BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6585/BKHĐT-TH
V/v tình hình thực hiện Nghị quyết số
01/NQ-CP và tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng năm 2023
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 8 năm 2023
|
Kính gửi:
|
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự
toán ngân sách nhà nước năm 2023, để chuẩn bị tài liệu báo cáo Chính phủ tại
phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị
các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ dưới đây:
1. Về triển khai thực hiện Nghị quyết số
01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá kết
quả chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tiến độ
thực hiện các nhiệm vụ được phân công chủ trì.
2. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8
tháng năm 2023
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo
tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực và tình hình kinh tế - xã hội trong
tháng 8 và 8 tháng năm 2023, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, diễn biến
mới phát sinh trong tháng 8 và đề xuất, kiến nghị giải pháp cần triển khai thực
hiện các tháng còn lại trong năm. Trong đó, lưu ý thực hiện một số nội dung sau
đây:
- Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện một số nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia như sau: (i) tình hình và kết quả triển khai các mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia; (ii) những thuận lợi, vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai
thực hiện; (iii) các đề xuất, kiến nghị liên quan.
- Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh (bao gồm sản
xuất các sản phẩm chủ yếu) và phát triển các ngành, lĩnh vực trong tháng 8 và 8
tháng năm 2023, trong đó: (i) đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó
khăn trong tháng 8 và 8 tháng năm 2023, so sánh với cùng kỳ các năm trước; (ii)
tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023; (iii) dự báo tình hình
ngành, lĩnh vực phụ trách, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cần thực hiện.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung phân tích,
dự báo: diễn biến điều hành chính sách tiền tệ của FED, các ngân hàng trung
ương và giải pháp ứng phó trong nước; việc điều hành giảm mặt bằng lãi suất huy
động và cho vay; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng
cho doanh nghiệp; việc bảo đảm ổn định của hệ thống ngân hàng, xử lý các TCTD yếu
kém; tình hình thực hiện công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại
thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được quy định tại Thông tư số
02/2023/TT-NHNN .
- Bộ Tài chính phân tích, đánh giá: (i) tình hình
thu - chi ngân sách nhà nước; (ii) việc xây dựng, triển khai chính sách thuế,
phí,... hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế; (iii) việc phát hành,
đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 8 và 8 tháng, các tác động
của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đến thị trường trái phiếu, chứng khoán sau khi
được ban hành; (iv) việc phối hợp với Bộ Y tế triển khai đấu thầu mua sắm thiết
bị vật tư y tế tập trung.
- Bộ Công Thương phân tích, đánh giá: việc quản lý,
phân phối bán lẻ xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động của các nhà máy điện,
đảm bảo nguồn điện trong nước; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt
Nam sang các thị trường trọng điểm, thị trường mới; tình hình đàm phán, ký kết
các hiệp định thương mại; tình hình sản xuất công nghiệp (nhất là ngành công
nghiệp chế biến, chế tạo), tiêu dùng trong nước; đề xuất các giải pháp ứng phó
với các tình huống xảy ra; tình hình triển khai quy hoạch điện VIII.
- Bộ Giao thông vận tải phân tích, đánh giá, dự
báo: (i) tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; (ii) việc bảo đảm
hoạt động của hệ thống đăng kiểm trên cả nước; (iii) quản lý hoạt động vận tải,
nhất là vận tải đường bộ và hàng không, đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân,
bảo đảm an toàn giao thông; (iv) đánh giá tình hình nguồn cung, giá vật liệu
xây dựng và tác động đến việc triển khai kế hoạch đầu tư công, đặc biệt đối với
các dự án quan trọng quốc gia; (v) tình hình sạt lở, ngập lụt trên các tuyến
cao tốc, quốc lộ và các trục giao thông chính.
- Bộ Xây dựng phân tích, đánh giá, dự báo tình hình
thị trường bất động sản, trong đó đánh giá kỹ tình hình khó khăn của các doanh
nghiệp bất động sản; tình hình triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị
trường theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/02/2023 của Chính phủ; triển khai
các chính sách phát triển nhà ở xã hội; tình hình xử lý, tháo gỡ khó khăn liên
quan đến quy định phòng cháy chữa cháy.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo
tình hình sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong nước; công tác phòng
chống mưa, bão, lũ, hạn hán, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp; tình
hình giá cả, nguồn cung-cầu các ngành để có các giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp
thời; diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng
lúa gạo trong năm để cân đối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình sạt
lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét; đề xuất các giải pháp ứng phó; tình hình
thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại văn bản số 225/TB-VPCP ngày
15/6/2023 về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm
phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong
tình hình hiện nay.
- Bộ Y tế báo cáo tình hình triển khai đấu thầu,
mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo đảm nguồn
cung trong nước; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân;
việc tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở
rộng.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình công tác
tuyển sinh học sinh cấp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học; chuẩn
bị cho năm học mới.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tình
hình việc làm, thị trường lao động, nhất là tại các địa bàn công nghiệp trọng điểm,
nhóm ngành thâm dụng lao động...; các giải pháp kết nối cung-cầu, hỗ trợ người
lao động tìm kiếm việc làm, các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình
triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch trong nước, quốc
tế; việc quản lý giá dịch vụ du lịch tại các địa phương; tiến độ xây dựng chương
trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
- Bộ Công an báo cáo việc triển khai tháo gỡ vướng
mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy theo Công điện số 220/QĐ-TTg ngày
5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, phòng
chống tội phạm, lừa đảo...; tình hình triển khai Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của
công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước
ngoài tại Việt Nam sửa đổi năm 2023.
- Bộ Ngoại giao phân tích, dự báo tình hình, chính
sách của các nước và tác động đến Việt Nam; chính sách đối ngoại về kinh tế,
chính trị và giải pháp ứng phó phù hợp; công tác bảo hộ, cứu trợ công dân.
3. Tổ chức thực hiện
Đề nghị các bộ, ngành và địa phương gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư báo cáo bằng văn bản và qua thư điện tử[1]:
thktxh@mpi.gov.vn, nthao@mpi.gov.vn chậm nhất trong ngày 20 tháng 8 năm 2023 để
tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường
kỳ tháng 8 năm 2023.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH&ĐT: Vụ KTĐPLT (để tổng hợp báo cáo các địa phương); Trung tâm
Công nghệ thông tin và chuyển đổi số (để đăng tải lên hệ thống thông tin);
- Lưu: VT, Vụ TH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Phương
|
[1] Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa
phương bổ sung [Tên bộ, cơ quan trung ương, địa phương] tại phần tiêu đề của
thư điện tử.