Kính gửi:
|
- Các đại học, học viện;
- Các trường đại học;
- Các trường cao đẳng và trường trung cấp có đào tạo giáo viên;
- Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
|
Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định
chất lượng giáo dục (KĐCLGD) theo Luật giáo dục đại học (Luật số: 08/2012/QH13)
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số:
34/2018/QH14) khi có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các đại học,
học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo giáo viên
(sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), các tổ chức KĐCLGD thực hiện tốt các nhiệm
vụ sau:
I. ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Công tác bảo đảm chất lượng
bên trong nhà trường
a) Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản
của đơn vị về công tác bảo đảm và KĐCLGD đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo
tính khả thi;
b) Tiếp tục thành lập/kiện toàn đơn vị chuyên trách
về bảo đảm chất lượng giáo dục, đảm bảo có đủ số lượng cán bộ có trình độ
chuyên môn để triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng của nhà trường; chủ động
tham gia các dự án liên quan đến bảo đảm chất lượng giáo dục với các đối tác
trong và ngoài nước; chú trọng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo
đảm và KĐCLGD; đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho công tác bảo đảm
và KĐCLGD; tạo điều kiện cho các cán bộ, giảng viên, giáo viên và nhân viên
tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo đảm và KĐCLGD;
c) Xây dựng kế hoạch bảo đảm chất lượng của nhà trường
và triển khai thực hiện kế hoạch đề ra, trong đó chú trọng công tác tự đánh
giá, cải tiến chất lượng, đăng ký KĐCLGD. Kế hoạch phải nêu được những công việc
cần triển khai, thời gian thực hiện, biện pháp và nguồn lực, trách nhiệm của từng
đơn vị và của đơn vị chuyên trách đối với công tác bảo đảm và KĐCLGD;
d) Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng
bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của đơn vị; vận
hành hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, hướng tới mục tiêu từng bước
hình thành và phát triển văn hóa chất lượng bên trong nhà trường. Khuyến khích
tham khảo và áp dụng các mô hình bảo đảm chất lượng bên trong của khu vực và quốc
tế như Mạng lưới bảo đảm chất lượng ASEAN (AQAN), Mạng lưới chất lượng các trường
đại học ASEAN (AUN-QA), Mạng lưới chất lượng Châu Á-Thái Bình Dương (APQN), Hiệp
hội bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Mạng lưới quốc tế các
tổ chức bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE).
2. Công tác kiểm định chất lượng
cơ sở giáo dục
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày
23/02/2017 của Bộ GDĐT về việc Triển khai công tác KĐCLGD đối với cơ sở giáo dục
đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm giai đoạn 2017-2020. Đến
hết ngày 31/12/2020, tất cả các trường đại học và trường cao đẳng sư phạm,
trung cấp sư phạm có sinh viên tốt nghiệp phải được kiểm định chất lượng và
công bố công khai các kết quả kiểm định. Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Đối với các cơ sở giáo dục chưa được đánh giá
ngoài: Chủ động thực hiện tự đánh giá, cải tiến chất lượng và chuẩn bị các điều
kiện để đăng ký đánh giá ngoài, cụ thể:
- Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện tự
đánh giá theo tiêu chuẩn ban hành tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày
19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về KĐCLGD cơ sở giáo dục đại
học và các văn bản hướng dẫn;
- Các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tiếp
tục thực hiện tự đánh giá theo quy trình quy định tại Thông tư số
62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về quy
trình và chu kỳ kiểm định chất lượng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên
nghiệp và các bộ tiêu chuẩn tương ứng (Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BGDĐT đối với
trường cao đẳng sư phạm, Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT đối với trường trung
cấp sư phạm).
b) Đối với các cơ sở giáo dục đã được đánh giá
ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục:
- Căn cứ sứ mạng, mục tiêu và điều kiện cụ thể của
nhà trường, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá theo những khuyến
nghị của đoàn đánh giá ngoài và Hội đồng KĐCLGD của các tổ chức KĐCLGD; huy động
các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải tiến chất lượng;
- Báo cáo kết quả cải tiến chất lượng về Bộ GDĐT
(qua Cục Quản lý chất lượng), cơ quan quản lý trực tiếp và tổ chức KĐCLGD đã thực
hiện đánh giá ngoài vào giữa chu kỳ KĐCLGD (2,5 năm). Báo cáo giữa chu kỳ
KĐCLGD cân nêu rõ: (1) các vấn đề nhà trường cần cải tiến chất lượng theo các
khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và Hội đồng KĐCLGD của tổ chức KĐCLGD; (2)
các hoạt động cải tiến chất lượng đã triển khai và kết quả đạt được (kèm theo
minh chứng); (3) các lĩnh vực cần cải tiến chất lượng trong nửa kỳ tiếp theo;
- Trong chu kỳ kiểm định, khuyến khích các cơ sở
giáo dục đại học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ
tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí) triển
khai cải tiến chất lượng và đánh giá giữa chu kỳ KĐCLGD theo bộ tiêu chuẩn kiểm
định chất lượng cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số
12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
3. Công tác kiểm định chất lượng
chương trình đào tạo
Phấn đấu đến hết năm 2020 tất cả các cơ sở giáo dục
có ít nhất 10% số chương trình đào tạo có sinh viên tốt nghiệp được KĐCLGD (ít
nhất 40% đối với chương trình đào tạo giáo viên). Đối với từng chương trình đào
tạo cụ thể, khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá theo một trong các
bộ tiêu chuẩn sau:
a) Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào
tạo các trình độ của giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số
04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT;
b) Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào
tạo điều dưỡng trình độ đại học, cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số
33/2014/TT-BGDĐT ngày 02/10/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT;
c) Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào
tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số
49/2012/TT-BGDĐT ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT;
d) Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo
dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số
23/2011/TT-BGDĐT ngày 06/6/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT;
đ) Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo
dục ngành giáo dục tiểu học trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Quyết định số
72/2007/QĐ-BGDĐT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GDĐT;
e) Tiêu chuẩn của các tổ chức đánh giá và KĐCLGD của
nước ngoài có uy tín được Bộ GDĐT công nhận. Lưu ý, các trường liên hệ với Cục
Quản lý chất lượng để trao đổi các thông tin cần thiết khi có nhu cầu đánh giá
với tổ chức KĐCLGD nước ngoài.
4. Các công tác bảo đảm và kiểm
định chất lượng giáo dục khác
a) Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả
KĐCLGD theo quy định;
b) Khuyến khích cơ sở giáo dục tổ chức hội nghị, hội
thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm và KĐCLGD;
khuyến khích hoạt động đánh giá đồng cấp để giúp cơ sở giáo dục nâng cao chất
lượng tự đánh giá cũng như để hoàn thiện báo cáo tự đánh giá;
c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ
hiệu quả hoạt động quản lý về bảo đảm và KĐCLGD. Cung cấp thông tin cho Bộ GDĐT
để đưa vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu bảo đảm và KĐCLGD cấp quốc gia trong
thời gian tới;
d) Cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đã được
đánh giá ngoài nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng
chỉ được đăng ký đánh giá ngoài lần kế tiếp sau ít nhất 01 năm kể từ ngày nhận
được báo cáo đánh giá ngoài. Trong thời gian 01 năm đó, cơ sở giáo dục chủ động
thực hiện cải tiến chất lượng theo khuyến nghị được ghi trong báo cáo đánh giá
ngoài, gửi báo cáo kết quả cải tiến chất lượng cho Bộ GDĐT (qua Cục Quản lý chất
lượng), cơ quan quản lý trực tiếp và tổ chức KĐCLGD đã thực hiện đánh giá ngoài
trước đó.
5. Công tác báo cáo
Cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về
kết quả thực hiện công tác bảo đảm và KĐCLGD, công khai kết quả KĐCLGD trên
trang thông tin điện tử theo quy định; đồng thời, báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Quản
lý chất lượng) theo địa chỉ e-mail: phongkdclgd@moet.gov.vn (các file word và
pdf), cụ thể như sau:
a) Kế hoạch bảo đảm chất lượng hằng năm: gửi báo
cáo trước ngày 31/8 hằng năm;
b) Báo cáo tự đánh giá, công văn thông báo về việc
đã hoàn thành tự đánh giá hoặc cập nhật báo cáo tự đánh giá: gửi báo cáo ngay
sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá hoặc cập nhật báo cáo tự đánh giá;
c) Báo cáo tự đánh giá đã được thẩm định, công văn
thông báo việc đã ký hợp đồng đánh giá ngoài với tổ chức KĐCLGD: gửi báo cáo
ngay sau khi ký hợp đồng đánh giá ngoài với tổ chức KĐCLGD;
d) Kế hoạch cải tiến chất lượng: gửi báo cáo ngay
sau khi đã được đánh giá ngoài, được công nhận hoặc không được công nhận đạt
tiêu chuẩn chất lượng;
đ) Báo cáo kết quả cải tiến chất lượng sau khi hoàn
thành tự đánh giá, đánh giá ngoài: gửi báo cáo trước ngày 31/8 hằng năm.
II. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH CHẤT
LƯỢNG GIÁO DỤC
1. Hoàn thiện các văn bản nội bộ, trong đó có quy
chế tổ chức hoạt động của đơn vị bảo đảm các nguyên tắc của KĐCLGD; xây dựng
phương án để tổ chức KĐCLGD độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ
sở giáo dục đại học, báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) trước ngày
01/7/2019.
2. Ưu tiên triển khai thực hiện các hoạt động
KĐCLGD đối với các trường sư phạm và các chương trình đào tạo giáo viên.
3. Lựa chọn đội ngũ đánh giá viên, kiểm định viên
phù hợp để tham gia các đoàn đánh giá ngoài, nhất là đối với đánh giá các chương
trình đào tạo. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho
đội ngũ kiểm định viên và đánh giá viên; bố trí quan sát viên tham gia cùng các
đoàn đánh giá ngoài.
4. Bám sát mốc chuẩn tham chiếu trong hướng dẫn
đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; thực hiện các hoạt
động đánh giá, công nhận bảo đảm công bằng, khách quan.
5. Thực hiện đúng quy trình và các bước trước khi
tiến hành đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo: thường xuyên
theo dõi, kiểm tra thông tin về việc hoàn thành và cập nhật báo cáo tự đánh giá
của cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử của Bộ
GDĐT (https://moet.gov.vn).
6. Công khai kịp thời kết quả đánh giá ngoài, nội
dung nghị quyết và kiến nghị của Hội đồng KĐCLGD, Giấy chứng nhận KĐCLGD của cơ
sở giáo dục và chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử của tổ chức
KĐCLGD.
7. Có kế hoạch đăng ký tham gia làm thành viên của
các mạng lưới khu vực và quốc tế về bảo đảm chất lượng giáo dục; chủ động tư vấn
cho Bộ GDĐT những vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm và KĐCLGD.
8. Thông báo và hướng dẫn các kiểm định viên KĐCLGD
đại học và trung cấp chuyên nghiệp do đơn vị quản lý có thẻ kiểm định viên sắp
hết thời hạn sử dụng gửi hồ sơ tới Cục Quản lý chất lượng để được cấp lại thẻ.
9. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định:
a) Báo cáo hằng tháng về kết quả đánh giá và công
nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục;
b) Báo cáo hằng năm và các báo cáo khác theo yêu cầu
của Bộ GDĐT.
(Gửi các tệp word và pdf về Bộ GDĐT qua Cục Quản lý
chất lượng theo địa chỉ e-mail: phongkdclgd@moet.gov.vn.
Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, phát
sinh, đề nghị các cơ sở giáo dục và các tổ chức KĐCLGD kịp thời báo cáo Bộ GDĐT
(qua Cục Quản lý chất lượng, 35 Đại Cổ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; e-mail:
phongkdclgd@moet.gov.vn; điện thoại 0243.9747108) để giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để ph/h);
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Các cơ quan quản lý trực tiếp các CSGD;
- Lưu: VT, Cục QLCL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Hải An
|