Kính gửi:
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của
cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số
742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đề nghị tham mưu
Chính phủ trình Quốc hội xem xét 11 nội dung.
Đối với kiến nghị của thành phố Hải Phòng về Luật
Giao dịch điện tử (sửa đổi), đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét
một số nội dung sau:
1. Tại khoản 1 Điều 3 định
nghĩa chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm
thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử và tại Điều
25 yêu cầu chữ ký của cá nhân, tổ chức là chữ ký số hoặc chữ ký điện tử
dùng riêng nhưng phải đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, tại Điều 25 dự
thảo Luật quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa có quy định cụ thể
về "điều kiện bảo đảm an toàn của các hình thức chữ ký điện tử khác".
Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định chi tiết đối với các loại
chữ ký điện tử khác không phải chữ ký số để các bên thực hiện giao dịch có nhiều
lựa chọn cho phù hợp.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có
ý kiến trả lời như sau:
- Hiện nay, các hình thức xác thực giao dịch qua
tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh
trắc học, định danh người dùng bằng phương thức điện tử (eKYC)... được sử dụng
tương đối phổ biến trong giao dịch điện tử (GDĐT). Tuy nhiên, các hình thức này
chỉ được coi là chữ ký điện tử khi kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu,
có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của
chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký quy định tại khoản 11 Điều 3 của Luật GDĐT (năm 2023).
- Để tạo cơ sở pháp lý cho các hình thức xác nhận bằng
phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử, Luật GDĐT (năm 2023) đã bổ
sung khoản 4 Điều 22 quy định về các hình thức xác nhận khác
bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông
điệp dữ liệu mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định khác của
pháp luật có liên quan để phù hợp với thực tiễn triển khai.
2. Tại khoản 17 Điều 3 dự thảo Luật về giải
thích từ ngữ quy định: “người trung gian là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một
thông điệp dữ liệu hoặc cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến thông điệp dữ
liệu đó”. Theo đó, người trung gian là người giữ một vai trò quan trọng khi người
thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu, tuy nhiên trong dự
thảo Luật chưa có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với
các bên trực tiếp tham gia vào các giao dịch điện tử, gây ra nhiều bất cập trong
việc đảm bảo an toàn của giao dịch điện tử khi có vấn đề xảy ra. Cử tri kiến
nghị xem xét, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với
các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử, an ninh trên không gian mạng.
Khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 16 Luật
GDĐT (năm 2023) đã quy định về miễn trừ trách nhiệm của người trung gian
khi gửi, nhận thông điệp dữ liệu. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người trung gian
trong từng lĩnh vực cụ thể cũng đã được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành,
như pháp luật về ngân hàng, viễn thông, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
thương mại... Vì vậy, Luật GDĐT (năm 2023) không quy định lại nội dung này.
3. Tại khoản 7 Điều 6 dự thảo Luật quy định nội
dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về
giao dịch điện tử, nhưng chưa có quy định cụ thể về các vi phạm và xử lý vi phạm.
Cử tri kiến nghị xem xét, quy định cụ thể để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm
và có chế tài xử lý phù hợp đối với từng mức độ vi phạm nhất định hoặc các quy
định dẫn chiếu cụ thể đến Luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp
đặc thù liên quan đến việc ký kết và thực hiện giao dịch điện tử.
- Khoản 3 Điều 8 Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Không quy định chương riêng về thanh
tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp
luật nếu không có nội dung mới”.
- Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh, “Luật này
không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch”, mọi tranh
chấp, vi phạm nếu có sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành điều chỉnh
giao dịch đó. Pháp luật về dân sự, thương mại, sở hữu trí tuệ, đất đai... đều
có các quy định về giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, Luật
GDĐT (năm 2023) không quy định về xử lý, giải quyết tranh chấp trong GDĐT, hợp
đồng điện tử.
4. Cử tri cho rằng, tại khoản 3
Điều 7 quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực,
địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công” có thể dẫn tới sự chồng
chéo, vì trên thực tế, một đối tượng có thể phải chịu sự quản lý theo lĩnh vực
của cơ quan Bộ và Ủy ban nhân dân theo địa bàn. Cử tri kiến nghị nghiên cứu,
xem xét quy định cụ thể nội dung này.
Khoản 3 Điều 50 Luật GDĐT (năm 2023)
quy định “Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ
Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong
lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công”. Quy định
như trên đảm bảo thống nhất, thông suốt, không chồng chéo đối với cả các cơ
quan thực hiện quản lý nhà nước và đối tượng chịu sự quản lý.
5. Từ Điều 21 đến Điều 23 quy
định về giá trị pháp lý, chuyển giao, lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; tuy
nhiên chưa quy định về thu hồi chứng thư điện tử khi phát hiện sai sót. Cử tri
kiến nghị xem xét, bổ sung quy định cụ thể về việc thu hồi chứng thư điện tử.
- Khoản 5 Điều 3 Luật GDĐT (năm
2023) quy định “Chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng
chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử”.
- Thực tế, các loại giấy tờ này cùng các nội dung
liên quan như điều kiện, thời hạn, chủ thể có thẩm quyền, thủ tục cấp/cấp lại/thu
hồi đều đã được quy định cụ thể tại pháp luật chuyên ngành (ví dụ văn bằng, chứng
chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định trong Luật Giáo dục 2019 và
các văn bản có liên quan; chứng chỉ hành nghề Dược được quy định trong Luật Dược
2016 và các văn bản có liên quan...).
- Với quan điểm Luật GDĐT (sửa đổi) chỉ quy định về
những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng
phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định.
Do vậy, Luật GDĐT (năm 2023) không quy định việc thu hồi chứng thư điện tử.
6. Cử tri phản ánh, trên thực tế có nhiều tổ chức
cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân
(sử dụng ngoài mục tiêu công vụ) đang được sử dụng rất hiệu quả vào các hệ thống
ứng dụng nghiệp vụ, đáp ứng điều kiện có sử dụng mật mã theo quy định tại khoản
2 Điều 3 dự thảo Luật. Ngân hàng Nhà nước hiện cũng đang cung cấp dịch vụ chứng
thực chữ ký số chuyên dùng sử dụng trong các hệ thống thông tin nghiệp vụ trọng
yếu của ngành Ngân hàng như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc
gia, Hệ thống báo cáo phục vụ quản lý điều hành, Hệ thống đấu thầu và Nghiệp vụ
thị trường mở... Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung khái niệm và các
quy định liên quan đối với “Chữ ký số chuyên dùng hoặc chữ ký số dùng riêng”
ngoài chữ ký số chuyên dùng công vụ tại khoản 3 Điều 24.
- Về khái niệm, Điều 22 Luật GDĐT
(năm 2023) đã quy định và phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng,
bao gồm (1) chữ ký điện tử chuyên dùng, (2) chữ ký số công cộng, (3) chữ ký số
chuyên dùng công vụ, để áp dụng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng chữ ký điện
tử khác nhau phù hợp với thực tiễn. Trong đó, chữ ký điện tử chuyên dùng được định
nghĩa là “chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt
động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ”.
- Đồng thời, Điều 25 Luật GDĐT (năm
2023) cũng đã quy định về việc sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký
điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
7. Cử tri cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 25
dự thảo Luật không đảm bảo sự trung lập về công nghệ, dẫn tới các công nghệ
OTP, sinh trắc học đang sử dụng hiệu quả cho các giao dịch giá trị nhỏ và rất
nhỏ của ngành Ngân hàng sẽ phải chuyển đổi sang sử dụng chữ ký điện tử dùng
riêng đủ điều kiện đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới việc ứng dụng các công nghệ mới
hơn trong tương lai. Việc này sẽ gây tốn kém lớn cho xã hội (gồm cả chi phí đầu
tư thay đổi hệ thống và chi phí vận hành); một số nghiệp vụ ngành Ngân hàng yêu
cầu một khóa ký có ký được hàng trăm giao dịch/giây sẽ khó khả thi đối với các
loại chữ ký điện tử dùng riêng đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Cử tri kiến nghị
nghiên cứu, xem xét bỏ quy định này hoặc sửa đổi lại theo hướng: “Trong trường
hợp pháp luật quy định văn bản phải có chữ ký của cá nhân thì yêu cầu đó đối với
một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu được áp dụng
các phương pháp xác thực điện tử hoặc ký bởi chữ ký điện tử hoặc chữ ký số của
cá nhân đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
- Thực tế theo báo cáo của các ngân hàng, khách
hàng có thể sử dụng tài khoản giao dịch, mật khẩu, mã OTP... do ngân hàng cung
cấp để thực hiện giao dịch. Đây là một hình thức xác nhận sự chấp thuận của
khách hàng đối với nội dung thông điệp dữ liệu (nội dung giao dịch), tuy nhiên
những hình thức này không phải là chữ ký điện tử theo quy định của Luật GDĐT
(năm 2023).
- Để bao quát và khẳng định giá trị pháp lý của chữ
ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số, Điều 23 Luật
GDĐT (năm 2023) đã quy định chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp
lý; chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn và chữ ký số có giá trị tương
đương chữ ký của cá nhân.
- Đồng thời, khoản 4 Điều 22
quy định “việc sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử
để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu mà không phải
là chữ ký điện tử thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan”
để phù hợp với thực tiễn triển khai.
8. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung
quy định cơ quan có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại chữ ký
điện tử, trong đó có chữ ký điện tử dùng riêng tại Điều 27 dự thảo Luật.
Về nội dung quản lý nhà nước về GDĐT, khoản 1 Điều 49 Luật GDĐT (năm 2023) đã quy định: “Xây dựng,
ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển giao
dịch điện tử; văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử; tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch
vụ trong giao dịch điện tử” và Bộ Thông tin và Truyền thông là “cơ quan
đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ,
cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử”. Theo đó,
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền
nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật, định
mức kinh tế - kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong giao dịch điện tử.
9. Cử tri cho rằng quy định tại điểm d khoản 1
Điều 28 không khả thi và không phù hợp với các tổ chức đa quốc gia nói chung và
các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng đến toàn bộ
các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên hệ thống
thanh toán quốc tế SWIFT. Hiện nay, các tổ chức này sử dụng hệ thống thông tin
tập trung và sử dụng chung chữ ký điện tử được cấp tại nước ngoài để cung cấp dịch
vụ cho toàn cầu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng còn sử
dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT - đây là hệ thống thanh toán có mặt tại
hầu hết các quốc gia trên thế giới và sử dụng hệ thống chữ ký điện tử do SWIFT
cung cấp trên quy mô toàn cầu. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét, quy định
này cho phù hợp.
- Trong quá trình xây dựng Luật GDĐT (năm 2023)
cũng đã có ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến hệ thống thanh toán quốc
tế SWIFT. Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu kinh nghiệm
quốc tế, trên cơ sở thực tiễn triển khai, ý kiến góp ý của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam, hiệp hội các ngân hàng, các chuyên gia... Theo đó, đã đưa các quy định
tại Điều 26 Luật GDĐT (năm 2023) về việc công nhận tổ chức
cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử
nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Đồng thời, giao Bộ Thông tin
và Truyền thông quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cho việc công nhận, bảo đảm
đồng bộ, thống nhất với các luật đang có hiệu lực và quy định có liên quan của
các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Mặt khác, Điều 27 Luật GDĐT (năm
2023) đã quy định về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ
ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Theo đó, chữ ký
điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong
giao dịch quốc tế là chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước
ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, có hiệu lực
trên thông điệp dữ liệu gửi đến tổ chức, cá nhân Việt Nam. Tổ chức, cá nhân lựa
chọn và chịu trách nhiệm về việc chấp nhận chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư
chữ ký điện tử nước ngoài trên thông điệp dữ liệu trong giao dịch quốc tế.
10. Cử tri cho rằng, dịch vụ chứng thực thông điệp
dữ liệu tại Điều 33 của dự thảo Luật và tại khoản 15 Điều 3 Nghị
định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử có
khả năng chồng chéo về phạm vi chứng thực của thông điệp dữ liệu điện tử. Tại
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ xác định dịch vụ chứng
thực đối với Hợp đồng điện tử gồm: lưu trữ và bảo đảm tính toàn vẹn của chứng từ
điện tử; dự thảo Luật quy định Hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng dữ liệu
điện tử; như vậy, có thể hiểu Hợp đồng điện tử cũng là thông điệp dữ liệu điện
tử, tuy nhiên dự thảo Luật quy định dịch vụ chứng thực có bổ sung so với Nghị định
số 52/2013/NĐ-CP một số dịch vụ như: dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu. Cử
tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét, sửa đổi nội dung này cho phù hợp.
Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu và dịch vụ chứng
thực hợp đồng điện tử là hai dịch vụ trùng nhau về điều kiện cung cấp dịch vụ
(giải pháp công nghệ, bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật hệ thống, an toàn thông
tin khách hàng, bảo đảm duy trì và khắc phục hoạt động khi có sự cố xảy ra...);
đối tượng chứng thực (hợp đồng điện tử là một dạng thể hiện của thông điệp dữ
liệu); hoạt động cung cấp dịch vụ (cùng là dịch vụ về lưu trữ và xác nhận tính
toàn vẹn của thông điệp dữ liệu). Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội
về việc giữ nguyên trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc cấp giấy xác nhận
dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại, khoản 3
Điều 28 đã quy định tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải có giấy phép kinh
doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng
điện tử trong thương mại.
Ngoài ra, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng
điện tử trong thương mại phải đáp ứng điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ chứng
thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử và điều
kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy theo quy định tại Điều 29 của Luật này.
11. Hiện nay tình trạng một số doanh nghiệp và
người dân khi thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước nhưng nhiều
trường hợp bị từ chối tiếp nhận văn bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu
doanh nghiệp và người dân nộp thêm bản giấy, gây cản trở rất lớn đối với việc
điện tử hóa các dịch vụ công, thủ tục hành chính, làm mất thời gian, công sức,
tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí là tạo cơ hội cho nhũng nhiễu,
tiêu cực. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, quy định cụ thể tại
khoản 3 Điều 40 dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể các giao dịch điện tử
thực hiện tại các cơ quan Nhà nước, việc thực hiện các giao dịch điện tử giữa
cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân; xem xét, bổ sung nguyên tắc cơ
quan Nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người
dân và doanh nghiệp; không được phép từ chối nhận văn bản điện tử hoặc yêu cầu
nộp thêm hồ sơ là bản giấy; quy định về các tiêu chuẩn cụ thể, tối thiểu về chữ
ký điện tử; chứng thực chữ ký để người dân, cơ quan Nhà nước có thể áp dụng
ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 47 Luật
GDĐT (năm 2023) đã quy định các hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực
hiện khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình) trên môi
trường điện tử; bảo đảm toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc văn
bản giấy không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có bản điện tử có giá trị pháp
lý như bản giấy; sẵn sàng có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh
khi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng,
thúc đẩy GDĐT; phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi
trường điện tử, trường hợp không tiếp nhận, giải quyết phải nêu rõ lý do bằng
văn bản và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Câu 2: Cử tri kiến nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sớm sửa
đổi, bổ sung các quy định về Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông,... nhằm đẩy
mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tăng cường niềm tin số của người dân, tạo
môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương
thức điện tử.
- Ngày 22/6/2023, với tỷ lệ 94,67% đại biểu tán
thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật GDĐT (năm 2023). Luật GDĐT (năm
2023) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật GDĐT số 51/2005/QH11 hết hiệu
lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định chuyển tiếp.
- Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng
Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc
hội khóa XV trong đó bổ sung các quy định về trung tâm dữ liệu, điện toán đám
mây nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế số, xã hội
- Về nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật An toàn
thông tin mạng đã có 01 mục tại Chương II quy định về bảo vệ
thông tin cá nhân (trong đó quy định về nguyên tắc bảo vệ, thu thập và sử dụng,
cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ, bảo đảm an toàn thông tin và trách nhiệm của cơ
quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng). Điều
26 Luật An ninh mạng đã quy định bảo đảm an ninh thông tin trên không gian
mạng (trong đó quy định trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của doanh nghiệp
trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet,
các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam). Chính phủ cũng đã ban
hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong
đó đã quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong
việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền
thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn
đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|