Kính gửi: Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức
đánh giá giữa kì việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông
(GDPT) 2018 trên phạm vi cả nước, ở cả ba cấp học, với nhiều hình thức (hội nghị,
hội thảo, chuyên gia, khảo sát trực tiếp, khảo sát trực tuyến diện rộng)[1]. Nội dung đánh giá tập
trung vào: (1) Chương trình GDPT 2018; (2) Sách giáo khoa (SGK); (3) Điều kiện
bảo đảm tổ chức thực hiện chương trình: đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo
viên (GV); cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; (4) Quá trình thực hiện tổ chức dạy
học: xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp dạy
học và kiểm tra, đánh giá. Bộ GDĐT thông báo kết quả đánh giá và những việc triển
khai tiếp theo như sau:
I. QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ
1. Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch với các nhiệm vụ: Phân
tích, đánh giá trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội tại 63 tỉnh, thành
phố để đánh giá ưu điểm, tồn tại của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số
88/2014/QH13 (Nghị quyết 88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi
mới Chương trình, SGK GDPT, từ đó đề xuất các giải pháp; phân tích, đánh giá kết
quả giám sát của Đoàn giám sát tại 08 tỉnh, thành phố khảo sát trực tiếp, chỉ
ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của những điểm còn tồn tại.
2. Thành lập các nhóm chuyên gia theo môn học, hoạt
động giáo dục của các cấp học tiến hành tọa đàm, thống nhất cách đánh giá về
các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, đề xuất các ý kiến phát triển
Chương trình GDPT 2018 trong giai đoạn tiếp theo.
3. Thành lập nhóm chuyên gia xây dựng bảng hỏi dành
cho các đối tượng tham gia khảo sát như học sinh (HS), phụ huynh HS, CBQL, GV của
các cấp học. Nội dung khảo sát về thực trạng chuẩn bị cho Chương trình GDPT
2018 giai đoạn trước và sau khi ban hành chương trình; thực trạng nhận thức của
GV về Chương trình GDPT 2018 (mục tiêu, nội dung, phương pháp, thiết bị, kiểm
tra đánh giá); thực trạng triển khai Chương trình GDPT 2018 của GV và CBQL nhà
trường (phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục).
4. Tổ chức khảo sát trực tuyến với số lượng người
được khảo sát: 3.046 CBQL cấp tiểu học, 4.556 CBQL cấp trung học; 10.825 GV cấp
tiểu học và 24.794 GV cấp trung học của 54 tỉnh, thành phố.
5. Tổ chức khảo sát trực tiếp tại 07 tỉnh, thành phố:
Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải
Phòng. Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau: (1) Chương
trình GDPT 2018 và SGK; (2) Điều kiện bảo đảm tổ chức thực hiện chương trình (đội
ngũ CBQL và GV; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học); (3) Xây dựng và thực hiện kế
hoạch giáo dục nhà trường; (4) Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh
giá; (5) Kết quả giáo dục.
6. Tổ chức tọa đàm, hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo
báo cáo với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị có liên quan, các chuyên gia
môn học, hoạt động giáo dục, các chuyên gia phân tích số liệu và đánh giá kết
quả khảo sát, các đại biểu của các cơ sở giáo dục để xây dựng và hoàn chỉnh báo
cáo tổng hợp quá trình triển khai và kết quả đạt được khi tổ chức thực hiện
Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 từ năm học 2020 - 2021 đến
năm học 2022 - 2023.
7. Thành lập Hội đồng nghiệm thu Báo cáo đánh giữa
kì việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hội đồng gồm các chuyên
gia, nhà khoa học thuộc trường đại học, đại học, viện, đại diện lãnh đạo Sở
GDĐT, đại diện các đơn vị Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT.
II. KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ
Qua quá trình khảo sát, đánh giá thực tế việc triển
khai Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023 cho thấy,
việc triển khai Chương trình GDPT đã đạt được kết quả với những ưu điểm và tồn
tại, hạn chế cơ bản như sau:
1. Về Chương trình giáo dục phổ
thông 2018
Chương trình GDPT 2018 đáp ứng tinh thần Nghị quyết
số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; được xây dựng, biên soạn
bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới được quy định tại Nghị quyết
88 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính
phủ về việc Phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình, SGK GDPT. Học sinh lớp 1, 2,
3, 6, 7, 10 đến thời điểm khảo sát, đánh giá đã tiếp thu tốt và phát huy được
năng lực của bản thân, các em mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp. Tất
cả các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng
HS bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt (YCCĐ) của Chương trình GDPT 2018
có một số điểm đạt được nổi trội hơn so với HS theo học Chương trình GDPT 2006
(cụ thể: HS học Chương trình GDPT 2018 mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan
điểm của mình, biết nêu quan điểm cá nhân qua các giờ học, đặc biệt HS lớp 1 cơ
bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kì 1 và được củng cố tăng cường bền vững
ở học kì 2).
- Ưu điểm: (1) Chương trình đã bảo đảm tính khoa học,
thực tiễn, kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDPT 2006, phát
huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với
xu thế quốc tế; (2) Việc xây dựng chương trình theo hướng mở, giao quyền chủ động
và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường lựa chọn, bổ sung một số nội dung
giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều
kiện của địa phương, của nhà trường đã tạo được sự chủ động, sát với tình hình,
giảm áp lực, quá tải đối với HS; (3) Việc chuyển từ phương pháp giáo dục nặng về
truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất
và năng lực; kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ với phát huy khả năng của
HS; kết hợp dạy chữ, dạy người với định hướng nghề nghiệp là phù hợp với yêu cầu,
bước đầu tạo được chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả
GDPT; (4) Chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của người học; việc đa dạng
hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS giúp HS mạnh dạn,
tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều điểm nổi trội như chủ động
tiếp nhận nhiệm vụ của GV, khả năng làm việc nhóm, phân công nhiệm vụ trong
nhóm, vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế; (5) Bộ GDĐT chủ động trong việc
chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện chương
trình, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục theo
chương trình mới.
- Hạn chế: (1) Khi ban hành Chương trình GDPT 2018
chưa có ngay Chương trình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ngoại ngữ 2 đối
với Tiếng Anh và Ngoại ngữ 1 đối với môn Ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh; (2) Còn những
hạn chế về nội dung của một số môn học và hoạt động giáo dục (một số nội dung
còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các môn học; một số YCCĐ còn chưa cụ thể,
mức độ một số YCCĐ còn nặng so với khả năng học tập của HS;...); (3) Việc triển
khai Chương trình GDPT 2018 kết quả đạt được ở các cơ sở giáo dục chưa đồng đều;
(4) Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới GDPT trong giai đoạn đầu
chưa đồng bộ, kịp thời; (5) Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 lúc đầu gặp một
số vướng mắc, nhất là việc thực hiện các môn học, hoạt động giáo dục mới; (6)
Việc thực hiện chương trình, SGK mới đồng thời ở cả 3 cấp học, ở tất cả các địa
phương, thực hiện đồng thời cả chương trình cũ và chương trình mới tạo nên nhiều
áp lực, thách thức trong quá trình thực hiện.
2. Về sách giáo khoa và tài liệu
giáo dục địa phương
Việc xã hội hóa biên soạn SGK theo Nghị quyết 88 và
Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội bảo đảm có đủ SGK, kịp thời phục vụ việc
triển khai thực hiện. Đa số ý kiến khảo sát (93%) đánh giá nội dung SGK phù hợp
với mục tiêu, yêu cầu Chương trình GDPT 2018, lượng kiến thức phù hợp với từng
đối tượng HS, phù hợp với khả năng tư duy và nhận thức cũng như khả năng vận dụng
kiến thức đã học vào cuộc sống của HS. Tài liệu giáo dục địa phương đã được các
tỉnh, thành phố thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
- Ưu điểm: (1) SGK mới giúp HS dễ tiếp cận với bài
học có kênh chữ và kênh hình đẹp; định hướng cho GV lựa chọn phương án, hình thức
tổ chức và phương pháp dạy học tích cực; tăng cường tính tương tác trong dạy học
giữa GV với HS, HS với HS; (2) Các bộ SGK có những sáng tạo riêng trong cách thức
trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong Chương
trình môn học, hoạt động giáo dục; (3) Các bài học, chủ đề trong SGK gắn với những
hoạt động học tập thiết thực; các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến
việc phát triển kĩ nhận thức, kĩ tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến
thức mới cho HS; (4) Có nhiều hình ảnh minh họa sinh động, thân thiện, tích hợp
kiến thức các môn học hướng tới phát triển các năng lực và phẩm chất của HS, có
nhiều hoạt động trải nghiệm giúp tạo hứng thú học cho HS, giúp HS cảm nhận được
sự gần gũi của môn học với thực tế cuộc sống.
- Hạn chế: (1) Việc biên soạn SGK theo Chương trình
GDPT 2018 (thực hiện một chương trình, nhiều SGK; xã hội hóa việc biên soạn
SGK) lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu
tổ chức thực hiện; (2) Thời gian tổ chức thực nghiệm SGK mới còn ít, không có
điều kiện để tổ chức thực nghiệm theo cả chiều rộng và chiều sâu; (3) Nội dung
trong một số SGK còn nặng so với YCCĐ của chương trình; một số văn bản, ngữ liệu
sử dụng trong SGK chưa tính hết các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn
trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng.
3. Về điều kiện đảm bảo thực hiện
Chương trình
- Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục có sự chuyển
biến tích cực, về cơ bản đáp ứng nhu cầu để thực hiện chương trình GDPT. Từng
bước được nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đối với cơ sở vật chất và thiết bị
dạy học. Việc đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai đổi mới
chương trình, SGK được ưu tiên, trong đó có các hạng mục như: phòng học, thư viện,
nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung trang thiết bị dạy học, bảo đảm
khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; khắc phục tình trạng
thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch ở các cơ sở giáo dục trung học.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa
đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành, số lượng phòng học còn thiếu
nhiều, nhất là ở các khu vực đô thị, địa bàn có đông khu công nghiệp, khu chế
xuất, số phòng học chưa được kiên cố còn lớn, tập trung chủ yếu ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học bộ môn,
thư viện và các điều kiện cơ sở vật chất khác. Tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học
theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp; thiết bị chuyên dùng tại các
phòng học bộ môn ngoại ngữ, tin học còn thiếu và cũ, chưa được bổ sung kịp thời.
- Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đã tăng về số
lượng, chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng được yêu cầu
phát triển giáo dục của đất nước. Sự bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo
theo cấp, bậc học, theo chuyên môn, ngành nghề và vùng miền ở những năm đầu thực
hiện Chương trình GDPT 2018 đã dần dần được khắc phục. Trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ của GV được nâng lên, đáp ứng yêu cầu. Công tác bồi dưỡng, tập huấn
nâng cao trình độ CBQL, GV thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai
sớm, bài bản, khoa học.
Tuy nhiên, số lượng GV chưa đáp ứng được định mức
theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ và thiếu GV dạy các môn học mới
diễn ra phổ biến. Cơ cấu đội ngũ GV chưa hợp lí giữa các môn học trong cùng một
cấp học, giữa các vùng miền. Chất lượng GV không đồng đều. Việc tuyển dụng GV
phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương khó khăn, lúng túng trong
việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng GV và CBQL. Nhiều
GV chưa đủ tự tin áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong thực tiễn. Một
số GV hạn chế về trình độ chuyên môn, kĩ sư phạm, thiếu nhạy bén với việc đổi mới
cách tổ chức dạy học; năng lực ứng dụng công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được
yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho GV cốt cán,
GV đại trà có nơi, có lúc còn hình thức, thời gian tổ chức ngắn, gấp, hiệu quả
chưa cao; chất lượng tập huấn thấp.
- Kinh phí để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện
đổi mới Chương trình, SGK GDPT rất lớn nhưng ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Cơ chế huy động các nguồn lực cho đổi mới chương trình GDPT chưa đầy đủ, có nhiều
vướng mắc. Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm triển khai chính
sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất, đồng thuận. Việc triển khai một
số chương trình, đề án liên quan đến đổi mới Chương trình, SGK GDPT còn hạn chế,
tỷ lệ giải ngân thấp.
4. Về đổi mới phương pháp dạy học
và kiểm tra, đánh giá học sinh
Việc đổi mới phương pháp giáo dục được định hướng
trong Chương trình tổng thể, cụ thể hóa trong các Chương trình môn học và được
thể hiện ở từng nội dung giáo dục; đã được chuẩn bị từ trước khi ban hành
Chương trình GDPT 2018, đã triển khai áp dụng những mô hình giáo dục và phương
pháp giáo dục mới vào thực tiễn; triển khai các chương trình, đề án Hỗ trợ đổi
mới GDPT (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng
lực đội ngũ GV và CBQL cơ sở GDPT (ETEP).
- Ưu điểm: (1) Việc đổi mới phương pháp giáo dục đã
được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; hình thức tổ chức dạy học đa dạng
hóa, ứng dụng công nghệ được triển khai; (2) GV tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn,
năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức,
kiểm tra, định hướng, chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng tăng cường,
phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của HS, thiết kế các hoạt động ở trong
và ngoài lớp học; áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung, đối tượng
và điều kiện cụ thể, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành; (3) Việc đánh
giá HS cũng chuyển dần từ tập trung đánh giá kết quả và xếp loại HS theo chuẩn
kiến thức, kĩ năng sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả
năng và phẩm chất của HS một cách toàn diện.
- Tồn tại, hạn chế: Việc triển khai đổi mới phương
pháp dạy học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả cao. Một bộ phận CBQL
giáo dục, GV và HS nhận thức chưa đầy đủ về đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá;
năng lực áp dụng các kĩ thuật và phương pháp đánh giá mới còn hạn chế.
III. NHỮNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI
TIẾP THEO
Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong
thời gian tiếp theo, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các Sở GDĐT thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
Khẩn trương triển khai thực hiện những nội dung,
yêu cầu tại Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ về Kế hoạch thực
hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số
51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.
2. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở GDPT triển khai thực
hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng lộ trình quy định, khắc phục khó khăn,
phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà giáo.
- Rà soát, bổ sung đội ngũ GV, tham mưu Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tuyển dụng đủ GV đặc biệt là GV dạy các môn học
mới theo Chương trình GDPT 2018.
- Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc
bồi dưỡng, tập huấn CBQL giáo dục, GV; phát huy vai trò của đội ngũ GV cốt cán.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn của cụm trường, của trường bảo đảm thiết thực và
hiệu quả.
- Tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá việc triển
khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong đó tập trung vào những nội dung:
phân công GV dạy học những môn học mới; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra,
đánh giá; lựa chọn SGK; mua sắm, sử dụng thiết bị dạy học; tổ chức dạy học nhằm
đáp ứng nguyện vọng của HS về lựa chọn môn học và chuyên đề học tập ở cấp THPT;
chuẩn bị cho HS thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
- Chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện triển khai
Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2020-2025 trong năm học 2024-2025.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp theo kế hoạch của tỉnh,
thành phố thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các Sở GDĐT;
- Lưu: VT, GDTrH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|
[1] Tiến hành khảo sát
trực tiếp tại 7 tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên
Giang, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Khảo sát thông qua phiếu hỏi CBQL,
GV, phụ huynh và HS gồm 3.046 CBQL cấp tiểu học, 4.556 CBQL cấp trung học;
10.825 GV cấp tiểu học và 24.794 GV cấp trung học của 54 tỉnh/thành phố; 77.067
HS và 51.549 cha mẹ HS cấp trung học của 63 tỉnh, thành phố. Thành lập 28 nhóm
chuyên gia theo môn học/hoạt động giáo dục để phân tích, tổng hợp, đánh giá việc
triển khai thực hiện từng môn học/hoạt động giáo dục.