BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 7982/BTC-NSNN
V/v hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận tài sản và
các nguồn tài chính nhà nước ở địa phương đối với việc điều chỉnh địa giới hành
chính thành phố Hà Nội và các địa phương có liên quan
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 07 năm 2008
|
Kính gửi:
|
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
|
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12
được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 29/5/2008 về việc điều chỉnh
địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện một số nội dung về việc bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài
chính nhà nước ở các địa phương thuộc phạm vi điều chỉnh địa giới hành chính
như sau:
A. Yêu cầu chung:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (gọi chung là “các tỉnh”) thuộc phạm vi điều chỉnh địa giới
hành chính theo Nghị quyết 15/2008/QH12 có trách nhiệm chỉ đạo các sở và các
đơn vị ở địa phương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập bàn giao, tiếp nhận tài sản
và các nguồn tài chính; thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do điều chỉnh địa giới
hành chính; trong đó có nhiệm vụ bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài
chính nhà nước của địa phương. Việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản và
các nguồn tài chính được xác định tại thời điểm 31/7/2008.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm
vi điều chỉnh địa giới hành chính có trách nhiệm lập phương án bàn giao, tiếp
nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước của địa phương và từng cơ quan, từng
đơn vị. Phương án bàn giao tài sản và các nguồn tài chính nhà nước phải được
bàn bạc tập thể, đảm bảo thống nhất phương thức thực hiện bàn giao, tiếp nhận
tài sản và các nguồn tài chính nhà nước của địa phương để sau khi điều chỉnh địa
giới hành chính mọi hoạt động kinh tế - xã hội của các cơ quan đơn vị, các tỉnh
ổn định, không bị xáo trộn và giữ được sự đoàn kết, nhất trí.
3. Từng cơ quan, đơn vị (bao gồm các
cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn)
theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm kê tài sản theo chế độ quy định, lập đầy
đủ hồ sơ về tài sản, các nguồn tài chính nhà nước trước khi điều chỉnh địa giới
hành chính; đối chiếu với kết quả đã kiểm kê tại thời điểm gần nhất trước đó để
xác định tài sản, tiền vốn, ... thừa, thiếu và xác định trách nhiệm để xử lý dứt
điểm trước thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính. Khi bàn giao, tiếp nhận
tài sản và các nguồn tài chính nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị phải lập biên
bản bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính giữa các bên (kể cả các khoản
nợ phải thu, phải trả (nếu có). Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát
tài sản, tiền vốn nhà nước khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính.
B. Những quy định cụ thể:
I. Đối với tài sản và tiền vốn
trong các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý:
Các doanh nghiệp nhà nước do địa
phương quản lý đóng trên địa bàn thuộc địa giới hành chính của tỉnh, huyện, xã
nay điều chỉnh địa giới hành chính về thành phố Hà Nội thực hiện bàn giao
nguyên trạng doanh nghiệp, bao gồm toàn bộ tài sản, tiền vốn, quyền lợi và
nghĩa vụ của doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa
bàn tỉnh không phải điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng có đơn vị phụ thuộc
đóng trên địa bàn huyện, xã phải điều chỉnh địa giới hành chính về thành phố Hà
Nội thì không phải bàn giao đơn vị phụ thuộc.
Các doanh nghiệp nhà nước cung cấp sản
phẩm hàng hóa dịch vụ công ích, công ty xổ số kiến thiết thực hiện bàn giao
nguyên trạng; trường hợp được hợp nhất, sáp nhập theo quyết định của cấp có thẩm
quyền, khi bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính đối với doanh
nghiệp này thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cố định, vốn cố định; tài sản
lưu động và vốn lưu động; công nợ của doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp
cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công ích có trụ sở đóng trên địa bàn không
phải điều chỉnh địa giới hành chính nhưng hoạt động cung cấp sản phẩm, hàng
hóa, dịch vụ trên địa bàn điều chỉnh địa giới hành chính thì thực hiện bàn giao
toàn bộ tài sản và nguồn tài chính cho đơn vị thuộc thành phố Hà Nội (mới) tiếp
nhận quản lý.
II. Đối với tài sản và các nguồn vốn
tài chính trong khu vực hành chính sự nghiệp do địa phương quản lý:
1. Tài sản và các nguồn tài chính nhà
nước trong các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp do các huyện, xã quản lý giữ
nguyên hiện trạng không phải thực hiện bàn giao, tiếp nhận. Tài sản và các nguồn
tài chính nhà nước trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của huyện, xã
thuộc tỉnh nào sau khi điều chỉnh địa giới hành chính tiếp tục giao cho huyện,
xã đó quản lý.
2. Tài sản và các nguồn tài chính nhà
nước trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp do cấp tỉnh quản
lý, bàn giao và tiếp nhận theo nguyên tắc:
Bàn giao toàn bộ tài sản và các nguồn
tài chính nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp
cho cơ quan được tiếp nhận theo nguyên tắc thực hiện kiểm kê tài sản, đối chiếu
giá trị tài sản trên sổ sách, đảm bảo khớp đúng; lập báo cáo kiểm kê tài sản;
trường hợp có chênh lệch phải xử lý chênh lệch trước khi bàn giao; đồng thời đảm
bảo các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoạt động bình thường
ngay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Sau khi điều chỉnh địa giới hành
chính, Thủ trưởng đơn vị mới có trách nhiệm, bố trí sử dụng theo đúng chế độ,
tiêu chuẩn, định mức hiện hành; đối với tài sản dôi dư, lập phương án để trình
cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo đúng chế độ quy định. Việc bàn giao tài
sản và các nguồn tài chính, công nợ cần thảo luận thống nhất theo nguyên tắc cơ
quan nhận bàn giao tài sản được hình thành từ công nợ thì có trách nhiệm nhận nợ.
3. Căn cứ tài sản, vật tư, tiền vốn,
... đã được bàn giao, tiếp nhận, cơ quan, đơn vị nhận bàn giao, tiếp nhận có
trách nhiệm mở sổ sách theo dõi tài sản, tiền vốn của cơ quan, đơn vị mình theo
đúng chế độ quản lý tài sản, tiền vốn nhà nước theo quy định.
III. Bàn giao, tiếp nhận công tác
quản lý NSNN:
1. Về công tác quyết toán NSNN năm
2007:
Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan
về điều chỉnh địa giới hành chính chỉ đạo cơ quan tài chính phối hợp với cơ
quan thuế, Kho bạc nhà nước và các ban, ngành liên quan khẩn trương tổng hợp
quyết toán ngân sách năm 2007 để báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân
dân cùng cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2007 trước thời điểm điều chỉnh
địa giới hành chính.
2. Về dự toán thu, chi NSNN năm 2008:
2.1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,
tỉnh Hà Tây:
a) Dự toán thu, chi cân đối ngân sách
của thành phố Hà Nội (mới) năm 2008 được tổng hợp toàn bộ dự toán thu, chi ngân
sách năm 2008 trên địa bàn huyện Mê Linh, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và nhiệm vụ
thu, chi ngân sách của tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền
quyết định. Trên cơ sở đó, xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu
phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân
sách trung ương cho ngân sách địa phương theo chế độ quy định và Nghị quyết số
15/2008/QH12 của Quốc hội.
b) Ngân sách trung ương tiếp tục bổ
sung có mục tiêu cho thành phố Hà Nội (mới) theo dự toán điều chỉnh năm 2008 được
Thủ tướng Chính phủ giao.
c) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
và tỉnh Hà Tây tiếp nhận toàn bộ nguồn kinh phí ủy quyền năm 2008 đã được cấp
có thẩm quyền giao. Các Bộ, ngành trung ương thực hiện cấp kinh phí ủy quyền
cho các tỉnh theo địa giới hành chính mới.
d) Mọi nhiệm vụ chi của các cơ quan
hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tiếp nhận về Hà Nội sau
khi điều chỉnh địa giới hành chính do ngân sách thành phố Hà Nội (mới) đảm bảo.
2.2. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
và tỉnh Hòa Bình:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và
tỉnh Hòa Bình điều chỉnh giảm tương ứng đối với dự toán thu, chi ngân sách năm
2008 trên địa bàn huyện Mê Linh, 4 xã của tỉnh Hòa Bình đã được cấp có thẩm quyền
quyết định.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và
tỉnh Hòa Bình bàn giao cho thành phố Hà Nội (mới) toàn bộ hồ sơ và nguồn kinh
phí ủy quyền năm 2008 của huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã tỉnh Hòa Bình đã
được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm cả kinh phí năm trước được phép chuyển
sang thực hiện và quyết toán vào năm 2008): kế hoạch giao, kinh phí đã cấp,
kinh phí còn lại.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và
tỉnh Hòa Bình phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (mới) để
thực hiện cân đối thu, chi ngân sách cho huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4
xã của tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về thành phố Hà Nội đảm bảo ổn định các nhiệm
vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn được cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Xử lý vốn đầu tư cho các công
trình XDCB dở dang, quyết toán vốn đầu tư và những tồn tại về ngân sách:
a) Về xử lý vốn đầu tư cho các công
trình XDCB dở dang:
- Về nguyên tắc, dự án, công trình
thuộc địa bàn tỉnh nào thì giao tỉnh đó quản lý. Khi bàn giao phải ghi rõ từng
danh mục dự án, công trình, các loại nguồn vốn đầu tư cho từng công trình (vốn
ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi, nguồn vốn khác) và các hồ sơ tài liệu khác có
liên quan đến dự án, công trình.
- Đối với các dự án, công trình thuộc
nguồn vốn ngân sách trung ương đảm bảo, nhưng giao tỉnh làm chủ đầu tư thì dự
án, công trình thuộc địa bàn tỉnh (thành phố) nào, giao tỉnh (thành phố) đó quản
lý.
- Đối với khối lượng XDCB hoàn thành
phải thanh toán dứt điểm trước khi điều chỉnh địa giới hành chính. Đến thời điểm
điều chỉnh địa giới hành chính, đối với các công trình đang dở dang, các tỉnh
phải chuyển toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư năm 2008 (phần chưa thanh toán) cho
thành phố Hà Nội (mới) để thanh toán tiếp đảm bảo tiến độ thi công các dự án,
công trình trên địa bàn.
- Đối với dự án (giao thông, thủy lợi,
...) theo địa giới hành chính cũ thuộc một tỉnh, nay theo địa giới hành chính mới
thuộc hai tỉnh; đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan thoả thuận thống
nhất để thực hiện và có thể thực hiện theo hướng không bàn giao, tiếp nhận tài
sản, tiền vốn của dự án đầu tư chưa hoàn thành mà tiếp tục giao nhiệm vụ cùng
nguồn vốn đầu tư XDCB của dự án này cho tỉnh có Ban quản lý dự án đóng trên địa
bàn, quản lý đầu tư tiếp cho đến khi dự án hoàn thành toàn bộ mới bàn giao tài
sản hình thành qua đầu tư cho các tỉnh để quản lý, sử dụng.
b) Về quyết toán vốn đầu tư:
(1) Quyết toán dự án hoàn thành:
- Đối với những dự án đã có hồ sơ
trình duyệt quyết toán dự án hoàn thành trước ngày 31/7/2008: cấp có thẩm quyền
phê duyệt quyết toán (cũ) phải khẩn trương tổ chức phê duyệt quyết toán; trường
hợp đến ngày điều chỉnh địa giới hành chính vẫn chưa phê duyệt được quyết toán
thì phải bàn giao đầy đủ hồ sơ trình duyệt quyết toán của dự án, cùng với những
công việc thẩm tra đã thực hiện được (nếu có) cho cấp có thẩm quyền phê duyệt
quyết toán (mới) để tiếp tục tổ chức thực hiện phê duyệt quyết toán cho các dự
án theo chế độ quy định.
- Đối với những dự án đã hoàn thành
nhưng đến ngày điều chỉnh địa giới hành chính chưa có hồ sơ trình duyệt quyết
toán dự án hoàn thành: thực hiện lập báo cáo và trình duyệt quyết toán dự án
hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán theo chế độ quy định.
Trường hợp dự án được bàn giao sang chủ đầu tư mới thì thực hiện bàn giao đầy đủ
hồ sơ, tình hình quản lý của dự án cho chủ đầu tư mới để lập báo cáo quyết toán
dự án hoàn thành để cấp có thẩm quyền (mới) phê duyệt quyết toán theo chế độ
quy định.
(2) Quyết toán vốn đầu tư thuộc nguồn
vốn NSNN năm 2008 (quyết toán niên độ ngân sách):
- Trường hợp bàn giao nhưng không
thay đổi chủ đầu tư: chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập báo cáo quyết toán vốn đầu
tư XDCB niên độ 2008 gửi cơ quan tiếp nhận để thẩm định, phê duyệt quyết toán.
- Trường hợp bàn giao sang chủ đầu tư
mới: chủ đầu tư (cũ) chịu trách nhiệm lập bảng đối chiếu số liệu thanh toán vốn
đầu tư từ đầu năm đến ngày khóa sổ kế toán theo Phụ lục số 07 kèm theo Thông tư
số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh
toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN, lấy
xác nhận của KBNN để bàn giao cùng với toàn bộ hồ sơ của dự án cho chủ đầu tư
(mới); Chủ đầu tư (mới) lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB niên độ 2008 gửi
cơ quan tiếp nhận để thẩm định, phê duyệt quyết toán.
- Cơ quan tiếp nhận tổng hợp báo cáo
quyết toán vốn đầu tư XDCB niên độ 2008 thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định
tại Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập,
thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB thuộc vốn NSNN theo niên độ ngân
sách hàng năm.
c) Đối với các khoản đầu tư từ nguồn
trái phiếu Chính phủ cho giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, ... được giao
cho địa phương quản lý, các tỉnh thực hiện bàn giao đầy đủ hồ sơ, nguồn vốn của
từng dự án, công trình (nếu có) để thành phố Hà Nội (mới) tiếp tục đầu tư theo
kế hoạch.
d) Đối với các khoản chi thường xuyên
và bổ sung theo dự toán cho ngân sách các huyện, xã (nếu có) của ngân sách tỉnh:
cần tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm các khoản phải thanh toán về lương,
phụ cấp lương, sinh hoạt phí cán bộ,... đến 31/7/2008. Đảm bảo các khoản bổ
sung theo đúng dự toán giao cho các huyện, xã; tránh tình trạng thiếu công bằng
giữa các huyện, xã thuộc tỉnh cũ và huyện, xã phải điều chỉnh địa giới hành
chính.
đ) Đối với các khoản chi tạm ứng từ
ngân sách, cần xử lý dứt điểm trước thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính. Đối
với các khoản tạm thu, vay ngân hàng thương mại, tạm ứng nhàn rỗi Kho bạc Nhà
nước, vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, ...(nếu có) cần tập trung xử lý trước
khi điều chỉnh địa giới hành chính. Nếu đến thời điểm điều chỉnh địa giới hành
chính, các khoản tạm thu, công nợ này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì căn
cứ vào nội dung, tính chất từng khoản, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có
liên quan thỏa thuận phương thức phân chia số tạm thu, công nợ cho phù hợp.
e) Đối với quỹ dự trữ tài chính: trước
khi bàn giao, tiếp nhận có biên bản xác định rõ nguồn hình thành và tình hình sử
dụng quỹ dự trữ tài chính hiện có của tỉnh (bằng tiền, hiện vật - nếu có).
g) Phân chia các quỹ tài chính khác
theo quy định: Đối với các quỹ tài chính như: Quỹ khám chữa bệnh cho người
nghèo, Quỹ phòng chống bão lụt, đến thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính có
số dư thì căn cứ báo cáo tình hình hoạt động của từng quý, trong đó nêu rõ nguồn
thu, tình hình sử dụng, số dư; trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố bàn giao, tiếp
nhận theo nguyên tắc thỏa thuận thống nhất.
4. Về tổng hợp quyết toán ngân sách
năm 2008:
a) Các tỉnh, huyện, xã được điều chỉnh
địa giới hành chính do hợp nhất, sáp nhập vào thành phố Hà Nội cần chỉ đạo tốt
công tác kế toán thu, chi ngân sách ngay từ ngày 01/8/2008. Số dư đầu kỳ
(01/8/2008) của các tài khoản thu, chi ngân sách được căn cứ vào kết quả bàn
giao ngân sách và các quỹ tài chính khi mở rộng địa giới hành chính thành phố
Hà Nội.
b) Đối với công tác quyết toán ngân
sách năm 2008:
Ủy ban nhân dân các huyện, xã sáp nhập
vào Hà Nội thực hiện lập báo cáo quyết toán ngân sách năm 2008 trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp phê chuẩn, đồng thời gửi đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý để
tổng hợp. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (mới) thực hiện tổng hợp quyết toán
ngân sách năm 2008 (bao gồm cả quyết toán ngân sách của các đơn vị cấp tỉnh,
các huyện, xã được sáp nhập vào thành phố Hà Nội) trình Hội đồng nhân dân Thành
phố phê chuẩn và gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tài
chính về một số nội dung liên quan đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản và các
nguồn tài chính nhà nước ở địa phương đối với việc điều chỉnh địa giới hành
chính thành phố Hà Nội và các địa phương có liên quan; đề nghị Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc bàn
giao, tiếp nhận theo quy định của pháp luật liên quan và hướng dẫn nêu trên.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh
về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội; Hà Tây; Vĩnh Phúc; Hòa Bình;
- Sở Tài chính, KBNN, Cục thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà
Tây, Vĩnh Phúc; Hòa Bình;
- KBNN; các Tổng cục, Vụ, Cục thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ NSNN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Công Nghiệp
|