BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5175/BKHĐT-GSTĐĐT
V/v Tổng hợp công tác giám
sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2015
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2016
|
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị định số 84/2015/NĐ-CP
ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, trên cơ sở báo cáo
giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, Tập
đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (gọi chung là các cơ quan), Bộ Kế hoạch và Đầu
tư xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác giám
sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2015 như sau:
1. Về tổ chức thực
hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư
a) Về cơ sở pháp lý:
Thực hiện các quy định về giám sát,
đánh giá đầu tư tại Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), Luật Xây
dựng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày
01/7/2015), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 về
giám sát và đánh giá đầu tư (thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày
15/12/2009), Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày
18/12/2015, quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư (thay thế Thông
tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010).
b) Về Hệ thống thông tin về
giám sát và đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (Hệ
thống thông tin):
Thực hiện chủ trương ứng dụng công
nghệ thông tin trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, nhằm từng bước hiện đại
hóa công tác giám sát, đánh giá đầu tư cũng như công khai, minh bạch thông tin
các chương trình, dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Hệ thống
thông tin về giám sát và đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn
nhà nước và đưa vào vận hành từ cuối năm 2015.
Để triển khai công tác giám sát, đánh
giá đầu tư theo quy định mới và triển khai Hệ thống thông tin trong giám sát,
đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 11398/BKHĐT-GSTĐĐT ngày
28/12/2015 và số 1078/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 23/02/2016 gửi các cơ quan triển khai
công tác giám sát, đánh giá đầu tư; lập và gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu
tư qua Hệ thống thông tin.
Trong năm 2015 và đầu năm 2016, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đã triển khai và hoàn thiện công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp
vụ liên quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư; hướng dẫn việc sử dụng Hệ
thống thông tin đến các cơ quan trên phạm vi cả nước.
Đây là năm đầu tiên thực hiện các quy
định về giám sát và đánh giá đầu tư theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và triển
khai cập nhật thông tin về giám sát và đánh giá đầu tư trên Hệ thống thông tin,
trong đó có nhiều nội dung phải cập nhật nên thời gian báo cáo và tổng hợp báo
cáo bị chậm hơn so với quy định.
Căn cứ các báo cáo đã được cập nhật
trên Hệ thống thông tin, kết quả kiểm tra công tác giám sát, đánh giá tổng thể
đầu tư một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp về công tác báo
cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2015 như sau:
2. Về tình hình
thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
a) Về Báo cáo giám sát, đánh
giá tổng thể đầu tư:
Đến ngày 20/5/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2015 cập nhật
trên Hệ thống thông tin của 105/125 cơ quan đạt 84,0%; trong đó: 55/63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 87,30%); 21/32 cơ quan Bộ và tương đương
(đạt 65,63%); 9/9 cơ quan thuộc Chính phủ (đạt 100%); 18/19 Tập đoàn kinh tế và
Tổng công ty 91 (đạt 94,7%).
Các cơ quan chưa cập nhật được thông
tin tổng hợp trên Hệ thống thông tin gồm: tỉnh Yên Bái, tỉnh Lai Châu, tỉnh Bắc
Ninh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hải Dương, tỉnh Lào Cai, tỉnh Hưng
Yên; Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ
tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban dân tộc, Trung
ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Tổng
công ty Lương thực Miền Nam.
Một số cơ quan đã thực hiện báo cáo bằng
văn bản, nhưng các thông tin chưa được triển khai cập nhật vào Hệ thống thông
tin hoặc có cập nhật nhưng các bảng biểu, số liệu chưa đầy đủ như các tỉnh:
Long An, Cao Bằng, Bạc Liêu, Kon Tum, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Phước,
Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, thành phố Cần Thơ, Bắc Giang, Bình Định, Ninh
Bình, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sơn La, Đắk Lắk, Điện Biên, Bến Tre, Đồng Nai,...
b) Về các dự án đầu tư sử dụng
vốn nhà nước:
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã phối hợp với các chủ đầu tư cập nhật thông tin về các dự án đầu tư sử dụng
vốn nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và các dự án sử dụng vốn nhà nước của
các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (từ nhóm B trở lên).
Hiện tại, trên Hệ thống thông tin đã
cập nhật thông tin chi tiết của 7.471 dự án. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp Hệ thống thông tin để theo dõi, cập
nhật thông tin của tất cả các dự án sử dụng vốn nhà nước; công khai, chia sẻ
thông tin về đầu tư tới tất cả các cơ quan, tổ chức và người dân để cùng phối hợp
giám sát, đánh giá theo quy định của pháp luật.
c) Đánh giá chung về nội dung
báo cáo
Nhìn chung các cơ quan đã có nhiều cố
gắng trong cập nhật các quy định mới, cũng như cập nhật các số liệu vào Hệ thống
thông tin. Việc cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin sẽ giúp công tác tổng hợp
nhanh và chính xác, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác giám sát,
đánh giá đầu tư, giảm bớt khối lượng báo cáo giấy, hướng đến mục tiêu các thông
tin của các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ được đăng tải trên mạng
internet theo quy định để các tổ chức, cá nhân và xã hội tra cứu và cùng giám
sát, đánh giá. Tuy nhiên, do đây là những quy định mới có hiệu lực, do vậy, mặc
dù đã có nhiều cố gắng song vẫn không tránh khỏi các sai sót.
Trong thời gian tới, đề nghị các cơ
quan tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các quy định hiện hành,
hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan,
đặc biệt là cập nhật số liệu báo cáo đầy đủ trên Hệ thống thông tin.
3. Đánh giá tình
hình thực hiện quản lý đầu tư
3.1. Tình hình xây dựng, hoàn
thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư
Năm 2015, nhiều đạo luật quan trọng
liên quan đến lĩnh vực đầu tư được Quốc hội thông qua có hiệu lực, bao gồm:
- Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 có
hiệu lực từ 01/01/2015;
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 có hiệu
lực từ 01/01/2015;
- Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu
lực từ 01/7/2015.
- Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13
có hiệu lực từ 01/7/2015.
- Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước
đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 có hiệu lực từ
ngày 01/7/2015.
Các Bộ, ngành đã xây dựng và trình
Chính phủ ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn các Luật nêu trên. Đến nay, hầu hết
các Nghị định hướng dẫn các Luật đã được ban hành, có hiệu lực là cơ sở quan trọng
để quản lý và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong đó có công tác
giám sát và đánh giá đầu tư.
3.2. Tình hình quản lý Quy hoạch
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương
số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây
dựng dự thảo Luật Quy hoạch, đến hết năm 2015, đã hoàn thành trình Thủ tướng
Chính phủ:
- Báo cáo tổng kết công tác quy hoạch.
- Báo cáo rà soát các quy phạm pháp
luật hiện hành về công tác quy hoạch.
- Báo cáo đánh giá tác động của Luật
Quy hoạch.
- Báo cáo tổng kết kinh nghiệm quốc tế
về quy hoạch.
- Dự thảo Luật Quy hoạch.
- Dự thảo 02 Nghị định hướng dẫn thực
hiện Luật.
Về tình hình chung việc lập, thẩm định
và phê duyệt các dự án quy hoạch trên phạm vi cả nước như sau:
a) Đối với Quy hoạch phát triển các
vùng và lãnh thổ
- Ngày 13/3/2015, Thủ tướng Chính phủ
đã có Quyết định số 343/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế
Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
- Ngày 31/7/2015, Thủ tướng Chính phủ
có Quyết định số 1226/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030.
b) Đối với Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày
10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã triển khai xây dựng quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh. Đến hết năm 2015, đã có
61/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội đến năm 2020 (02 tỉnh Hà Giang và Ninh Bình đang hoàn thiện các thủ tục
trình Thủ tướng Chính phủ).
c) Quy hoạch phát triển các ngành,
lĩnh vực của các Bộ, ngành
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn, các Bộ, ngành thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt nhiều quy hoạch liên
quan đến quản lý ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo quy định của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của
Chính phủ.
3.3. Tình hình quản lý các dự
án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
Theo số liệu báo cáo của 105 cơ quan
trên Hệ thống thông tin, tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
được tổng hợp như sau:
3.3.1. Tình hình chung:
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ
trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án
Năm 2015, theo quy định của Luật Đầu
tư công, các dự án sẽ phải lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc
phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ giúp việc thực hiện dự án sát với khả năng cân đối
nguồn vốn, tránh đầu tư dàn trải, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã
hội của từng ngành, từng cấp.
Năm 2015, trên phạm vi cả nước có
13.705 dự án có kế hoạch lập hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó đã được
thẩm định 12.470 dự án (đạt 90,99% so với kế hoạch), đã được cấp có thẩm quyền
quyết định chủ trương là 10.755 dự án (đạt 78,48% so với kế hoạch, trong đó có
22 dự án nhóm A, 792 dự án nhóm B, 9.941 dự án nhóm C).
Trong năm đã có 13.102 dự án được thẩm
định, các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư 12.742 dự án, đạt tỷ lệ 97,25%
(trong đó có 25 dự án nhóm A, 523 dự án nhóm B, 12.194 dự án nhóm C); trong số
các dự án được quyết định đầu tư có 1.143 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung
ương, 305 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, 147 dự án sử dụng vốn ODA,
4.636 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, 205 dự án sử dụng vốn đầu tư công
khác, 3.489 dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.
Nhìn chung công tác lập, thẩm định và
phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà
nước phù hợp với quy định hiện hành.
b) Tình hình thực hiện các dự án
Năm 2015 có 29.506 dự án thực hiện đầu
tư, trong đó có 13.320 dự án chuyển tiếp, chiếm 45%; 16.186 dự án khởi công mới,
chiếm 55% (trong số các dự án khởi công mới có 31 dự án nhóm A, 622 dự án nhóm
B, còn lại là nhóm C với 15.533 dự án, chiếm 96%); trong năm có 12.491 dự án kết
thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng chiếm 42,33% số dự án thực hiện đầu tư
trong kỳ (trong đó có 58 dự án nhóm A, 612 dự án nhóm B, 11.184 dự án nhóm C).
Trong số các dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có 127 dự án có vấn
đề về kỹ thuật, không có hiệu quả.
Một số cơ quan có số dự án khởi công
lớn là: Long An (508 dự án), Tây Ninh (444 dự án), Hà Nội (1.939 dự án), Bắc Kạn
(344 dự án), Kiên Giang (1.338 dự án), An Giang (736 dự án), Yên Bái (358 dự
án), thành phố Hồ Chí Minh (1.139 dự án), Quảng Nam (382 dự án), Quảng Ngãi
(417 dự án), Sơn La (694 dự án), Ninh Thuận (484 dự án),...
Theo số liệu báo cáo, trong năm 2015
có 926 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,14% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (số dự
án nhóm A là 16 dự án, nhóm B là 251 dự án, nhóm C là 659 dự án). Các nguyên
nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác giải phóng mặt bằng (637 dự án, chiếm
2,16% số dự án thực hiện trong kỳ); do bố trí vốn không kịp thời (359 dự án,
chiếm 1,22% số dự án thực hiện trong kỳ); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản
lý dự án và các nhà thầu (123 dự án, chiếm 0,42% số dự án thực hiện trong kỳ);
do thủ tục đầu tư (318 dự án, chiếm 1,08% số dự án thực hiện trong kỳ) và do
các nguyên nhân khác (513 dự án, chiếm 1,74% số dự án thực hiện trong kỳ).
Phân tích số liệu của các cơ quan có
báo cáo, có 1.106 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, chiếm 3,75%
tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là: điều chỉnh vốn đầu tư
(1.011 dự án, chiếm 3,43% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu
tư (774 dự án, chiếm 2,62% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh mục tiêu,
quy mô đầu tư (554 dự án, chiếm 1,88% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh
do các nguyên nhân khác (209 dự án, chiếm 0,71 % số dự án thực hiện trong kỳ).
Trong năm 2015 đã phát hiện 03 dự án
vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 25 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 90
dự án có thất thoát, lãng phí; 115 dự án phải ngừng thực hiện. Các dự án có thất
thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai
đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán. Tổng số tiền bị thất thoát, lãng phí được
phát hiện là 401 tỷ đồng.
c) Tình hình thực hiện kế hoạch đầu
tư bằng nguồn vốn Nhà nước
Tổng hợp số liệu báo cáo, trong năm
2015, kế hoạch vốn nhà nước cho các cơ quan là 523.687 tỷ đồng (trong đó vốn đầu
tư công là 301.414 tỷ đồng, vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công là 222.273 tỷ đồng),
đã bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản 26.696 tỷ đồng, còn thực hiện đầu tư
trong năm là 496.991 tỷ đồng; tổng khối lượng đầu tư thực hiện đạt 490.696 tỷ đồng
đạt 98,79% so với kế hoạch.
d) Tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng
cơ bản
Theo số liệu tổng hợp, trong năm
2015, các cơ quan đã bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước
là 26.696 tỷ đồng; số nợ đọng còn lại là 39.951 tỷ đồng.
Một số địa phương có số nợ đọng xây dựng
cơ bản chưa thanh toán tương đối cao như Quảng Ninh (1.067 tỷ đồng), Hải Phòng
(1.106 tỷ đồng), Hà Nam (4.645 tỷ đồng), Phú Thọ (1.584 tỷ đồng), Nam Định
(1.628 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (1.821 tỷ đồng), Ninh Thuận (1.109 tỷ đồng), Ninh
Bình (5.711 tỷ đồng), Hà Giang (2.596 tỷ đồng),...
3.3.2. Đánh giá chung
Trong thời gian qua, công tác đầu tư
từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn
vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng
cao. Việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân
sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu
có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại cần khắc phục:
- Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các
dự án phải điều chỉnh vẫn còn khá cao. Việc chậm tiến độ là một trong những
nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác
động tiêu cực đến nền kinh tế; các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là
tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn
vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư. Trách
nhiệm về tình trạng nêu trên trước hết thuộc về các chủ đầu tư và người có thẩm
quyền quyết định đầu tư.
- Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư và số dự
án hoàn thành các thủ tục quyết toán trong thời gian qua ở một số cơ quan còn
thấp, đòi hỏi phải có giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và quyết
toán vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng quá 6
tháng.
- Tỷ lệ giá trị thực hiện đầu tư/kế
hoạch vốn đầu tư được giao trong năm ở một số cơ quan đạt thấp như: tỉnh Nam Định
(55%), Bộ Y tế (56%), Bạc Liêu (67%), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (41%), Sóc
Trăng (65%), Ninh Bình (47%),...; Một số cơ quan lại quá cao như: Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (126%), tỉnh Nghệ An (137%), Bộ Công Thương (126%), tỉnh
Phú Thọ (137%), tỉnh Hà Nam (229%), tỉnh Tiền Giang (139%), Đề nghị, các cơ
quan: rà soát, kiểm tra, đối với cơ quan có giá trị thực hiện thấp cần có giải
pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, điều chỉnh
đối với các dự án, chương trình không hoàn thành kế hoạch; đối với các cơ quan
có giá trị thực hiện vượt quá cao so với kế hoạch cũng cần rà soát, kiểm tra,
tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trong thời gian tới, điều kiện nguồn
vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa
chọn các chương trình, dự án (đặc biệt các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách địa
phương) để thực hiện các thủ tục quyết định đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các
dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách,
tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm
tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá
trình đầu tư, bảo đảm các dự án thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ
đầu tư, thanh quyết toán đầu tư.
3.4. Tình hình quản lý các dự
án đầu tư theo hình thức PPP
Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn rất
hạn chế so với nhu cầu đầu tư, việc khuyến khích và mở rộng việc đầu tư theo
hình thức PPP là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Theo số liệu tổng hợp, trong năm 2015
có 161 dự án theo hình thức PPP thực hiện các thủ tục đề xuất dự án (trong đó có
94 dự án do cơ quan nhà nước đề xuất, 67 dự án do nhà đầu tư tự đề xuất); 80 dự
án có quyết định đầu tư, 77 dự án hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, 49 dự án được
cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 45 dự án hoàn tất thủ tục về Hợp đồng dự
án.
Tổng vốn đầu tư của các dự án PPP
theo kế hoạch trong năm là 97.952 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công tham gia là
16,23 tỷ đồng, chiếm 0,02%; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 14.979 tỷ đồng,
chiếm 15,29%; vốn vay thương mại là 82.957 tỷ đồng, chiếm 84,69%. Tổng giá trị
thực hiện là 51.406 tỷ đồng, đạt 52,48% so với kế hoạch.
3.5. Tình hình quản lý các dự
án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
Tổng hợp số liệu từ các cơ quan, năm
2015 có 2.460 dự án nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có
195 dự án đầu tư nước ngoài, 2.265 dự án đầu tư trong nước), 2.190 dự án được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 1.052 dự án được điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư. Số dự án thực hiện đầu tư trong năm là 3.592 dự án (trong đó có
1.226 dự án thuộc diện không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Tổng vốn đầu
tư đăng ký trong năm là 506.495 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là
172.742 tỷ đồng, đạt 34%.
Trong năm 2015 có 1.834 dự án sử dụng
nguồn vốn khác được kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện có 243 dự án có vi phạm
quy định liên quan đến quản lý đầu tư (chiếm 13,25% tổng số dự án được kiểm
tra); 181 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường (chiếm 9,87% tổng số dự án được
kiểm tra), 52 dự án có vi phạm về sử dụng đất (chiếm 2,84% tổng số dự án được
kiểm tra); đã thu hồi 249 Giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 13,54% tổng số dự án được
kiểm tra).
Trong năm có 602 dự án kết thúc đầu
tư đưa vào khai thác sử dụng (59 dự án đầu tư nước ngoài, 543 dự án đầu tư
trong nước), tổng số tiền từ các dự án sử dụng nguồn vốn khác nộp ngân sách là khoảng
24.177 tỷ đồng (trong đó các dự án đầu tư nước ngoài nộp 18.838 tỷ đồng).
Năm 2015 là năm đầu thực hiện Luật Đầu
tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 với nhiều quy định mới theo hướng tạo điều kiện
thuận lợi và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp như ngành nghề kinh
doanh, điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, trong năm 2015 các Nghị định hướng dẫn
chưa được ban hành kịp thời cũng đã phần nào ảnh hưởng tới việc đầu tư từ các
nhà đầu tư.
Công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư
các dự án từ các nguồn vốn khác còn rất hạn chế. Để bảo đảm việc đầu tư phù hợp
với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương cũng
như phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh từ việc
đầu tư các dự án (đặc biệt là vấn đề môi trường, sử dụng đất đai, tài nguyên,
lao động,...), các cơ quan liên quan ngoài việc quản lý chặt chẽ các chương
trình, dự án đầu tư công cũng cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư
chặt chẽ các dự án sử dụng các nguồn vốn khác phù hợp các quy định hiện hành.
3.6. Tình hình giám sát đầu tư
của cộng đồng:
Theo tổng hợp có 10.861 dự án đã được
cộng đồng giám sát, trong đó có 261 dự án có phát hiện vi phạm; 1.413 dự án
chưa được cộng đồng giám sát, trong đó có 611 dự án do các cơ quan, chủ đầu tư
chưa công khai thông tin.
4. Tình hình thực
hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư
a) Về các dự án sử dụng vốn nhà
nước:
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ
quan trong năm 2015 có 24.849 dự án trên tổng số 29.506 dự án đầu tư sử dụng vốn
nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư,
đạt tỉ lệ 84,22%.
Trong năm 2015, các cơ quan quản lý
nhà nước đã tiến hành kiểm tra 10.380 dự án (chiếm 35,18% tổng số dự án thực hiện
đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 8.843 dự án (chiếm 29,97% tổng số dự án thực
hiện đầu tư trong kỳ).
b) Về các dự án thực hiện đầu
tư theo hình thức PPP:
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ
quan trong năm 2015 có 104 dự án trên tổng số 120 dự án đầu tư theo hình thức
PPP thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt
tỉ lệ 86,67%, trong đó 85 dự án được đánh giá đạt tỉ lệ 70,83%.
c) Về các dự án sử dụng nguồn vốn
khác
Trong năm có 1.834 dự án sử dụng nguồn
vốn khác trên tổng số 3.592 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ được kiểm tra, đánh
giá, đạt tỉ lệ 51,1%.
Theo chức năng nhiệm vụ, hằng năm các
cơ quan đều xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều dự án đầu
tư. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý sai phạm; hoạt
động đầu tư của các cơ quan, chủ đầu tư được chấn chỉnh và dần đi vào nề nếp.
Cũng theo báo cáo của các cơ quan, chất
lượng báo cáo của một số chủ đầu tư gửi đến các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng
yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không
báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các
thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng
không đủ các số liệu cụ thể. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công
tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa
được quán triệt đầy đủ; cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo chế
độ kiêm nhiệm; nhiều chủ đầu tư chưa cập nhật hết các nội dung báo cáo theo quy
định.
5. Kiến nghị
Qua tổng hợp tình hình và kết quả
công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các Bộ,
ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91:
- Tích cực triển khai thực hiện tốt
các quy định về quản lý đầu tư nói chung và công tác giám sát, đánh giá đầu tư
nói riêng theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Luật Xây dựng số
50/2014/QH13; Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và các quy định pháp luật liên quan.
- Kiện toàn bộ máy và quy trình thực
hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; tổ chức
đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho
các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đối tượng liên quan.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các
chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư; cập nhật các
thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin theo quy định.
- Phản hồi, xử lý các kiến nghị của
các chủ đầu tư theo thẩm quyền; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá
trình thực hiện đầu tư, quản lý, kiểm soát tốt kế hoạch đầu tư, chi phí đầu tư,
các vấn đề liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đẩy nhanh tiến độ,
bảo đảm hiệu quả đầu tư.
- Thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi
vi phạm các quy định về Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị
định số 84/2015/NĐ-CP, đặc biệt là xử lý các chủ đầu tư không thực hiện Báo cáo
giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết
quả xử lý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong kỳ tiếp theo.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét và có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội, UBKT Quốc bội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND và Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng Công ty 91;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, GS&TĐĐT (3 bản) (K).
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|