Kính gửi:
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 6096/BIDV-TC
ngày 30/8/2017 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị
hướng dẫn về chính sách thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về chi phí khấu hao tài sản
cố định:
Căn cứ điểm 2 Điều 9 Thông tư số
45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 9. Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ
…
2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được
tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy
định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Căn cứ điểm e Khoản 2.2 Điều 4 Thông
tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6
Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản
2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số
151/2014/TT-BTC) như sau:
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập
chịu thuế bao gồm:
2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong
các trường hợp sau:
…
e) Một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:
…
Trường hợp doanh nghiệp có công trình trên đất như
trụ sở văn phòng, nhà xưởng, cửa hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh
của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế theo đúng mức trích khấu hao và thời gian sử dụng
tài sản cố định quy định hiện hành của Bộ Tài chính đối với các công trình này
nếu đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên
doanh nghiệp (trong trường hợp đất thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp) hoặc có
hợp đồng thuê đất, mượn đất giữa doanh nghiệp với đơn vị, cá nhân có đất và đại
diện doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hợp
đồng (trong trường hợp đất đi thuê hoặc đi mượn).
+ Hóa đơn thanh toán khối lượng công trình xây dựng
bàn giao kèm theo hợp đồng xây dựng công trình, thanh lý hợp đồng, quyết toán
giá trị công trình xây dựng mang tên, địa chỉ và mã số thuế của doanh nghiệp.
+ Công trình trên đất được quản lý, theo dõi hạch
toán theo quy định hiện hành về quản lý tài sản cố định.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Ngân hàng BIDV
phát sinh công trình xây dựng cơ bản là trụ sở làm việc đã đưa vào sử dụng
nhưng chưa quyết toán thì Ngân hàng thực hiện xác định nguyên giá tài sản,
phương pháp khấu hao và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư số
45/2013/TT-BTC và Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Khi xác định thu nhập chịu thuế
TNDN đề nghị Ngân hàng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
Trong trường hợp công trình thực hiện quyết toán theo từng hạng mục thì chi phí
khấu hao đối với các hạng mục đã được quyết toán đưa vào sử dụng phục vụ hoạt động
sản xuất kinh doanh được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
2. Về thuế GTGT đối với hoạt động
bán tài sản bảo đảm tiền vay:
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số
26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“3. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8
Điều 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Thông tư số
151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
…
- Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng
hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy
quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:
+ Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc
giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của
pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
+ Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện
theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo
đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ
chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, các
bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì
không phải xuất hóa đơn GTGT.
Trường hợp tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm để
thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện hạch
toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi tổ chức
tín dụng bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng
chịu thuế GTGT thì tổ chức tín dụng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Ngân hàng BIDV
nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ và các tài
sản này đã được sang tên cho Ngân hàng thì Ngân hàng BIDV thực hiện hạch toán
tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi Ngân hàng
BIDV bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu
thuế GTGT thì Ngân hàng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
3. Về hóa đơn, chứng từ đối với
chi phí thuê trụ sở giữa các đơn vị trong nội bộ cùng sử dụng trụ sở:
Căn cứ điểm a Khoản 7 Điều 3 Thông
tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16
như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1
Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông
tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch
vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo,
hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương
cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục
quá trình sản xuất).”
Trường hợp Ngân hàng BIDV có phát sinh hoạt động
cho thuê nhà, trụ sở giữa các đơn vị trong nội bộ Ngân hàng thì Ngân hàng BIDV
phải xuất hóa đơn GTGT với thuế suất 10% đối với hoạt động cho thuê này. Đối với
chi phí điện, nước dùng chung Ngân hàng BIDV thực hiện xuất hóa đơn GTGT theo
thỏa thuận giữa các bên tại hợp đồng.
4. Thuế nhà thầu đối với thu nhập
phát sinh tại Việt Nam của Chi nhánh BIDV tại nước ngoài:
Căn cứ Điều 1 Thông tư số
103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 1. Đối tượng áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối
tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú
tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài
kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại
Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài)
kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp
đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt
Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một
phần công việc của Hợp đồng nhà thầu...”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp chi nhánh
Yangon của ngân hàng BIDV (pháp nhân tại Myanmar) có phát sinh khoản lãi tiền
vay từ khoản cho Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (tại Việt Nam) vay thuộc
đối tượng điều chỉnh và phải kê khai, nộp thuế nhà thầu theo hướng dẫn tại
Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 nêu trên.
5. Về việc báo cáo số liệu gửi
cơ quan thuế:
Đề nghị Ngân hàng BIDV thực hiện chế độ báo cáo với
cơ quan thuế theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Ngân hàng BIDV được biết
và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ/Cục: PC, CST, CĐKT, TCDN (BTC);
- Vụ CS, PC, KK (TCT);
- Website TCT;
- Lưu: VT, DNL (2b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Đặng Ngọc Minh
|