BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 640/BGDĐT-GDTX
V/v hướng dẫn thực hiện Chương trình
Xóa mù chữ
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2022
|
Kính
gửi:
|
- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh,
thành phố1;
- Cục Cảnh sát quản lí trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường
giáo dưỡng (Cục C10) - Bộ Công an.
|
Ngày 26 tháng 11 năm 2021, Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ký Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương
trình Xóa mù chữ (XMC) thay thế Chương trình XMC và Giáo dục tiếp tục sau khi
biết chữ ban hành theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 5 năm 2007
của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Để triển
khai thực hiện Chương trình XMC hiệu quả và đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT hướng dẫn
triển khai thực hiện cụ thể như sau:
1. Hướng dẫn chung
a) Về số lượng môn học và thời lượng Chương
trình XMC
Chương trình XMC gồm 5 môn học: Tiếng
Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Tổng thời lượng là
1.954 tiết và được chia thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Gồm 3 môn học (Tiếng
Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội); tổng thời lượng là 1.005 tiết; chia 3 kỳ học
(kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3).
- Giai đoạn 2: Gồm 4 môn học (Tiếng
Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa
lý); tổng thời lượng là 949 tiết; chia 2 kỳ học (kỳ 4, kỳ 5). Kỳ 5 có các
chuyên đề học tập tự chọn, nằm trong tổng thời lượng của môn học.
Môn Tin học và Công nghệ được tích hợp
vào môn Khoa học, gồm 110 tiết Khoa học, 50 tiết Công nghệ và 40 tiết Tin học.
Nội dung về Tin học chỉ thiết kế dưới dạng các chuyên đề học tập (8 chuyên đề),
không có chuyên đề học tập tự chọn.
b) Chuyên đề học tập
Các chuyên đề học tập thực hiện ở kỳ
5 của Chương trình. Mỗi môn học của giai đoạn 2 thiết kế từ 3-5 chuyên đề học tập. Thời lượng mỗi chuyên đề học tập tương đương
từ 5-10 tiết học (tùy theo đặc thù môn học). Các chuyên đề trong mỗi môn học có
số tiết như nhau. Học viên bắt buộc chọn 2 chuyên đề/môn học theo nhu cầu. Thời
lượng của 2 chuyên đề học tập bắt buộc này nằm trong tổng thời lượng của môn học.
Mỗi chuyên đề học tập quy định tối thiểu 50% thời lượng dành cho học viên tự học.
Các chuyên đề học tập về Khoa học và
Công nghệ, quy định thời lượng 10 tiết/chuyên đề, thiết kế tối thiểu mỗi nội
dung/chủ đề 4 chuyên đề học tập để học viên lựa chọn.
2. Tổ chức dạy học XMC
a) Đối với các lớp học XMC (lớp 1, 2,
3) và các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (lớp 4, 5) tuyển sinh trước
thời điểm 11/01/2022: Thực hiện dạy học theo Chương trình XMC và Giáo dục tiếp
tục sau khi biết chữ ban hành theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày
03/5/2007 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
b) Đối với các lớp học XMC tuyển sinh
sau thời điểm 11/01/2022
- Tổ chức dạy học XMC theo hình thức
vừa làm vừa học. Tùy theo tình hình của địa phương và điều kiện của người học để
tổ chức theo lớp, nhóm hoặc cá nhân; thời gian học có thể liên tục (từ 2-5 buổi/tuần
và từ 3-5 tiết/buổi), có thể gián
đoạn.
- Thời gian thực hiện và hoàn thành Chương
trình XMC ở mỗi kỳ học, giai đoạn quy định theo số tiết học. Mỗi tiết học tương
đương 35 phút.
- Căn cứ yêu cầu cần đạt của Chương
trình XMC, người được giao nhiệm vụ
dạy các lớp XMC chủ động xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết đối với các môn học
linh hoạt, phù hợp với đối tượng học viên và điều kiện thực tế địa phương,
trình Thủ trưởng các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức lớp học XMC phê
duyệt để tổ chức thực hiện.
- Đối với Tin học, chỉ thực hiện trên
lớp ở những nơi có điều kiện tổ chức được (có máy tính và giáo viên). Những nơi có điều kiện tổ chức dạy Tin học,
yêu cầu dạy đủ thời lượng quy định 40 tiết, đồng thời học viên được lựa chọn 02
chuyên đề học tập bắt buộc trong nội dung/chủ đề Khoa học và Công nghệ. Những
nơi không có điều kiện tổ chức dạy Tin học thì không thực hiện các chuyên đề học
tập Tin học, nhưng phải chọn thêm
02 chuyên đề Khoa học và 02 chuyên đề Công nghệ để bù đủ thời lượng 40 tiết của
Tin học. Ngoài ra, học viên vẫn phải lựa chọn thêm 02 chuyên đề bắt buộc trong
các chuyên đề còn lại của Khoa học và Công nghệ để đảm bảo đủ thời lượng 200 tiết theo quy định của môn Khoa học.
3. Kiểm tra, đánh giá, xếp loại và
xác nhận kết quả học tập của học viên
a) Đối với các lớp học XMC (lớp 1, 2,
3) và các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (lớp 4, 5) tuyển sinh trước
thời điểm 11/01/2022: Thực hiện việc tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại và
xác nhận kết quả học tập của học viên XMC thực hiện theo Quyết định số
79/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ trưởng Bộ
GDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại
xã, phường, thị trấn; Thông tư số 40/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng
Bộ GDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của
trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định
số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
b) Đối với các lớp học XMC tuyển sinh
sau thời điểm 11/01/2022
- Kiểm tra, đánh giá, cho điểm học
viên đảm bảo nghiêm túc, thực chất,
chính xác, khách quan, công bằng và đúng quy chế; coi trọng đánh giá sự tiến bộ
của học viên.
- Mỗi môn học có 01 (một) điểm đánh
giá giữa kỳ và 01 (một) điểm đánh giá cuối kỳ trong mỗi kỳ. Thời gian làm bài
kiểm tra đánh giá định kỳ đối với môn Tiếng Việt, Toán là 70 phút (2 tiết học);
đối với môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý thời gian làm bài
là 35 phút (1 tiết học).
- Khi ra đề kiểm tra, đánh giá định kỳ, giáo viên căn cứ yêu cầu cần đạt của mỗi môn học được quy định trong Chương
trình XMC để đưa ra những nội dung
kiểm tra cho phù hợp với đối tượng
học viên.
- Căn cứ vào điểm kiểm tra, đánh giá
định kỳ của các môn học ở mỗi kỳ để xếp loại học lực của học viên. Điểm trung
bình mỗi kỳ là trung bình cộng của các điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ của các
môn học. Đánh giá và xếp loại học lực của học viên mỗi kỳ theo quy định tại khoản
1, khoản 2 Điều 6 Quyết định số 79/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng
Bộ GDĐT ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học viên học Chương trình xóa mù
chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
- Kết quả đánh giá kỳ 3 là kết quả
đánh giá giai đoạn 1; kết quả đánh giá kỳ 5 là kết quả đánh giá giai đoạn 2. Học
viên hoàn thành giai đoạn 1 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1, hoàn
thành giai đoạn 2 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
4. Các điều kiện đảm bảo thực hiện Chương
trình XMC
Sở GDĐT chủ động tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ
phổ cập giáo dục, XMC; điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ người học
XMC và người tham gia công tác XMC không hưởng lương từ ngân sách nhà nước phù
hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Hằng năm tổ chức bồi dưỡng về
chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục tham
gia dạy XMC. Chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác XMC.
5. Tổ chức thực hiện
a) Sở GDĐT chỉ đạo Phòng GDĐT, các cơ
sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức lớp học XMC tổ chức thực hiện Chương
trình XMC trên địa bàn phù hợp với đối tượng người học và điều kiện học tập cụ
thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, tổ chức thực hiện Chương
trình. Tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Chương
trình XMC để nâng cao tỷ lệ và chất
lượng XMC.
b) Cục C10 - Bộ Công an chỉ đạo các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường
giáo dưỡng căn cứ vào điều kiện thực tế về đối tượng, cơ sở vật chất và nhân lực
để tổ chức thực hiện Chương trình
XMC, đảm bảo yêu cầu cần đạt được đối với từng giai đoạn.
Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT, Cục C10 - Bộ Công an triển khai thực hiện các nội
dung trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị trao đổi, phản ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục thường
xuyên) để được hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, Vụ GDTX.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|
1 Đối với tỉnh Bạc Liêu là Sở Giáo dục, Khoa học
và Công nghệ