BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14684/BGTVT-ATGT
V/v: triển khai công tác thẩm tra,
thẩm định an toàn giao thông đối với các dự án đầu tư xây
dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường cao tốc và quốc lộ.
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2015
|
Kính
gửi:
|
- Các Vụ: Kế hoạch đầu tư, Tài
chính, Pháp chế, Kết cấu hạ tầng giao thông, Ban PPP;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục Quản lý XD & CLCT giao thông;
- Các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ;
- Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố;
- Tổng Công ty ĐTPT & QLDAHTGT Cửu Long;
- Tổng Công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam (VEC);
- Các Nhà đầu tư BT, BOT.
|
Hiện nay, công tác thẩm tra, thẩm định
an toàn giao thông đã được quy định đầy đủ trong các văn bản
quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình hình triển khai của các cơ quan đơn vị về
công tác này còn chưa thống nhất, dẫn đến việc phối hợp, thực hiện còn lúng
túng, kéo dài thời gian. Vì vậy, để thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định an
toàn giao thông phù hợp với quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng đến tiến độ
các dự án, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn triển khai công tác thẩm tra, thẩm định
an toàn giao thông đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường
quốc lộ và cao tốc như sau:
1. Các giai đoạn thẩm tra, thẩm định
an toàn giao thông
Tất cả các dự án đầu tư, xây dựng mới,
nâng cấp, cải tạo, đường cao tốc và đường quốc lộ phải thực hiện thẩm tra, thẩm
định an toàn giao thông tại các giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn thiết kế kỹ thuật (đối với
dự án thiết kế 03 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với dự án thiết kế
02 bước);
- Giai đoạn trước khi đưa công trình
vào khai thác.
Trong đó:
+ Các dự án đang trong giai đoạn lập
dự án đầu tư, giai đoạn thiết kế kỹ thuật (đối với dự án thiết kế 03 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với dự án thiết kế 02 bước)
phải thực hiện thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông cả 02 giai đoạn trên;
+ Các dự án đã được phê duyệt thiết kế
kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) và các dự án đang trong giai đoạn thi
công, hoàn thiện, chuẩn bị nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác thì thực hiện
thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông tại giai đoạn trước khi đưa công trình
vào khai thác.
2. Về
gói thầu thẩm tra an toàn giao thông
a) Công tác thẩm
tra an toàn giao thông giai đoạn thiết kế kỹ thuật (TKKT) hoặc thiết kế bản vẽ
thi công (TKBVTC): không hình thành gói thầu riêng để thực hiện thẩm tra an toàn
giao thông; nội dung này được đưa vào nhiệm vụ (là một trong các hạng mục công
việc) của gói thầu tư vấn thẩm tra thiết kế.
b) Công tác thẩm
tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác: phải
được triển khai thành một gói thầu riêng trong dự án, do đơn vị tư vấn độc lập
với đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện.
c) Đối với các dự án đầu tư, nâng cấp,
cải tạo Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua
khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14) dự kiến hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm
2015: không bổ sung gói thầu thẩm tra an toàn giao thông (trừ những dự án có tổ
chức giao thông phức tạp). Trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình
vào khai thác, các đơn vị có liên quan về an toàn giao thông và Hội đồng nghiệm
thu cấp Bộ (của Bộ Giao thông vận tải) có trách nhiệm kiểm tra về công tác an
toàn giao thông của dự án.
3. Chi phí thẩm tra an toàn giao
thông
a) Chi phí tư vấn thẩm tra an toàn
giao thông giai đoạn TKKT hoặc TKBVTC: nằm trong chi phí tư vấn thẩm tra thiết
kế, được lập và phê duyệt chung trong chi phí tư vấn thẩm tra thiết kế.
b) Chi phí thẩm tra an toàn giao
thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác: được lập, thẩm định và
phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 45/2011/TT-BGTVT ngày 10 tháng 6 năm
2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về chi phí thẩm tra an toàn giao thông
đối với công trình đường bộ xây dựng mới; công trình nâng
cấp, cải tạo. Trong đó:
- Đối với dự án đang triển khai thực hiện
nhưng trong cơ cấu tổng mức đầu tư chưa duyệt tách riêng chi phí thẩm tra an
toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác thì được lấy từ
chi phí khác trong chi phí tư vấn hoặc chi phí dự phòng của dự án để thực hiện.
Trường hợp sau khi bổ sung chi phí thẩm tra an toàn giao thông làm vượt tổng mức
đầu tư của dự án, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư báo cáo cấp quyết định
đầu tư xem xét trước khi thực hiện;
- Đối với các dự án mới chưa được phê
duyệt tổng mức đầu tư, các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải (Vụ Kế hoạch
đầu tư, Ban PPP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) có trách nhiệm xác định hạng mục
chi phí thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai
thác trong cơ cấu tổng mức đầu tư để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn,
ký kết, quản lý và thực hiện hợp đồng.
- Chủ đầu tư, nhà đầu tư, Ban Quản lý
dự án có trách nhiệm lập và trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt đề
cương nhiệm vụ, dự toán chi phí tư vấn thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn
trước khi đưa công trình vào khai thác để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu
tư vấn, ký kết, quản lý và thực hiện hợp đồng.
c) Đối với các dự án được Bộ Giao
thông vận tải phân cấp quyết định đầu tư, các dự án được Bộ Giao thông vận tải ủy
quyền phê duyệt TKKT hoặc TKBVTC, các dự án thực hiện theo hình thức đối tác
công - tư được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền ký kết và thực
hiện hợp đồng dự án: đơn vị được phân cấp, ủy quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt
đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí thẩm tra an toàn giao thông để làm cơ sở tổ
chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và thực hiện các nội dung công việc liên quan
theo phân cấp, ủy quyền của Bộ Giao thông vận tải.
4. Lựa chọn Nhà thầu tư vấn thẩm
tra an toàn giao thông
a) Yêu cầu chung: Tư vấn thẩm tra an
toàn giao thông phải độc lập với Tư vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế
xây dựng công trình; năng lực nhà thầu tư vấn tham gia thực hiện thẩm tra an
toàn giao thông phải đáp ứng các quy định tại Điều 12 Nghị định
số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản
lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
b) Giai đoạn TKKT hoặc TKBVTC:
- Trong trường hợp đã lựa chọn Nhà thầu
tư vấn thẩm tra thiết kế: nếu Tư vấn thẩm tra thiết kế đủ điều kiện năng lực
theo quy định thì được thực hiện công tác thẩm tra an toàn giao thông; nếu Tư vấn
thẩm tra thiết kế không đủ điều kiện năng lực theo quy định thì chủ đầu tư, Ban
Quản lý dự án báo cáo Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bổ sung nhà thầu phụ đủ
năng lực để thực hiện thẩm tra an toàn giao thông.
- Trong trường hợp chưa lựa chọn Nhà
thầu tư vấn thẩm tra thiết kế: chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có trách nhiệm đưa
nội dung thẩm tra an toàn giao thông vào nhiệm vụ thẩm tra thiết kế, quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu điều kiện năng lực
của Nhà thầu tư vấn thẩm tra thiết kế về việc thẩm tra an toàn giao thông để
làm cơ sở lựa chọn nhà thầu; nhà thầu tư vấn có thể liên danh hoặc đề xuất nhà
thầu phụ thực hiện thẩm tra an toàn giao thông trong hồ sơ đấu thầu, hồ sơ đề
xuất.
- Trong quá trình thực hiện thẩm tra,
Tư vấn thẩm tra thiết kế phải lập riêng Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông
(ngoài Báo cáo thẩm tra thiết kế) để chủ đầu tư, Ban Quản
lý dự án trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận và làm cơ sở hoàn
thiện, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
c) Giai đoạn trước khi đưa công trình
vào khai thác:
- Đối với các dự án đã được phê duyệt
thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) và các dự án đang triển khai
thi công xây dựng: chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư khẩn trương thực
hiện các thủ tục trình duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn Nhà thầu tư vấn thẩm tra
an toàn giao thông để làm cơ sở triển khai thực hiện; lập và trình cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí tư vấn thẩm tra an toàn
giao thông để tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn.
- Đối với các dự án sử dụng vốn Nhà
nước: chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổ chức lựa chọn Nhà thầu tư vấn theo quy định
của Luật Đấu thầu và các quy định có liên quan của Bộ Giao thông vận tải.
- Đối với các dự án thực hiện theo
hình thức đối tác công - tư do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ký kết hợp đồng dự án: trong trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng
rãi, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án tổ chức lựa chọn nhà thầu, báo cáo Bộ Giao
thông vận tải chấp thuận kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi phê duyệt; trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, Doanh nghiệp dự án báo
cáo Bộ Giao thông vận tải để thống nhất lựa chọn nhà thầu (được xác định có đủ
năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu) trước khi thực hiện thủ tục
chỉ định thầu.
d) Đối với các dự án được Bộ Giao
thông vận tải phân cấp quyết định đầu tư, các dự án được Bộ Giao thông vận tải ủy
quyền phê duyệt TKKT hoặc TKBVTC, các dự án thực hiện theo hình thức đối tác
công - tư được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự
án: các cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền nghiên cứu các quy định nêu tại
Điểm a, Điểm b và Điểm c của Mục này để triển khai thực hiện và hướng dẫn các
Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án triển khai thực hiện.
5. Nội dung thực hiện thẩm tra, thẩm
định an toàn giao thông
- Trước ngày 31 tháng 12 năm 2015:
trình tự, nội dung về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông được thực hiện
theo quy định tại các Điều 51, Điều 53, Điều 56, Điều 57, Điều
58 và Phụ lục 6, Phụ lục 7 của Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về
quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016: trình
tự, nội dung về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông được thực hiện theo quy
định tại các Điều 55, Điều 56, Điều 58, Điều 59, Điều 60, Điều
62, Điều 63 và Phụ lục 6 của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9
năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định
số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (thay thế Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT
ngày 18 tháng 5 năm 2011).
6. Tổ chức thực hiện
a) Đối với các dự án do Bộ Giao thông
vận tải làm chủ đầu tư, các dự án do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt TKKT hoặc
TKBVTC, các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư do Bộ Giao thông vận
tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự
án:
- Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng
công trình giao thông là cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải
trong công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế (bao gồm cả công tác thẩm tra, thẩm
định an toàn giao thông giai đoạn TKKT hoặc TKBVT). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến
của Vụ An toàn giao thông về Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông do tư vấn thẩm
tra thực hiện, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông triển
khai thẩm định, chấp thuận Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông để làm cơ sở phê
duyệt thiết kế.
- Vụ An toàn giao thông: là cơ quan
chủ trì tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải các nội dung liên quan trong quá
trình thực hiện thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa
công trình vào khai thác (gồm: phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán thẩm tra an
toàn giao thông; thẩm định, phê duyệt Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông; hướng
dẫn triển khai thực hiện các nội dung liên quan); phối hợp với Cục Quản lý xây
dựng và Chất lượng công trình giao thông trong công tác lựa chọn Nhà thầu tư vấn
thẩm tra an toàn giao thông và công tác thẩm định Báo cáo thẩm tra an toàn giao
thông giai đoạn TKKT hoặc TKBVTC.
b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam: chủ trì thực hiện thẩm định an toàn giao thông đối với các dự
án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định đầu tư trên quốc lộ; phối hợp với Vụ
An toàn giao thông thực hiện thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi
đưa công trình vào khai thác đối với các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ
đầu tư, các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư do Bộ Giao thông vận
tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án.
c) Đối với các dự án được Bộ Giao
thông vận tải phân cấp quyết định đầu tư, các dự án được Bộ Giao thông vận tải ủy
quyền phê duyệt TKKT hoặc TKBVTC, các dự án thực hiện theo hình thức đối tác
công - tư được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự
án: các cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền nghiên cứu các nội dung quy định
tại văn bản này để triển khai thực hiện và hướng dẫn các
đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
d) Các cơ quan trực thuộc Bộ Giao
thông vận tải và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để
tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai thực
hiện công tác thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông.
đ) Văn bản này thay thế văn bản số
4831/BGTVT-ATGT ngày 17 tháng 4 năm 2015, văn bản số 6022/BGTVT-CQLXD ngày 14
tháng 5 năm 2015 và văn bản số 6530/BGTVT-CQLXD ngày 25 tháng 5 năm 2015 của Bộ
Giao thông vận tải.
Yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá
nhân có liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Thứ trưởng;
- Thanh tra Bộ;
- Lưu: VT, ATGT (3).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|