Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
|
Thực hiện Nghị định số 37/2015/NĐ-CP
ngày 22/04/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, để kịp thời
tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong quá trình tạm ứng hợp đồng xây dựng, Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện mức tạm ứng đối với các công việc của dự án được
thực hiện theo hợp đồng như sau:
1. Thời điểm trước khi Nghị định số
37/2015/NĐ-CP có hiệu lực, việc tạm ứng được thực hiện theo quy định tại Chỉ thị
1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu
tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và các văn bản hướng dẫn
của Bộ Tài chính.
2. Kể từ ngày
15/6/2015 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 của
Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng), mức tạm ứng được thực hiện
như sau:
(1). Nguyên tắc tạm ứng vốn:
a. Việc tạm ứng vốn của chủ đầu tư
cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp cho các công việc cần thiết để triển khai thực
hiện hợp đồng hoặc các công việc không thông qua hợp đồng. Mức vốn tạm ứng, thời
điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu theo
đúng quy định và phải được quy định rõ trong hợp đồng.
b. Việc tạm ứng vốn được thực hiện
sau khi hợp đồng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải
có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
c. Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng
ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại điểm a mục 3 công văn này, thì phần
giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu
sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
d. Căn cứ vào nhu cầu tạm ứng vốn, chủ
đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng
không vượt mức vốn tạm ứng theo quy định của hợp đồng và mức vốn tạm ứng quy định
tại mục (3) công văn này; trường hợp kế hoạch vốn bố trí không đủ mức vốn tạm ứng
theo hợp đồng (hoặc dự toán được duyệt) thì chủ đầu tư được tạm ứng tiếp trong
kế hoạch năm sau.
e. Chủ đầu tư có trách nhiệm cùng với
nhà thầu tính toán mức tạm ứng hợp lý, quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục
đích, đúng đối tượng có hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng
theo quy định.
(2). Hồ sơ tạm ứng vốn:
Để được tạm ứng vốn, chủ đầu tư gửi đến
Kho bạc nhà nước các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;
- Chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy
định hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính;
- Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà
thầu (chủ đầu tư gửi Kho bạc nhà nước bản sao có đóng dấu sao y bản chính của
chủ đầu tư) đối với các trường hợp phải bảo lãnh tạm ứng theo quy định tại điểm
a, mục 4 điều này.
(3). Mức vốn tạm ứng:
a. Mức vốn tạm ứng tối thiểu:
- Đối với hợp đồng tư vấn:
Hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng,
mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;
Hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng, mức
vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng.
- Đối với hợp đồng thi công xây dựng:
+ Hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng,
mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng;
+ Hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến
50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;
+ Hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng,
mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.
- Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị
công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp
đồng xây dựng khác: mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.
b. Mức tạm ứng tối đa của các loại hợp
đồng trên là 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu
có), trường hợp đặc biệt thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư
cho phép hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch hội đồng
thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty đối với trường hợp
Người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ.
c. Đối với công việc bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư
- Mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực
hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức vốn tạm ứng tối đa theo yêu cầu
không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
- Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp chi
trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ vào hồ sơ tài liệu liên quan
để chi trả cho người thụ hưởng.
- Trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi
thường hỗ trợ và tái định cư (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổ chức
phát triển quỹ đất, doanh nghiệp ...) chi trả: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường
hỗ trợ và tái định cư nêu trên mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước để tiếp
nhận vốn tạm ứng do chủ đầu tư chuyển đến để thực hiện chi trả.
d. Đối với chi phí quản lý dự án
Cán cứ dự toán chi phí quản lý dự án
trong năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Kho bạc nhà nước thực hiện
tạm ứng vốn theo đề nghị của chủ đầu tư. Mức tạm ứng vốn không vượt quá dự toán
chi phí quản lý dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e. Mức vốn tạm ứng cho tất cả các khoản
quy định từ điểm a đến điểm d nêu trên không vượt kế hoạch vốn hàng năm đã bố
trí cho dự án.
(4). Bảo lãnh tạm ứng vốn.
a. Đối với hợp đồng có giá trị tạm ứng
hợp đồng lớn hơn 1 tỷ đồng:
- Trước khi Kho bạc nhà nước thực hiện
việc tạm ứng hợp đồng cho chủ đầu tư để tạm ứng vốn cho nhà thầu hoặc nhà cung
cấp, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc nhà nước bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu
hoặc nhà cung cấp với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng.
- Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng
sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần
thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Chủ đầu tư đảm bảo và chịu
trách nhiệm giá trị của bảo lãnh tạm ứng tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại.
- Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh
tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền
tạm ứng.
b. Đối với các trường hợp sau đây
không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng:
- Các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp
đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng. Trường hợp này, để đảm bảo sử dụng vốn tạm ứng
an toàn và có hiệu quả, chủ đầu tư tùy theo điều kiện cụ thể được quyền yêu cầu
nhà thầu bảo lãnh tạm ứng vốn theo nội dung nêu tại điểm a mục này và chịu
trách nhiệm về yêu cầu bảo lãnh tạm ứng của mình.
- Các hợp đồng xây dựng theo hình thức
tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương
trình mục tiêu;
- Các công việc thực hiện không thông
qua hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trừ trường hợp công
tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải xây dựng các công trình).
(5). Thu hồi vốn tạm ứng
- Vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần
thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, mức thu hồi từng lần do chủ đầu
tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng và đảm bảo thu hồi
hết khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.
- Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư: sau khi chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư tập hợp chứng từ,
làm thủ tục thanh toán và thu hồi tạm ứng. trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày
kể từ ngày chi trả cho người thụ hưởng không chờ đến khi toàn bộ các hộ dân
trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã nhận tiền mới làm thủ tục
thu hồi vốn tạm ứng.
- Đối với chi phí quản lý dự án: Khi
có khối lượng công việc hoàn thành theo dự toán, chủ đầu tư lập Bảng xác định
giá trị khối lượng công việc hoàn thành (có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư)
gửi Kho bạc nhà nước làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng. Chủ đầu tư không phải gửi
chứng từ chi, hóa đơn, mua sắm đến Kho bạc nhà nước và chịu trách nhiệm về tính
chính xác, hợp pháp của khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán theo dự toán
được duyệt.
(6). Kiểm tra, đánh giá thực hiện và
thu hồi tạm ứng vốn
- Kho bạc nhà nước thường xuyên đôn đốc
các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng;
phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản
tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Kho bạc nhà nước chịu
trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng khi thanh toán khối
lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.
- Hằng tháng các chủ đầu tư có báo
cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn gửi Kho bạc
nhà nước và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, báo cáo nêu rõ việc thực hiện và
thu hồi số vốn đã tạm ứng.
- Hằng quý Kho bạc nhà nước có báo
cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn của các Bộ,
ngành và địa phương gửi cơ quan Tài chính đồng cấp, trong báo cáo phân loại rõ
số dư tạm ứng đến từng thời kỳ. Đối với dự án do các Bộ, ngành quản lý, Bộ Tài
chính có văn bản gửi các Bộ, ngành để có biện pháp xử lý số dư tạm ứng chưa thu
hồi; Đối với dự án thuộc Ủy ban nhân dân các cấp quản lý, Sở Tài chính, Phòng
Tài chính Kế hoạch báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để có biện pháp xử lý số dư
tạm ứng chưa thu hồi.
- Đối với các công việc của dự án thực
hiện theo hợp đồng: vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 6 tháng kể từ thời
điểm phải thực hiện khối lượng theo tiến độ ghi trong hợp đồng mà nhà thầu chưa
thực hiện hoặc sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp
với Kho bạc nhà nước để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước.
Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi và không có báo cáo đánh giá tình hình thực
hiện và thu hồi tạm ứng vốn, Kho bạc nhà nước có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu
hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo
lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về
việc sử dụng vốn tạm ứng.
- Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư: vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm
tạm ứng vốn mà chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với Kho bạc nhà nước yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi
thường hỗ trợ và tái định cư chuyển toàn bộ số tiền đã tạm ứng về tài khoản tiền
gửi của chủ đầu tư tại Kho bạc nhà nước để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh
toán và thu hồi tạm ứng. Trường hợp sau thời hạn 1 năm kể từ ngày chuyển tiền về
tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mà chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng,
chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước.
3. Các nội dung về tạm ứng nêu trên
được áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu
Chính phủ và vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước (vốn quảng cáo truyền hình, vốn
đầu tư tăng trưởng của Bảo hiểm Xã hội,...).
Đề nghị thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Các Tập đoàn
kinh tế, Tổng công ty nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng và các chủ đầu tư
để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần phản ảnh về Bộ
Tài chính để phối hợp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Sở Tài chính các tỉnh, TP;
- Kho bạc Nhà nước (để thực hiện);
- Vụ NSNN, Vụ I, Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, Vụ ĐT (250)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|