BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5008/BGDĐT-GDĐH
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm
học 2016-2017 đối với GDĐH và đào tạo sư phạm trình độ cao đẳng
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 10
năm 2016
|
Kính
gửi:
|
- Giám đốc các đại học, học viện;
- Hiệu trưởng các trường đại học;
- Hiệu trưởng các trường cao đẳng đào tạo sư phạm.
|
Căn cứ Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26
tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học
2016 - 2017 của ngành Giáo dục Đào tạo và tình hình thực tiễn, Bộ Giáo dục và
Đào tạo hướng dẫn các đại học, học viện; các trường đại học; các trường cao đẳng
đào tạo sư phạm (sau đây gọi là các trường) thực hiện nhiệm vụ năm học
2016-2017 như sau:
I. Nhiệm vụ chung
Năm học 2016-2017, khối giáo dục đại
học và các trường cao đẳng đào tạo sư phạm tập trung thực hiện các nhiệm vụ
chung sau:
1. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành
động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của
Ban chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành
động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
3. Thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm
và 5 giải pháp chủ yếu của toàn ngành Giáo dục Đào tạo, đặc biệt là các nhiệm vụ,
giải pháp về đẩy mạnh tự chủ đại học và trách nhiệm giải
trình, tăng cường công tác kiểm định chất lượng để quy hoạch lại mạng lưới các
trường và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực
chất lượng cao và gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
II. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
1. Thực hiện kiểm định chất lượng
giáo dục
Các trường thực hiện kiểm định chất
lượng làm cơ sở để xếp hạng, phân loại chất lượng phục vụ cho việc quy hoạch lại
mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học một cách tổng thể; làm căn cứ để xác định năng lực tự chủ và giao
quyền tự chủ đại học; phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế; cụ thể:
1.1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch
triển khai kiểm định chất lượng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
tại Thông báo số 702/TB-BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016 và Thông báo số
394/TB-BGDĐT ngày 10 tháng 6 năm 2016.
1.2. Triển khai thực hiện kiểm định chương
trình đào tạo theo chuẩn quốc gia, khu vực hoặc quốc tế (AUN-QA, ABET, AACSB,
CTI...); các trường có chương trình đào tạo chất lượng cao (chương trình tiên
tiến, chương trình POHE, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao PFIEV, chương
trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT...) xây dựng kế
hoạch để thực hiện kiểm định theo chuẩn quốc tế trước 31 tháng 12 năm 2018.
1.3. Khuyến khích các trường thực hiện
kiểm định quốc tế (AUN-QA, HCERES...).
2. Xây dựng lộ
trình thực hiện tự chủ
Thực hiện quyền tự chủ theo quy định
tại Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2
năm 2015, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014
của Chính phủ và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường, các trường cần
thực hiện:
2.1. Thành lập hoặc kiện toàn Hội đồng
trường theo đúng quy định của Luật GDĐH và Điều lệ trường đại học; ban hành văn
bản quy định về quy chế làm việc của Hội đồng trường và mối quan hệ giữa Hội đồng
trường với Đảng ủy và Ban Giám hiệu; đảm bảo các điều kiện để Hội đồng trường
(Hội đồng quyền lực thực sự) thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
2.2. Công khai thông tin trên trang
thông tin điện tử của trường các nội dung: Kết quả kiểm định
(nếu đã thực hiện kiểm định); chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo kèm theo
các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; mức học phí và các thông tin về tăng
học phí (nếu có); học bổng và các chính sách hỗ trợ sinh viên; tỷ lệ sinh viên
chính quy văn bằng thứ nhất có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp và các thông
tin khác theo quy định để người học lựa chọn và các bên liên quan cùng giám
sát; chủ động thông tin báo chí về các gương sáng, các kết quả vượt trội trong
hoạt động của trường và giải trình những vấn đề xã hội bức xúc (nếu có).
2.3. Xây dựng và công bố công khai đề
án tự chủ tuyển sinh theo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (theo
Công văn 4818/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 28 tháng 9 năm 2016) và Quy chế tuyển sinh đại
học, cao đẳng hệ chính quy.
2.4. Các trường được giao thí điểm tự
chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ cần
tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên và sử dụng tốt cơ chế tự chủ
để nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo Nghị quyết
số 77/NQ-CP và Đề án tự chủ đã được phê duyệt; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện
thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo
trước ngày 30 tháng 9 năm 2017 để góp phần xây dựng chính sách tự chủ đại học bền
vững.
2.5. Các trường chưa thực hiện tự chủ
lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện theo quy định để thực hiện tự chủ đại học
trong thời gian tới. Các trường đã được thanh tra, kiểm tra cần nhanh chóng khắc
phục các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong các kết luận
thanh tra, kiểm tra (nếu có).
3. Đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao
3.1. Nghiên cứu dự báo nhu cầu thị
trường lao động đối với các ngành, chuyên ngành trường đang đào tạo; điều chỉnh
cơ cấu ngành nghề, quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng giảm dần
các ngành nghề đào tạo đang dư thừa trên thị trường lao động như một số ngành:
sư phạm, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng...; tăng cường đào tạo
các ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, kinh tế biển; tăng dần quy mô các chương
trình đào tạo chất lượng cao đã được kiểm định và thị trường có nhu cầu tuyển dụng
cao.
3.2. Phát triển quan hệ hợp tác giữa
trường đại học và doanh nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển
giao công nghệ; tăng cường quản lý chất lượng đầu ra để bảo đảm chất lượng đào
tạo nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của việc tự do
dịch chuyển lao động trong khu vực và trên thế giới.
3.3. Các trường đang đào tạo chương
trình tiên tiến, chương trình POHE, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao
PFIEV và các chương trình chất lượng cao khác cần có biện pháp tiếp tục duy trì
và nâng cao chất lượng đào tạo sau khi kết thúc dự án; đưa các chương trình đào
tạo chất lượng cao theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT theo hướng tiệm
cận các chuẩn quốc tế.
3.4. Xây dựng tiềm lực khoa học và
công nghệ gắn với các ngành đào tạo mũi nhọn, đẩy mạnh
nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo; thành lập các nhóm giảng dạy
- nghiên cứu và đầu tư đồng bộ để kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nhất là đào tạo
sau đại học với nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng
đào tạo; xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học trong trường đại học để thúc đẩy các
công bố khoa học quốc tế.
3.5. Xây dựng kế hoạch và các giải
pháp nhằm thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia
quốc tế tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học góp phần
đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học
theo chuẩn khu vực và quốc tế.
3.6. Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chương
trình đào tạo theo kinh nghiệm CDIO, POHE, gắn kết đào tạo với yêu cầu thực tiễn;
hỗ trợ sinh viên kỹ năng khởi nghiệp, năng động, tự tạo việc làm cho mình và tạo
ra nhiều chỗ làm việc cho xã hội.
3.7. Đẩy mạnh liên kết đào tạo với
các trường đại học có uy tín trên thế giới; đào tạo những ngành mà trường đối
tác có thế mạnh và đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường liên kết đào tạo
trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng
viên của trường.
3.8. Tập trung đầu tư một số ngành
mũi nhọn, chú trọng giảng dạy các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học
(STEM), phát triển các chuyên ngành khoa học cơ bản, các ngành học liên quan đến
công nghệ nguồn, định hướng đào tạo nguồn nhân lực thích nghi với cuộc cách mạng
công nghệ thứ tư.
(Những nội dung 3.4, 3.5 là yêu cầu
bắt buộc với các trường đại học trọng điểm hoặc trường có chủ trương phát triển
thành trường trọng điểm, các trường đào tạo trình độ
tiến sĩ)
4. Nâng cao chất
lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý
4.1. Rà soát, đánh giá thực trạng chất
lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của trường theo các quy định hiện
hành và theo định hướng phát triển trường; có kế hoạch phát triển đội ngũ giảng
viên theo tiêu chuẩn hạng chức danh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc tinh
giản biên chế, đáp ứng yêu cầu quản trị đại học, phù hợp với định hướng phát
triển trường trong điều kiện tự chủ đại học, hội nhập quốc tế.
4.2. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin
học của giảng viên và cán bộ quản lý theo định hướng phát triển nhà trường (giảng
dạy bằng tiếng nước ngoài, trực tuyến...), đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản,
toàn diện GDĐH.
4.3. Chủ động xây dựng kế hoạch cử
các giảng viên, cán bộ quản lý đi học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ ở các nước
phát triển, tận dụng tối đa học bổng hiệp định, học bổng của
Chính phủ (đề án 911, 599) và một số học bổng khác để đào tạo giảng viên và cán
bộ quản lý; có giải pháp thu hút học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ở nước
ngoài về trường tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học; sử dụng hiệu quả đội
ngũ giảng viên có trình độ cao trong đó có giảng viên được đào tạo ở nước ngoài
về công tác tại trường.
5. Nâng cao chất
lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh
5.1. Các trường chủ động rà soát lại
chuẩn đầu ra ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và chuẩn đầu ra của các ngành đào
tạo chất lượng cao để điều chỉnh bằng hoặc cao hơn mục tiêu của Đề án 2020;
tích cực triển khai chương trình giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh và chương
trình dạy tiếng Anh tăng cường cho sinh viên với hình thức phong phú, phù hợp với
điều kiện của trường.
5.2. Hoàn thiện chương trình, tài liệu,
sách giáo khoa, hệ thống học liệu ngoại ngữ (tài liệu in và điện tử) cho các chương
trình ngoại ngữ cơ bản, chương trình ngoại ngữ tăng cường, ngoại ngữ chuyên
ngành, chương trình đào tạo chuyên ngữ, song ngữ cho một số môn học/ngành học,
đặc biệt là tiếng Anh nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình đào tạo và yêu cầu của
ngành đào tạo, của vùng, địa phương, phù hợp nhu cầu người học.
5.3. Có kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa
đội ngũ giảng viên ngoại ngữ, giảng viên giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ
đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ và có biện pháp duy trì năng lực sau khi đã bồi dưỡng
đạt chuẩn.
5.4. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm
của cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên trong nhà trường về công tác phổ cập
Tiếng Anh; phát động phong trào, hình thành môi trường thuận lợi hỗ trợ việc học
và tự học nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, giảng viên; tạo động lực học
tiếng Anh cho cán bộ, giảng viên và sinh viên.
5.5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
cho việc dạy và học, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ; tăng cường áp dụng
các chuẩn quốc tế về ngoại ngữ trong đánh giá đầu vào, đầu ra của các trình độ đào tạo và của cán bộ, giảng viên trong trường.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, và nghiên
cứu khoa học
6.1. Các trường tăng cường hạ tầng,
trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng đội ngũ để tăng cường ứng dụng
CNTT trong quản lý, giảng dạy, và nghiên cứu khoa học.
6.2. Đẩy mạnh triển khai hệ thống
CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành như: họp qua mạng, hỗ trợ tuyển
sinh,... đảm bảo điều kiện để hình thành cơ sở dữ liệu về GDĐH toàn quốc, phục
vụ công tác xây dựng chính sách và quản lý nhà nước theo yêu cầu của Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
6.3. Tăng cường ứng dụng CNTT đổi mới
nội dung, phương pháp dạy - học và đánh giá; xây dựng, phát triển hệ thống học
trực tuyến (e-learning), học liệu điện tử, học liệu mở, phòng thí nghiệm, thư
viện số kết nối liên thông với các trường trong và ngoài nước để tạo điều kiện
cho sinh viên được theo học các môn học do giảng viên có uy tín trong và ngoài
nước giảng dạy.
7. Tăng cường hợp
tác quốc tế
7.1. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu
quả hợp tác quốc tế, phát huy nội lực, tranh thủ tối đa nguồn lực quốc tế, phát
triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng
viên, hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ với
các trường đại học có uy tín trên thế giới.
7.2. Tăng cường áp dụng các phương
pháp tiếp cận, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chung của khu vực và quốc tế
trong quá trình xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai các hoạt động đào
tạo, nghiên cứu khoa học.
7.3. Tăng cường đầu tư cho công tác hợp
tác quốc tế cả về cơ sở vật chất, tài chính và con người; chú trọng việc bồi dưỡng,
nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế.
7.4. Tăng cường quảng bá hình ảnh về
đất nước, con người, giáo dục Việt Nam ra thế giới, xây dựng các tài liệu quảng
bá về hoạt động hợp tác quốc tế của trường; tổ chức cho cán bộ, giảng viên có điều
kiện được học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài.
7.5. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về
Cộng đồng ASEAN, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại trường, tăng cường hợp
tác và nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh nói chung và lưu học sinh
Lào, Căm-pu-chia nói riêng. Đổi mới công tác tuyển sinh viên quốc tế cũng như dạy
và học tiếng Việt.
8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo
chất lượng đào tạo
8.1. Các trường cần chú trọng đầu tư,
nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm... phục vụ giảng dạy,
nghiên cứu bằng nhiều nguồn vốn hợp pháp khác nhau như:
ngân sách nhà nước và các nguồn thu của trường, nguồn vốn ODA, các chương
trình, dự án hợp tác với nước ngoài và các nguồn xã hội hóa...
8.2. Tăng cường hợp tác với doanh
nghiệp theo mô hình phối hợp để đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu,
cơ sở thực hành... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của
các cơ sở đào tạo, đồng thời giải quyết các yêu cầu đào tạo nhân lực, nghiên cứu
ứng dụng... của doanh nghiệp đặt ra.
8.3. Chuẩn bị năng lực sử dụng hiệu
quả nguồn vốn để đấu thầu, đăng ký các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất theo các
chương trình, dự án của nhà nước để xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm;
xây dựng thư viện điện tử với cơ sở dữ liệu dùng chung cho các khối ngành mũi
nhọn như khoa học kỹ thuật, công nghệ, các ngành tự do dịch chuyển lao động
trong khu vực và trên thế giới..
III. Tổ
chức thực hiện
Các trường tổ chức triển khai thực hiện
và báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của văn bản này về Bộ
Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học), đồng thời gửi file điện tử của
báo cáo về địa chỉ email: vugddhs@moet.gov.vn trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ
năm học, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị các cơ sở đào tạo phản ánh kịp thời về
Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo giải quyết. Địa chỉ liên hệ: Vụ Giáo dục Đại
học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội; ĐT: 04.38695144 (721) và qua email nêu trên./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ, ngành (để p/h);
- Các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ (để t/h);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDĐH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Văn Ga
|