Kính
gửi:
|
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội
TP Đà Nẵng.
|
Thực hiện công văn số 1166/TTKQH-GS
ngày 10/6/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội, về việc chuyển chất vấn của Đại biểu
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng gửi đến trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại Phiếu chất vấn số
31/PCVK3-GS, nội dung chất vấn như sau:
“Kính thưa Bộ trưởng,
Đề nghị Bộ trưởng cho biết:
- Bộ trưởng đã chỉ đạo công tác kiểm
tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác như thế nào?
- Làm thế nào để xử lý có hiệu quả hành vi lan truyền các thông tin giả kích động dư luận và các thông tin xúc phạm
danh dự của tổ chức, cá nhân?
- Phải chăng các cơ quan chức
năng, trong đó có Bộ TTTT, chỉ mới chú ý xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, các tổ chức và cá
nhân quan trọng thôi mà chưa chú ý xử lý các hành vi
vi phạm danh dự của những tổ chức, cá nhân khác?
Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!”
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và
Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
1. Về chỉ đạo
công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng
trực tuyến khác.
Nội dung thông tin trên các trang mạng,
trang thông tin điện tử (TTĐT), nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi
hai nguồn: Thứ nhất, từ tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ
ràng, được Bộ TTTT cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này
phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam. Thứ hai, từ
các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước
ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt. Ngoài ra, các mạng xã hội (MXH) nước
ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook, Youtube, TikTok
là các MXH có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Các thông tin vi phạm pháp luật Việt
Nam, tin giả, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá
nhân, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các MXH nước ngoài,
các website của nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã thực hiện
các biện pháp quản lý sau:
- Thường xuyên rà soát thực hiện, bổ
sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hiệu quả thông
tin trên các trang mạng, trang TTĐT và các nền tảng trực tuyến;
- Tăng cường công tác hậu kiểm, thường
xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là MXH, xử lý nghiêm các đối tượng
có hành vi vi phạm trong việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet;
- Chỉ đạo Sở TTTT các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên
không gian mạng, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi vi
phạm;
- Phối hợp với các địa phương tổng rà
soát việc cấp phép và hoạt động của các trang TTĐT tổng hợp, MXH; siết chặt
công tác cấp phép; tổ chức làm việc với đơn vị chủ quản trang TTĐT tổng hợp,
MXH trong nước để chấn chỉnh, yêu cầu lập cam kết chấm dứt các hành vi tự viết
bài có nội dung ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, doanh nghiệp;
- Triển khai hàng loạt các biện pháp
về pháp lý, ngoại giao, kinh tế, kỹ thuật... để đấu tranh quyết liệt với các tổ
chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam,
điển hình là Facebook, Google, TikTok buộc những doanh
nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; buộc phải triển
khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên các
MXH này khi có yêu cầu từ phía Bộ TTTT (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt
trên 90%).
- Định kỳ, đột xuất tổ chức các đoàn
thanh, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang TTĐT tổng hợp, MXH đã
được giấy phép hoạt động, các công ty truyền thông, quảng cáo lớn trong nước nhằm
chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị này trên môi trường mạng.
Kết quả:
Từ năm 2021 đến hết quý I năm 2022, Bộ
TTTT đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi
vi phạm trong hoạt động TTĐT, MXH với tổng số tiền phạt 1,8 tỷ đồng. Các Sở
TTTT đã ban hành 93 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi
vi phạm trong hoạt động TTĐT, MXH với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng (Kể từ năm
2020 đến nay, Bộ TTTT đã thu hồi 02 giấy
phép, tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 08 tháng đối với 04 trường hợp, đình chỉ hoạt động
trong thời hạn 02 tháng đối với 03 trường hợp).
- Thành lập Trung tâm Giám sát an
toàn không gian mạng quốc gia (National Cyber Security Center - NCSC) để rà
quét, nắm bắt xu hướng thông tin trên không gian mạng để có biện pháp xử lý kịp
thời; Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên
các phương tiện thông tin đại chúng;
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý
thức, trách nhiệm cho người sử dụng khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không
gian mạng.
2. Các giải
pháp xử lý có hiệu quả hành vi loan truyền các thông tin giả kích động dư luận
và các thông tin xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân.
Hành vi loan truyền tin giả, tin sai
sự thật diễn ra chủ yếu trên MXH, nhất là các nền tảng MXH xuyên biên giới.
Nguyên nhân một phần do người sử dụng vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là “ảo”,
là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội,
cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu
không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định/công bố là tin giả thì người
dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất
là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Tin giả phát tán nhanh nhưng việc xử
lý, ngăn chặn của các MXH xuyên biên giới thì vẫn chậm so với MXH trong nước
nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở MXH xuyên biên giới.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã thực hiện
các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, loan truyền tin giả như:
- Nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện
hệ thống pháp luật; bổ sung các quy định về chống tin giả, tăng chế tài và mức
phạt như Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP , Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa
đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý nội dung Internet; Nghị định số
15/2020/NĐ-CP , Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2020/NĐ-CP
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô
tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử...
Hiện nay, Bộ TTTT đang trình Chính phủ
xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định
27/2018/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý các MXH xuyên biên giới, trong đó bổ sung
quy định định danh tài khoản người dùng, cơ quan chủ quản các MXH có trách nhiệm
gỡ bỏ thông tin bị người dùng khiếu nại là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân chậm nhất 48h, chỉ cho phép các tài khoản đã định
danh mới được bình luận, viết bài trên MXH; các MXH phải gỡ bỏ thông tin vi phạm
(3h với MXH trong nước; 24h với MXH nước ngoài) khi có yêu cầu từ cơ quan chức
năng.
- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH
nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo
thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên các MXH.
- Phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa
phương để xác minh và xử lý tin giả. Bộ TTTT và các bộ, ngành liên quan đều có
trách nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp để xử lý tin giả theo
nguyên tắc: Bộ TTTT và các bộ, ngành chủ động rà soát phát hiện tin giả; các bộ
sẽ xác minh tin giả khi tự phát hiện hoặc khi Bộ TTTT yêu cầu; chuyển Bộ TTTT xử
lý, ngăn chặn, công bố tin giả trên website tingia.gov.vn/fanpage.
Tuy nhiên, thời gian qua việc xác
minh tin giả còn chậm trễ dẫn tới các tin giả vẫn được loan truyền trên mạng,
gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân có thể kể như các bộ,
ngành, địa phương chưa chủ động rà quét, việc phối hợp xác minh còn mất nhiều
thời gian... Do đó, Bộ TTTT đã chủ động thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ với
các Sở TTTT về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng, tiến tới
ký kết với các bộ, ngành để tăng cường công tác phối hợp,
giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả.
- Thành lập Trung tâm xử lý tin giả
Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý
thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, MXH và blog
cá nhân; chỉ đạo các cơ quan báo chí chính thống chủ động tìm hiểu, xác minh
tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin
chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh; đẩy mạnh việc lan
tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông
tin cảnh báo người dân về tin giả.
- Tăng cường đẩy mạnh việc khuyến
khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng, qua
đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng Internet
để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh,
thông tin không có ích.
- Tổ chức tập huấn cho các địa
phương, bộ, ngành về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu độc
trên môi trường mạng và chủ động xác minh tin giả ở địa phương/phạm vi lĩnh vực
phụ trách.
3. Phải chăng
các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ TTTT, chỉ mới chú ý xử lý các hành vi vi
phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, các tổ chức và cá nhân quan trọng
thôi mà chưa chú ý xử lý các hành vi vi phạm danh dự của những tổ chức, cá nhân
khác?
Thời gian qua, Bộ TTTT đã chỉ đạo các
đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường
xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là MXH, xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm
pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm về nói xấu, bôi nhọ
danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên mạng.
+ Trường hợp xác định được nhân thân:
Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp người dùng
MXH Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube
Hoàng Anh-Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc
Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Điển hình là trường hợp vi phạm của bà
Nguyễn Phương Hằng đã bị xử phạt vi phạm hành chính (7,5 triệu đồng) và đã bị
khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích
của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, các cơ
quan chức năng đang thực hiện các quy trình tố tụng theo
quy định của pháp luật và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử.
+ Trường hợp không xác định được nhân
thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, Bộ TTTT đã gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook, Tiktok... thực hiện biện pháp ngăn
chặn, gỡ bỏ. Theo đó:
Facebook: (1) Gỡ bỏ 290 tài khoản giả
mạo và 11.881 bài viết có nội dung vi phạm; (2) Gở bỏ 154 fanpage đăng thông
tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm,
gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; (3) Gỡ bỏ 330
trang cộng đồng quảng cáo trò chơi điện tử cờ bạc, đổi thưởng;
(4) Gỡ bỏ 02 hội, nhóm (group) có nội dung độc hại với trẻ em; (6) Gỡ bỏ 2.200
link quảng cáo có hoạt động buôn bán các dịch vụ bất hợp
pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật hoang dã, vũ khí, tiền giả...
Google: (1) Gỡ bỏ 29 kênh Youtube phản
động (tổng số 29 kênh này chứa 12.712 video clip vi phạm) và 74.543 video có nội
dung vi phạm trên MXH Youtube; (2): Gỡ bỏ 173 ứng dụng game (trò chơi điện tử)
cờ bạc, game bạo lực, game không phép trên kho ứng dụng Google Play.
TikTok: (1) Gỡ bỏ 1.296 video vi phạm,
đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác
phòng chống dịch Covid-19, lợi dụng tình hình dịch để bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo
Đảng, Nhà nước. (2) Gỡ bỏ 100% thông tin vi phạm liên quan đến dịch bệnh
COVID-19 theo yêu cầu của Bộ trong thời gian 12-24 giờ.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT đã yêu cầu các nền
tảng MXH xuyên biên giới triển khai các biện pháp để chủ động chặn lọc tối đa
các thông tin, hình ảnh nội dung xấu độc. Từ khi triển khai thực hiện từ năm
2021 đến nay, TikTok đã chủ động rà quét, chặn lọc 3.568 video vi phạm trên nền
tảng của mình.
Tuy nhiên, việc xử lý các thông tin
nói xấu, bôi nhọ danh dự của những tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế do các tổ
chức, doanh nghiệp, cá nhân khi bị tung tin nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín
thường không phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng hoặc khởi kiện theo quy
định dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý vi phạm.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
TTTT, trân trọng gửi tới đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu
Quốc hội Thành phố Đà Nẵng.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại
biểu./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng;
- Vụ Phục vụ hoạt động giám sát
(VPQH);
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thanh tra Bộ;
- Các cục: PTTH&TTĐT, ATTT;
- Cổng TTĐT của Bộ (để đăng tin);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|