Kính gửi: Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được Tờ
trình số 219/TTr-BVHTTDL ngày 14/8/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
kèm theo Báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư (Báo cáo ĐXCTĐT) Chương trình mục tiêu quốc gia về
chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 (sau
đây viết tắt là Chương trình) và đã có văn bản số
7115/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 29/8/2023 xin ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng,
cơ quan liên quan, các văn bản đôn đốc số 7848/BKHĐT-GSTĐĐT
ngày 21/9/2023, số 8169/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 03/10/2023 và số 8436/BKHĐT-GSTĐĐT
ngày 11/10/2023, trên cơ sở ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng TĐNN,
các cơ quan liên quan đã nhận được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực
HĐTĐNN) đề nghị Quý cơ quan giải trình, bổ sung, làm rõ một số nội dung của Báo
cáo như sau:
1. Về hồ sơ trình thẩm
định
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình đã được Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, các cơ quan. Tuy nhiên, nội dung tiếp thu giải
trình còn thuyết minh sơ sài, chưa rõ ý; một số nội dung vẫn chưa giải trình tiếp thu đầy đủ;
Ngoài ra, một số nội dung còn sơ sài, cụ thể: (1) Quy mô của chương trình; (2)
Đánh giá thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả
trong phần dự kiến kế hoạch bố trí vốn và tiến
độ thực hiện chương trình.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
rà soát tổng thể, bố cục lại các nội dung Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình và bổ sung
thuyết minh, giải trình đầy đủ nội dung
theo quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư công năm 2019 và các nội
dung khác có liên quan bảo đảm có đầy đủ cơ sở xem xét và trách nhiệm giải
trình cấp có thẩm quyền.
2. Sự phù hợp với các
mục tiêu chiến lược; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển
ngành, lĩnh vực; quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch
Bổ sung đánh giá đầy đủ, chi tiết sự
phù hợp của Chương trình với các mục tiêu chiến lược; kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch có liên quan theo
quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Về tên, mục tiêu,
phạm vi và quy mô của chương trình
a) Về tên Chương
trình
Tên Chương trình còn chưa bám sát với
Nghị quyết số 33 và các văn kiện Đảng, Quốc hội. Đề nghị giải trình, làm rõ.
b) Mục tiêu Chương trình
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình thể hiện mục
tiêu chủ yếu tập trung vào đầu tư lĩnh vực văn hóa, chưa tập trung vào phát triển
con người, mục tiêu vừa rộng, vừa trùng lặp với một số mục tiêu Chương trình
MTQG phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và một số
Chương trình, chiến lược trong lĩnh vực văn hóa đã được phê duyệt (Chương trình
số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 phê duyệt tại Quyết định số
2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm
2030 phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021); chưa làm rõ mục
tiêu thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
(vượt ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam) đảm bảo tính khả thi trong điều kiện nguồn
lực hạn chế và sự phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu
tư công.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
rà soát, sắp xếp thứ tự ưu
tiên, xác định mục tiêu của Chương trình đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật
về đầu tư công, tránh trùng lắp với các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển
khai và các Chương trình, chiến lược về văn hóa đã được phê duyệt, đảm bảo các mục
tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện Chương
trình.
c) Về phạm vi và
đối tượng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuyết
minh làm rõ cụ thể hơn về các đối tượng của Chương trình; rà soát làm rõ về
khái niệm quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, làm rõ phạm vi thực hiện tại
một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với
Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và đối tượng
của Chương trình là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đảm bảo phù hợp với
quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công, tránh trùng lắp
với các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai và các Chương trình, chiến
lược về văn hóa đã được phê duyệt.
d) Về quy mô
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình chưa chỉ
ra được quy mô của Chương trình, đề nghị làm rõ quy mô của Chương trình.
4. Thời gian, tiến độ
thực hiện Chương trình
Đề nghị làm rõ thời gian thực hiện Chương
trình có đảm bảo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định
của Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm theo quy định
Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 cũng như dự kiến tiến độ thực hiện Chương
trình cụ thể tương ứng với từng giai đoạn bảo đảm cơ sở tính khả thi.
5. Về tổng mức vốn và
cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình, bao gồm danh mục dự án; khả năng cân đối
nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác
a) Về tổng mức vốn
và cơ cấu nguồn lực
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình mới nêu một
số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách Trung ương, chưa nêu cơ sở, phương
pháp xác định tổng vốn đầu tư của Chương trình; tổng vốn đầu tư chưa được tính
toán dựa trên mục tiêu, quy mô Chương trình. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư Chương trình, trong
đó tổng mức vốn đầu tư thực hiện Chương trình phải tính toán bám sát mục tiêu,
quy mô của Chương trình.
Cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương
trình tại Tờ trình và Báo cáo ĐTCTĐT Chương trình chưa có sự thống nhất: tại Tờ
trình cơ cấu nguồn vốn dự kiến chia theo giai đoạn, mới chỉ giai đoạn
2026-2030 thể hiện rõ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương
trình (trong đó chia ra vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp), vốn ngân sách địa
phương và vốn huy động hợp pháp khác; năm 2025 và giai đoạn 2031-2035 chưa thể
hiện được cụ thể từng nguồn vốn như giai đoạn 2026-2030. Tại Báo cáo ĐTCTĐT Chương
trình, cơ cấu nguồn vốn chia theo giai đoạn 2025-2030 và 2026-2030, phân chia
các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn khác;
chưa chia vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Do đó, tổng vốn đầu tư Chương trình như
đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thể hiện được tổng thể cơ cấu
từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu. Đề nghị rà soát, chỉnh sửa tổng
vốn đầu tư Chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, đồng thời, phân kì
đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình chưa thể
hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư
tập trung, có hiệu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu
tư công. Đề nghị bổ sung nội dung khả năng huy động các nguồn lực theo thứ
tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả.
b) Về khả năng
cân đối nguồn vốn đầu
tư công, huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác
- Đối với nguồn vốn hỗ trợ từ NSTW: đến
thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở để đề xuất nguồn lực cụ thể cho giai đoạn
2026-2030 cũng như giai đoạn 2031-2035 (Theo quy định tại khoản
1 Điều 55 Luật Đầu tư công, trước ngày 30/6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư
công trung hạn giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt định hướng, tiêu chí phân bổ mức vốn đầu
tư công trung hạn dự kiến cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tương
đương với thời điểm là trước ngày 30/6/2024). Đề nghị nghiên cứu đề
xuất phương án cụ thể nguồn hỗ trợ từ NSTW đầu tư cho Chương trình đảm bảo tính
khả thi.
- Đối với nguồn vốn huy động từ NSĐP:
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình mới dự kiến các nguồn huy động; chưa quy định về tỷ
lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; chưa thể hiện nhu cầu của các địa
phương. Đề nghị giải
trình, làm rõ cơ sở xác định nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương.
- Đối với nguồn vốn huy động hợp pháp
khác: đề nghị làm rõ số vốn cụ thể của từng nguồn vốn và cơ sở xác định.
c) Xác định chi phí liên quan trong quá trình thực
hiện và chi phí vận hành sau khi chương trình kết thúc
Đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất kinh phí
hoạt động của cơ quan chỉ đạo Chương trình ở cấp địa phương được trích khoảng
1,5% nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình và áp dụng mức khoán
chung khoảng 3% vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng như huy động thêm các nguồn vốn
lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để duy tu, bảo dưỡng vận hành các công trình
cụ thể trên địa bàn.
6. Về sự hợp lý của
việc phân chia các dự án thành phần của chương trình theo quy định của pháp luật
Về tổng quan, nội dung thành phần theo Báo cáo
ĐXCTĐT Chương trình rất rộng, nhiều nội dung tham vọng giải quyết mọi vấn đề của
văn hóa, cần hoàn thiện theo hướng:
- Nghiên cứu, thiết kế 10 nội dung
thành phần thành các dự án thành phần cụ thể đảm bảo phù hợp với quy
định tại khoản 7 Điều 29 Luật Đầu tư công năm 2019.
- Nêu rõ nguồn lực phân bổ cho từng nội
dung/dự án thành phần, các đề án, chương trình, dự án thuộc Chương trình (không
chỉ vốn Trung ương mà bao gồm cả các nguồn vốn khác), trong đó, xác định rõ căn
cứ, cơ sở và cách xác định; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định lại mục
tiêu, số lượng nhóm nội dung/dự án thành phần của Chương trình cho phù hợp, giảm
bớt mục tiêu, số lượng nhóm nội dung/dự án thành phần trên cơ sở lựa chọn những
vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên nhất cần phải giải quyết ngay giai đoạn
2026-2030; đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá kỹ cơ sở hiện trạng đã đầu
tư, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của lĩnh vực văn hóa trong những năm
vừa qua để làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư của toàn bộ Chương trình.
- Rà soát từng nội dung/dự án thành phần
để tránh trùng lặp với nội dung của các Chương trình MTQG đang thực hiện, các Chương
trình, chiến lược về văn hóa và phù hợp với mục tiêu, quy mô Chương trình, nhằm
đáp ứng điều kiện quyết định chủ trương đầu tư Chương trình theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Đầu tư công (không trùng lặp với các chương
trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư).
- Đối với từng nội dung thành phần cụ
thể, đề nghị lưu ý các ý kiến thẩm định/góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan
(sao gửi kèm theo) để nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp.
7. Về các giải pháp tổ
chức thực hiện
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình đã đề cập
các giải pháp thực hiện Chương trình và tổ chức thực hiện Chương trình. Tuy
nhiên, giải pháp tổ chức thực hiện còn chung chung, chưa cụ thể; Báo cáo thẩm định
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ nêu chủ quan là các giải pháp phù hợp
nhưng không đánh giá được sự phù hợp của giải pháp nêu trong Báo cáo cũng như
tính khả thi của giải pháp; chưa nêu được trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình. Đề nghị, giải
trình, bổ sung các vấn đề này.
Ngoài ra, đề nghị bỏ nhiệm vụ của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư tại phần 2 (trang 163) về “Chủ trì, phối hợp với cơ quan có
liên quan thẩm định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và sử dụng vốn đầu
tư công của Chương trình theo quy định”, nhiệm vụ này do cơ quan chủ chương
trình thực hiện.
8. Phân tích, đánh
giá những ảnh hưởng, tác động về môi trường, xã hội của chương trình; đánh giá
hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của chương
trình.
Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình đã đánh
giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, nội dung
đánh giá thiếu nội dung đánh giá về phát triển bền vững của chương trình; chưa có phân tích
định lượng; Báo cáo thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thẩm định
cụ thể nội dung này. Đề nghị bổ sung
đầy đủ các nội dung
nêu trên trong Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
nghiên cứu, tiếp thu giải
trình đầy đủ các ý kiến thẩm định/góp ý của thành viên Hội đồng và
các cơ quan liên quan (các
ý kiến thẩm định/góp ý sao gửi kèm theo); có bảng tổng
hợp ý kiến
và tiếp thu, giải trình đối với từng nội dung.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
khẩn trương giải trình, làm rõ và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo ĐXCTĐT Chương trình
đầy đủ theo các nội dung,
phân tích nêu trên; gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 19/10/2023 để tổng hợp,
báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét, quyết định.
Trân trọng cảm ơn sự phối
hợp của Quý Bộ./.
Nơi nhận:
- Như trên
(kèm tài liệu theo
Danh mục);
- VPCP (để
b/c);
- Thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước;
- Bộ KHĐT: Bộ trưởng (để b/c); các Vụ, Cục; LĐVX; PTHTĐT, THKTQD,
QPAN,
QLQH,
KHGDTNMT,
KTĐP<,
TCTT, PC;
-
Lưư: VT, GS&TĐĐT(Lu).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Phương
|
DANH
MỤC TÀI LIỆU
(kèm theo văn bản số
8592/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 16/10/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
1. Học viện Chính trị Quốc gia HCM (văn bản số
4774-CV/HVCTQG ngày 26/9/2023)
2. Bộ Nội vụ (văn bản số 5516/BNV-CTTN ngày 27/9/2023)
3. Bộ Công Thương (văn bản số
6543/BCT-CTĐP ngày 22/9/2023)
4. Bộ Quốc phòng (văn bản số
3447/BQP-CT ngày 18/9/2023)
5. Bộ Tư pháp (văn bản số
4466/BTP-PLHSHC ngày 22/9/2023)
6. Bộ Công an (văn bản số
3493/BCA-ANCTNB ngày 26/9/2023)
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (văn bản số 5168/BGDĐT-KHTC
ngày 22/9/2023)
8. Bộ Ngoại giao (văn bản
4567/BNG-NGVH-UNESCO ngày 13/9/2023).
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (văn bản
số 7147/NHNN-TD ngày 13/9/2023).
10. Bộ Xây dựng (văn bản số
4337/BXD-HĐXD ngày 28/9/2023).
11. Bộ Y tế (văn bản số
6344/BYT-KHTC ngày
04/10/2023)
12. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (văn
bản số 308/CV-LH ngày 14/9/2023).
13. Bộ Tài nguyên và Môi trường (văn bản số
8264/BTNMT-TCCB ngày 28/9/2023).
14. Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt
Nam (văn bản số 135/NCVH
ngày 26/9/2023),
15. UBND tỉnh Quảng Nam (văn bản số
6828/UBND-KTTH ngày
06/10/2023).
16. Ủy ban Dân tộc (văn bản
số 1813/UBDT-TT ngày
06/10/2023).
17. Bộ Khoa học và Công nghệ (văn bản
số 3551/BKHCN-XNT
ngày 09/10/2023).
18. UBND tỉnh Ninh Bình (văn bản số 1021/UBND-VP4
ngày 10/10/2023).
19. Bộ Thông tin và Truyền thông (văn bản số
5146/BTTTT-KHTC ngày 10/10/2023).