BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4846/BTP-BTTP
V/v chấn chỉnh hoạt động công chứng
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 12 năm 2022
|
Kính gửi: Sở
Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ Tư pháp nhận được Kiến nghị số 13/KN-VKSNDTC
ngày 16/11/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị phòng ngừa tội phạm
và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng, trong đó có nêu một, một số vụ
án liên quan đến hoạt động công chứng tại một số địa phương. Mặt khác, thời
gian vừa qua, báo chí thường xuyên phản ánh thông tin về việc một số công chứng
viên bị tạm giam giữ, khởi tố liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch trái
quy định của pháp luật. Để chấn chỉnh hoạt động công chứng trong cả nước, Bộ Tư
pháp đề nghị Sở Tư pháp quan tâm chỉ đạo, thực hiện một số việc sau đây:
- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật về công chứng để nhân dân nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng
của hoạt động công chứng và giá trị của văn bản công chứng từ đó tránh những rủi
ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng, giao dịch.
- Tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, thanh tra,
kiểm tra, giám sát hoạt động công chứng, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức
hành nghề công chứng, công chứng viên; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các sai
phạm trong hoạt động công chứng nhằm răn đe, chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động công
chứng thực hiện đúng quy định pháp luật.
- Có Văn bản chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành
nghề công chứng, công chứng viên tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hành nghề, các
quy định về trình tự, thủ tục công chứng, thực hiện đúng thẩm quyền và trách
nhiệm theo quy định của pháp luật; quán triệt tinh thần của Chỉ thị số
21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử
lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Tăng cường phối hợp với Hội công chứng viên tỉnh
trong việc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến hành nghề công chứng
nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng cho
công chứng viên; tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò tự quản của Hội công chứng
viên trong việc giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên; kịp thời
phát hiện các tiêu cực và xử lý nghiêm các hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm
đạo đức hành nghề công chứng.
- Chủ động chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên
quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng hoặc tiếp tục rà soát, sửa đổi,
cập nhật cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và quy chế khai thác, sử dụng
cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng để tăng cường tính
chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng.
- Tăng cường, quản lý chặt chẽ về phát triển các tổ
chức hành nghề công chứng; nâng cao, kiểm soát chất lượng đầu vào của đội ngũ
công chứng viên tại địa phương thông qua quản lý về tập sự hành nghề công chứng,
thẩm định hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên.
- Đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh có tên trong kiến nghị
của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Đồng Nai, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An)
báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả giải quyết các vụ án; quá trình hành nghề của
công chứng viên, tổ chức, hoạt động của các Văn phòng công chứng nơi công chứng
viên vi phạm pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ việc và hiện tại. Báo cáo được gửi
về Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp) trước ngày 26/12/2022.
Trên đây là một số nội dung nhằm chấn chỉnh hoạt động
công chứng trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu (để b/c);
- Lưu: VT, BTTP.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC BỔ TRỢ TƯ PHÁP
Lê Xuân Hồng
|
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/KN-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 11 năm 2022
|
KIẾN NGHỊ
KIẾN NGHỊ PHÒNG NGỪA
TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT
Kính gửi: Cục
Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp
- Căn cứ các Điều 4, 5, 9 Luật tổ chức Viện kiểm
sát nhân dân.
- Căn cứ các Điều 6, 20, 41 Bộ luật Tố tụng hình sự
năm 2015.
Trong thời gian qua tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm
đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng phạm tội đã dùng thủ đoạn
thuê làm giả hoặc làm giả các tài liệu của cơ quan tổ chức (Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất) mang đến các cơ quan công chứng, chứng thực hoặc làm thủ tục xác
nhận chứng thực, ký hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó, sử dụng để thực hiện các
hành vi gian dối lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số vụ án có sự tiếp tay của
cán bộ công chứng, điển hình là các vụ án cụ thể sau:
1. Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại
tỉnh Đồng Nai, kết quả xác định: Ngày 12/11/2010 tại Văn phòng công chứng số 3
thị xã Long Khánh, Công chứng viên Huỳnh Thị Liêm biết rõ lô đất số 350 đang thế
chấp cho ngân hàng (chưa được giải chấp), nhưng vẫn làm thủ tục công chứng cho
vợ chồng Ngô Thùy Lan bán cho ông Phạm Ngọc Tám là vi phạm khoản 2 Điều 41 Luật
Công chứng, dẫn đến hậu quả Ngô Thùy Lan lừa đảo chiếm đoạt của ông Tám 1,5 tỉ
đồng;
2. Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại
tỉnh Kiên Giang, kết quả điều tra xác định: Ngày 24/12/2015, tại Phòng công chứng
số 2 tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Thị Loan giả mạo chữ ký của bà Dương Thị Cẩm Hường
ký và điểm chỉ vào (Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 70/VB-CC2 ngày
24/12/2015) cho Phạm Bảo Trân, nhưng chuyên viên Tăng Phước Thành và công chứng
viên Phí Quang Lưu không kiểm tra vẫn công chứng là vi phạm điểm a, b Điều 7,
khoản 8 Điều 40 và khoản 1 Điều 46 Luật công chứng, dẫn đến hậu quả Nguyễn Thị
Loan lừa đảo chiếm đoạt của bà Trân 01 tỉ đồng;
3. Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại
tỉnh Kiên Giang, kết quả điều tra xác định: ngày 26/6/2017 tại Văn phòng Công
chứng số 2 tỉnh Kiên Giang công chứng viên Phí Quang Lưu đã lập Hợp đồng công chứng
chuyển nhượng 2 lô đất ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang của
bà Nguyễn Ngọc Oanh có trị giá hơn 50 tỉ đồng cho ông Phạm Ngọc Long mà không
có mặt bà Oanh (chỉ có chữ ký bà Oanh), giá bán ghi trong 02 Hợp đồng công chứng
02 lô đất trên là 1,2 tỉ đồng; Như vậy Công chứng viên không trực tiếp ký hợp đồng
công chứng giữa 2 bên mua và bán, giá bán ghi trong hợp đồng không phù hợp với
giá trị thửa đất vi phạm khoản 1 Điều 44 Luật công chứng, dẫn đến các bên khiếu
kiện tranh chấp, phức tạp.
4. Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tỉnh
Hậu Giang, kết quả điều tra xác định: xảy ra ngày 14/8/2020, Nguyễn Hoàng Tuấn
là Công chứng viên - Văn phòng Công chứng Nguyễn Hoàng Tuấn ở thành phố Vị
Thanh, tỉnh Hậu Giang khi làm thủ tục ký 03 Hợp đồng công chứng tặng cho quyền
sử dụng đối với 03 thửa đất đứng tên bà Nguyễn Thị Lài sang cho Đặng Văn Dư đã
không thực hiện đúng quy trình tác nghiệp: công chứng khi không có mặt của bà
Lài, để cho ông Dư mạo chữ ký của bà Lài trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng
đất.., từ đó tạo điều kiện cho Đặng Văn Dư lừa dối cơ quan chức năng để được cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 03 thửa đất trên. Sau đó Dư lừa bán
03 thửa đất trên cho ông Lê Hoàng Lộc để chiếm đoạt 700 triệu đồng.
Hành vi trên của ông Tuấn đã gây thiệt hại nghiêm
trọng đến tài sản của người khác, nên các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hậu
Giang đã khởi tố bị can và tiến hành điều tra, truy tố và xét xử đối với ông Tuấn
về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2, Điều
360 BLHS.
5. Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thiếu
trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ngày 12/4/2017 tại tỉnh Long An, kết
quả điều tra xác định: Nguyễn Đình Ninh là Công chứng viên (Phòng công chứng số
4 huyện Đức Hòa) khi làm thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền giữa bà Nguyễn
Tuyết Anh với các ông Trần Gia Hương, Võ Văn Thiết, Lâm Gia Dũng đã thiếu trách
nhiệm không thực hiện đúng quy trình nên không phát hiện việc bà Tuyết Anh chưa
hủy ủy quyền cho những người trên, vẫn tiếp tục công chứng ủy quyền cho ông Lâm
Tấn Lợi và bà Lương Thục Mỹ dẫn đến hậu quả các đối tượng đã sử dụng giấy ủy
quyền để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại. Hành vi của
ông Ninh đã bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo
Điều 360 BLHS.
Hành vi thiếu trách nhiệm của các Công chứng viên
nêu trên đã tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài liệu công chứng, chứng
thực để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng khi
giải quyết các vụ án hình sự.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về
công chứng nêu trên do một số Văn phòng Công chứng khi sử dụng cộng tác viên
không có chuyên môn, nghiệp vụ; Công chứng viên không thực hiện đúng chức trách
và nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm khi kiểm tra để ký các hợp đồng công chứng.
Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật,
tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công
chứng và khắc phục những nguyên nhân tồn tại nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối
cao (V2)
KIẾN NGHỊ:
1. Cuc Bổ trợ tư pháp quan tâm áp dụng một số biện
pháp phòng ngừa như sau:
- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật về công chứng để nhân dân nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng
của hoạt động công chứng và giá trị của văn bản công chứng; từ đó tránh những rủi
ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng, giao dịch.
- Tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra đối với
các tổ chức hành nghề công chứng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật
khi thực hiện công tác công chứng, chứng thực;
2. Đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp có văn bản
trả lời việc thực hiện kiến nghị nêu trên cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ
2) trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị này./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Đ/c Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao (để báo cáo);
- Lưu: VP.VKSTC, Vụ 2, HSKS.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN TRẬT TỰ XÃ HỘI
Lê Minh Long
|