TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15893/CT-HTr
V/v: trả
lời chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2015
|
Kính gửi: Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm
Cục thuế TP Hà Nội nhận được Công văn số 1780/CCT-TTHT&
AC ngày 20/3/2015 của Chi cục Thuế quận Bắc
Từ Liêm hỏi về chính sách thuế, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Căn cứ điểm b, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 218/NĐ-CP ngày
26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế từ
năm 2014 trở đi, quy định:
“Điều 9. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định
thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi quy định tại Khoản
2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản
chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
….
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định
của pháp luật.
Đối với các trường hợp: Mua hàng hóa là
nóng, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá,
song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công trực tiếp bán ra; mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân
tự khai thác trực tiếp bán ra, mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt, mua đồ dùng, tài sản, của hộ gia đình, cá
nhân trực tiếp bán ra và dịch vụ mua của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh
phải có chứng từ thanh toán chi trả tiền cho người bán và Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ
do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh ký và chịu trách nhiệm.”
- Căn cứ điểm 2.4, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày
18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của
Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập
chịu thuế bao gồm:
….
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không
có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số
01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người
bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
- Mua hàng hóa là nông sản, hải sản,
thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay,
cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công
không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia
đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
- Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ
gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia
đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu
chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo
pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật
về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập
Bảng kê tính vào chi phí được trừ nêu trên không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán
không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê
cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua
hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc
tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
- Căn cứ khoản 2, Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
“Điều 83. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng
từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi
xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang
có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có
hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm
pháp luật có quy định
khác nhau về cùng một vấn đề thì áp
dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”
- Căn cứ khoản 19, Điều 3 Luật bảo vệ và phát
triển rừng, quy định:
“19. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng gồm thực vật rừng, động vật rừng
và các sinh vật rừng
khác. Lâm sản gồm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.”
- Căn cứ vào các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Trường hợp trong năm 2014 Công ty cổ phần Hàng
hóa Quốc Tế Leeson thu mua lâm sản của người trồng
trọt, sản xuất trực tiếp bán ra, không có hóa đơn bán hàng thì thuộc đối tượng
được lập bảng kê mẫu 01/TNDN để xác định chi phí được trừ theo quy định tại điểm
b, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 218/NĐ-CP nêu trên.
Đề nghị Chi cục Thuế
quận Bắc Từ Liêm yêu cầu Công ty cổ phần Hàng hóa Quốc tế Leeson cung cấp đầy đủ
các văn bản, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh ván lạng gỗ Bạch đàn
là lâm sản của người trồng trọt, sản xuất trực tiếp bán ra, không có hóa
đơn bán hàng theo các quy định nêu trên để hướng dẫn đơn vị thực hiện lập bảng
kê mẫu 01/TNDN.
Cục thuế TP Hà Nội thông báo để Chi cục Thuế quận Bắc Từ
Liêm biết và thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã
được trích dẫn tại văn bản này./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, HTr(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Thái Dũng Tiến
|