Kính gửi:
|
- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường
trung cấp sư phạm;
- Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Công
văn số 2213/BTP-PBGDPL ngày 17/6/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn hưởng ứng
Ngày Pháp luật năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện “Ngày Pháp
luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong ngành giáo dục năm 2019 như
sau:
1. Nội dung
Căn cứ điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của
cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà trường, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật
cần tập trung vào một số nội dung sau:
a) Tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục 2019 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đảm bảo kịp thời, đầy đủ
nội dung của Luật, giúp các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, nhà giáo,
cán bộ quản lý giáo dục, người học và toàn thể nhân dân nắm bắt và thực hiện
nghiêm túc các quy định của Luật;
b) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực
giáo dục nhằm phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết
hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tế, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để kịp thời đề nghị ban hành văn bản sửa đổi,
bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế;
c) Quán triệt, truyền thông, phổ biến nội dung
chính sách, quy định mới về giáo dục và đào tạo; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, các
văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học theo từng cấp học và các quy định
có liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tuyên truyền, phổ biến các luật
mới được Quốc hội thông qua trong năm 2019; quán triệt, thực hiện Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn
chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
trong giải quyết công việc; tập trung phổ biến, tuyên truyền các lĩnh vực pháp
luật liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường
học; phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và các vấn đề khác của xã hội
được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội...
d) Đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành
pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;
phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội;
nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với
xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của người học, nhà giáo, cán bộ quản
lý, người lao động trong ngành.
(Tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên
quan được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo
www.moet.gov.vn; trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông
tin điện tử Bộ Tư pháp www.moj.gov.vn)
2. Hình thức
Cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm
hàng ngày, thường xuyên của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhà trường,
cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người học.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn
hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực
hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức
hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong thực hiện, tập trung vào
một số hoạt động như sau:
- Tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng
ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua hoạt động chính trị,
chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn; lồng ghép trong triển khai hoạt động
xây dựng, thi hành pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông
tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, cổ
động trực quan...; tổ chức đối thoại chính sách pháp luật; xây dựng, phát hiện,
nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; tổ chức các hoạt động tập huấn,
bồi dưỡng để nâng cao năng lực xây dựng, thi hành thể chế, chính sách cho đội
ngũ công chức, viên chức trong ngành; tổ chức ngày tư vấn pháp luật, trợ giúp
pháp lý miễn phí; Ngày Pháp luật định kỳ hằng tháng; Tiết học pháp luật...
- Tổng kết, đánh giá, tôn vinh tập thể, cá nhân có
thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật,
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ, chấp
hành chính sách, pháp luật; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách
làm mới, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ
chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường.
- Trong tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp
luật, khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường tổ chức hoạt động
đối thoại chính sách - pháp luật, tư vấn pháp luật cho người học, phụ huynh học
sinh, nhà giáo.
3. Khẩu hiệu
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình
thực tế, cơ quan, đơn vị, nhà trường chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền,
phổ biến về Ngày Pháp luật; có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ
Tư pháp gợi ý dưới đây để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về Ngày
Pháp luật trên các phương tiện trực quan:
a) “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”;
b) “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
c) “Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu
quả thực thi pháp luật góp phần xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động,
sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”;
d) “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tự giác
tuân thủ, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”;
đ) “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp,
nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành pháp luật”;
e) “Tìm hiểu, học tập và chấp hành pháp luật là
trách nhiệm của mọi công dân”.
Ngoài những khẩu hiệu gợi ý nêu trên, trong quá
trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị, nhà trường có thể nghiên cứu, lựa
chọn những khẩu hiệu phù hợp với điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa
phương mình đồng thời bám sát nội dung chủ đề Ngày Pháp luật năm 2019.
4. Thời gian thực hiện
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật càn tổ chức
thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong tháng cao điểm bắt đầu từ
ngày 10/10 đến ngày 10/11/2019.
5. Tổ chức thực hiện
a) Các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện,
trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm căn cứ điều
kiện thực tế, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và khả năng nguồn lực để chỉ đạo, hướng
dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trong cơ quan, đơn vị, nhà trường
với nội dung, hình thức phù hợp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện;
b) Giao Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu
mối tham mưu, giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai các hoạt động Ngày Pháp luật
năm 2019 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; Biên soạn bản tin, tài liệu phổ biến, giáo
dục pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật;
c) Các đơn vị thuộc Bộ lồng ghép nội dung hưởng ứng
Ngày Pháp luật với triển khai các nhiệm vụ của đơn vị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và
đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường
trung cấp sư phạm và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt nội dung hướng dẫn tại
Công văn này; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện trong Báo cáo công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật gửi về Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày
02/12/2019 để tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc
đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) để xem xét, giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Hội đồng PHPBGDPLTW (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp;
- Các sở giáo dục và đào tạo (để t/h);
- Các đại học, học viện, trường đại học; trường CĐSP, TCSP (để t/h);
- Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng, và các đơn vị thuộc Bộ (để t/h);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, PC (5b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|