TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2961/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 01 năm 2019
|
Kính gửi: Công
ty TNHH Terumo Việt Nam
(Địa chỉ: Lô 44A-44B-44C Khu công nghiệp Quang Minh, Thị trấn Chi Đông, Huyện
Mê Linh, TP Hà Nội MST: 2500254567)
Cục thuế TP Hà Nội nhận được công văn số
201701/TVC-CV ngày 18/01/2017 của Công ty TNHH Terumo Việt Nam hỏi về chính
sách thuế, sau khi báo cáo Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Khoản 1 và Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 228/2009/TT-BTC
ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản
dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổng thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải
thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp
quy định như sau:
"1. Đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên
vật liệu, dụng cụ dùng cho sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho (gồm
cả hàng tồn kho bị hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật,
lỗi thời, ứ đọng, chậm luân chuyển...), sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở
dang (sau đây gọi tắt là hàng tồn kho) mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá
trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện sau:
- Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định
của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho.
- Là những vật tư hàng hóa thuộc quyền sở hữu
của doanh nghiệp tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Trường hợp nguyên vật liệu có giá trị thuần có
thể thực hiện được thấp hơn so với giá gốc nhưng giá bán sản phẩm dịch vụ được
sản xuất từ nguyên vật liệu này không bị giảm giá thì không được trích lập dự phòng
giảm giá nguyên vật liệu tồn kho đó.
…
4. Xử lý hủy bỏ đối với vật tư, hàng hóa đã
trích lập dự phòng:
a) Hàng tồn đọng do hết hạn sử dụng, mất phẩm
chất, dịch bệnh, hư hỏng, do không còn giá trị sử dụng như: dược phẩm, thực
phẩm, vật tư y tế, con giống, vật nuôi, vật tư hàng hóa khác phải hủy bỏ thì xử
lý như sau:
Doanh nghiệp lập Hội đồng xử lý tài sản để thẩm
định tài sản bị hủy bỏ. Biên bản thẩm định phải kê chi tiết tên, số lượng, giá
trị hàng hóa phải hủy bỏ, nguyên nhân phải hủy bỏ, giá trị thu hồi được do bán
thanh lý, giá trị thiệt hại thực tế.
Mức độ tổn thất thực tế của từng loại hàng tồn
đọng không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán
trừ đi giá trị thu hồi do thanh lý (do người gây thiệt hại đền bù, do bán thanh
lý hàng hóa).
b) Thẩm quyền xử lý: Hội đồng quản trị (đối với
doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh
nghiệp có Hội đồng thành viên); Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) đối với doanh
nghiệp không có Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; chủ doanh nghiệp căn cứ
vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến hàng hóa tồn đọng
để quyết định xử lý hủy bỏ vật tư, hàng hóa nói trên; quyết định xử lý trách
nhiệm của những người liên quan đến số vật tư, hàng hóa đó và chịu trách nhiệm
về quyết định của mình trước chủ sở hữu và trước pháp luật.
c) Xử lý hạch toán:
Giá trị tổn thất thực tế của hàng tồn đọng không
thu hồi được đã có quyết định xử lý hủy bỏ, sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng
giảm giá hàng tồn kho, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào giá vốn hàng
bán của doanh nghiệp."
- Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự số
91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định:
"Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra
một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc
dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."
- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày
22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC
hướng dẫn các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu
thuế như sau:
"1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu
tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các
điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến
hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp
theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch
vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi
thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực
hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế bao gồm:
2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện
quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến
phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả
kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được
trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị
tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác
theo quy định của pháp luật.
Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh,
hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định
bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức,
cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật."
- Căn cứ công văn số 64/TCT-CS ngày 05/01/2019 của
Tổng cục Thuế hướng dẫn chính sách thuế.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty
TNHH Terumo Việt Nam có số nguyên vật liệu không sử dụng phải tiêu hủy do
chuyển dịch cơ cấu sản xuất sản phẩm thì chưa đủ cơ sở để xác định việc tiêu
hủy nguyên vật liệu của Công ty là tổn thất do bất khả kháng để tính giá trị
nguyên vật liệu tiêu hủy vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
TNDN.
Trường hợp lô nguyên liệu, bán thành phẩm của Công
ty đủ điều kiện để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì xử lý hủy bỏ
đối với vật tư hàng hóa đã trích lập dự phòng theo quy định tại Khoản 4 Điều 4
Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính.
Trường hợp lô nguyên liệu, bán thành phẩm của Công
ty không đủ điều kiện để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì chưa đủ
cơ sở để xử lý hủy bỏ đối với vật tư hàng hóa đã trích lập dự phòng theo quy
định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 228/2009/TT-BTC nêu trên.
Đề nghị Công ty căn cứ quy định tại các văn bản quy
phạm pháp luật về thuế nêu trên và điều kiện thực tế để thực hiện theo đúng quy
định của pháp luật về thuế.
Cục Thuế TP Hà Nội thông báo để Công ty TNHH Terumo
Việt Nam được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng KT1;
- Phòng pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT (2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|