuẩn PCGDTHCS, cần tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học theo hướng dẫn tại văn bản số 3420/THPT ngày 23/4/2003 và văn bản số 10819/GDTrH ngày 17/12/2004 của Bộ GD&ĐT .

Các địa phương đã đăng ký đạt chuẩn PCGDTHCS trong năm 2006 (Khánh Hoà, Cà Mau, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Tiền Giang, Nghệ An, Thanh Hóa) với Ban Chỉ đạo quốc gia, cần chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền những giải pháp thiết thực để kiên quyết thực hiện được Mục tiêu, tiến độ đã đề ra. Các tỉnh đăng ký kiểm tra công nhận vượt trước thời gian phải có văn bản báo cáo về Ban Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Đối với các địa phương đã đăng ký thực hiện đạt chuẩn PCGDTHCS trong giai đoạn 2006-2010, cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho từng năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cho con em trong độ tuổi đến lớp học, có biện pháp để giảm tỉ lệ bỏ học; duy trì các lớp học PCGDTHCS.

Về quy trình, hồ sơ và nội dung kiểm tra để công nhận đạt chuẩn PCGD THCS thực hiện theo văn bản số 6170/THPT ngày 18/7/2002 và các văn bản hướng dẫn công tác này của Bộ GD&ĐT.

3. Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Chỉ thị số 22/2003/CT-BGD&ĐT của Bộ trưởng về công tác này, các địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về đường lối, quan Điểm, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, các Sở GD&ĐT xây dựng chương trình hành động, đề ra các giải pháp cụ thể phù hợp với Điều kiện của địa phương để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo chất lượng, đủ các môn để từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên một số môn học, nhất là các môn tin học và ngoại ngữ. Có giải pháp ổn định đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, có ý thức rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo và có năng lực sư phạm vững vàng.

 Về công tác bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các Sở GD&ĐT thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý theo văn bản số 9954/GDTrH ngày 27/10/2004. Cần quan tâm đến các trường khó khăn, thiếu giáo viên, có kế hoạch Điều động một cách hợp lý, hợp đồng giáo viên theo quy định để đảm bảo dạy đủ các môn.

Các địa phương chủ động tổ chức bồi dưỡng thường xuyên chu kì III cho giáo viên theo Quy chế bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III cho giáo viên trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hoá, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kĩ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ban hành theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/2/2005; theo Khung chương trình bồi dưỡng thường xuyên chu kì III (2004-2007) ban hành theo Quyết định số 14/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 17/5/2004 và theo hướng dẫn tại các văn bản số 5646/BGD&ĐT-GDTrH ngày 06/7/2005 đối với giáo viên THCS và số 19/2004/QĐ-GD&ĐT ngày 24/6/2004 đối với giáo viên THPT.

4. Xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại hoá

Các Sở GD&ĐT chủ động có kế hoạch xây dựng CSVC trường, lớp, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách được cấp, đồng thời tích cực huy động các nguồn kinh phí khác để mua trang thiết bị dạy học, ưu tiên mua thiết bị dạy học lớp 10 phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

Cần ưu tiên đầu tư CSVC, trang thiết bị phục vụ đời sống vật chất, tinh thần và hoạt động giảng dạy, học tập cho các trường PTDTNT.

Củng cố phòng thí nghiệm, thực hành để triển khai thiết bị dạy học. Các trường chưa có phòng thí nghiệm, thực hành riêng cần chủ động khắc phục để sử dụng được thiết bị dạy học. Xây dựng các phòng học bộ môn thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Quản lý tốt thiết bị dạy học theo quy định tại Quy chế thiết bị giáo dục ban hành kèm theo Quyết định số 41/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 06/01/2000 của Bộ GD&ĐT.

Xây dựng thư viện trường học đạt chuẩn theo Quy chế hoạt động thư viện trường học ban hành theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT. Hàng năm, các Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra công nhận thư viện trường học đạt chuẩn quốc gia, tổ chức thi cán bộ thư viện giỏi theo hướng dẫn tại công văn số 7594/GDTrH ngày 07/5/2004 và báo cáo kết quả về Bộ.

5. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục

Các địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về xã hội hoá giáo dục. Tiếp tục phát triển các trường ngoài công lập, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo chặt chẽ thực hiện kế hoạch giáo dục để bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện. Tranh thủ sự ủng hộ của các nhà giáo, cha mẹ HS, các lực lượng xã hội về chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục toàn diện cho HS. Nhà trường phải phối hợp với gia đình, xã hội xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

6. Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục tăng cường nề nếp, kỷ cương và ngăn chặn, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục

6.1. Đổi mới quản lý các hoạt động giáo dục và hồ sơ chuyên môn.

Quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy định về Mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện cắt xén chương trình. Việc quản lý hồ sơ chuyên môn, tài liệu nghiệp vụ, thực hiện theo quy định tại văn bản số 3730/GDTrH ngày 12/5/2004, văn bản số 6496/GDTrH ngày 27/7/2004 và quy định của Điều lệ Trường trung học. Quản lý việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Thực hiện tốt Quy chế trường ngoài công lập ban hành theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/8/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

6.2. Tăng cường nền nếp, kỷ cương.

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Điều lệ Trường trung học. Các Sở GD&ĐT phải chú trọng chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Chủ động ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.

Thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ trong việc ôn tập, tổ chức thi tốt nghiệp lớp 12 THPT, khắc phục những sai sót trong việc thực hiện chương trình và quản lý hồ sơ học sinh. Triệt để chống các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc bắt ép học sinh học thêm để thu tiền. Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định trong thi cử, đánh giá và dạy thêm, học thêm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý của các trường học và hoạt động chuyên môn của giáo viên.

6.3. Quản lý các kỳ thi và đánh giá học sinh.

Các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ các kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp THCS, tuyển sinh lớp 10. Kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực trong thi cử, đánh giá, khắc phục mọi nguyên nhân làm cho thi cử, đánh giá không phản ánh đúng chất lượng học tập, xử lý nghiêm mọi hành vi sai phạm.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THCS thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/4/2006. Các địa phương, trường học không được tuỳ tiện đặt ra các kỳ thi, thi thử ngoài quy định của Bộ GD&ĐT. Khẩn trương chuẩn bị cho học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm đối với các môn học, nhất là ngoại ngữ và các môn khoa học tự nhiên.

Tiến tới chấm dứt việc duy trì lớp bán công trong trường THPT công lập, trong trường hợp đặc biệt, việc mở lớp bán công trong các trường THPT công lập phải được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh.

Việc tuyển sinh lớp 6, lớp 10 thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/4/2006; việc tuyển sinh vào trường THPTKT thực hiện theo Công văn số 2500/GDTrH ngày 04/4/2005. Tuyển sinh vào trường THPT chuyên, lớp chuyên thuộc trường THPT chất lượng cao (Chu Văn An - Hà Nội, Quốc học - Huế, Lê Hồng Phong - TP. Hồ Chí Minh) và khối, trường THPT chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, thực hiện theo Quy chế Trường THPT chuyên (ban hành kèm theo Quyết định số 05/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/3/2002 và Quyết định số 14/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/3/2003 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Việc tuyển sinh vào các trường PTDTNT, thực hiện theo văn bản số 7977/THPT ngày 10/8/2001 của Bộ GD&ĐT.

Việc đánh giá, xếp loại và xét lên lớp đối với học sinh THPT chuyên, thực hiện theo văn bản số 9844/GDTrH ngày 7/10/2003. Việc đánh giá, xếp loại và xét lên lớp riêng đối với học sinh THPT chuyên ở trường thí Điểm phân ban thực hiện theo văn bản số 11046/GDTrH ngày 14/12/2004 của Bộ GD&ĐT. Thi chọn học sinh giỏi THCS và THPT thực hiện theo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT và công văn số 2028/GDTrH ngày 18/3/2005. Việc thi nghề phổ thông, thực hiện theo quy định trong biên chế năm học.

7. Công tác thi đua, khen thưởng

Từ năm học 2006-2007, trên cơ sở tiêu chí thi đua về giáo dục trung học, các Sở GD&ĐT phải có kế hoạch phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác một cách thực chất. Tổ chức phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, động viên khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2006-2007. Kiên quyết khắc phục bệnh chạy theo thành tích trong thi đua, các cấp quản lý phải coi trọng việc thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện các chỉ tiêu chất lượng từ cơ sở giáo dục.

Các Sở GD&ĐT cần chấp hành chế độ báo cáo theo quy định tại biên chế năm học, báo cáo đầy đủ nội dung và đúng thời hạn. Ngoài các báo cáo định kỳ theo quy định, các Sở GD&ĐT phải chủ động phản ánh kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý để Bộ GD&ĐT chỉ đạo giải quyết.

Trong việc thực hiện chỉ tiêu thi đua, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng đánh giá các mặt hoạt động quan trọng phản ánh hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý giáo dục như: việc tuân thủ các quy định về Mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục; thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, quản lý văn bằng chứng chỉ; thực hiện tiến độ và bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; xây dựng trường chuẩn quốc gia và chấp hành quy định về chế độ thông tin, báo cáo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Nhận được văn bản này, các Sở GD&ĐT lập kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục khác và tổ chức quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần báo cáo kịp thời để Bộ GD&ĐT chỉ đạo giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Vọng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn số 6912/BGDĐT-GDTrH ngày 09/08/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2006-2007

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.171

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.130.31
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!