Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 5907/BYT-VPB1 Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Đào Hồng Lan
Ngày ban hành: 30/09/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5907/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Cử tri nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số; đề nghị Bộ quan tâm đẩy mạnh đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhận thức tầm quan trọng của chính sách dân số và phát triển của xã hội.

Trong sự nghiệp đổi mới phát triển của đất nước, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động về công tác dân số nhằm trang bị những kiến thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng về nền tảng tư tưởng, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đó chuyển đổi hành vi có tính tích cực, tự giác trong hành động thực tiễn nhằm hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng của Đảng. Một trong số nhiệm vụ quan trọng và là đòn bẩy của công tác dân số là tổ chức triển khai thực hiện công tác truyền thông, vận động, giáo dục về dân số. Ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức, phổ biến quán triệt Nghị quyết bằng nhiều hình thức; đối tượng được phổ biến, quán triệt cũng đa dạng, bao gồm cả đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Những chủ trương, đường lối về vấn đề dân số được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, được nhân dân đón nhận, ủng hộ và tích cực tổ chức thực hiện. Các nội dung tuyên truyền, vận động về dân số đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong nuôi dạy con cho tốt; nâng cao nhận thức thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số... Nội dung truyền thông giáo dục chuyển mạnh từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, truyền thông dân sô toàn diện bao gồm các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.

Tuy nhiên, trước tầm quan trọng của chính sách dân số đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về dân số và phát triển trong giai đoạn tiếp sau là: (1) Tăng cường và đổi mới hơn nữa công tác truyền thông, vận động về công tác dân số; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhận thức tầm quan trọng của chính sách dân số và phát triển của xã hội. (2) Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. (3) Tăng cường đổi mới các nội dung tuyên truyền vận động chuyển mạnh sang dân số và phát triển; đẩy mạnh truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nâng cao chất lượng dân số. (4) Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông các nhóm dân số đặc thù. Ưu tiên truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với người dân sống ở đô thị, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. (5) Tăng cường đổi mới phương thức tuyên truyền, đảm bảo phù hợp từng nhóm đối tượng, chú trọng các nhóm đối tượng đặc thù. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; khai thác hiệu quả lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông kỹ thuật số, truyền thông mới. (6) Quan tâm bố trí kinh phí cho công tác truyền thông đảm bảo đủ, kịp thời nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế triển khai.

2. Hiện nay tình trạng giá thuốc tại các cơ sở y tế, phòng khám, nhà thuốc, ...có giá chênh lệch, không thống nhất; nhiều ý kiến cử tri cho rằng cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường, đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng vì thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt (liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người).

Thuốc là hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, do đó, trong nhiều năm qua, giá thuốc được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Trên cơ sở các nguyên tắc quản lý giá hàng hóa nói chung (tại Luật Giá), giá thuốc nói riêng (Điều 105 Luật Dược 2016), Giá thuốc được kiểm soát đồng bộ bởi các biện pháp quản lý giá thuốc (Điều 106 Luật Dược):

- Tại cơ sở y tế công lập (Bệnh viện, Trung tâm y tế, Phòng khám...): kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, đấu thầu mua thuốc (nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp...).

- Tại Bệnh viện, Phòng khám tư nhân: kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, niêm yết giá và bán không cao hơn giá niêm yết.

- Tại các cơ sở bán lẻ thuốc (Nhà thuốc, Quầy thuốc...): kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, niêm yết giá và bán không cao hơn giá niêm yết. Đặc biệt với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc bán ra được kiểm soát thông qua thặng số tối đa (từ 2 - 15%, tùy thuộc vào trị giá của thuốc).

Ngoài ra, thông tin giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn) qua đó người dân có đầy đủ thông tin để đối chiếu, so sánh và lựa chọn các thuốc với giá cả hợp lý.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, giá thuốc được kiểm soát, về cơ bản không có sự chênh lệch lớn giá thuốc của cùng một thuốc tại các cơ sở y tế. Đồng thời với các biện pháp quản lý giá thuốc nêu trên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Để tăng cường hơn nữa việc kiểm soát giá thuốc, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã đề xuất bổ sung biện pháp quản lý giá thuốc tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 (đang trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV), cụ thể: công bố giá bán buôn thuốc dự kiến; kiến nghị mức giá bán buôn dự kiến đã công bố... đối với thuốc kê đơn; kê khai giá theo pháp luật về giá đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu. Với biện pháp này, giá thuốc được kiểm soát chặt chẽ, tập trung vào các nhóm thuốc cần quản lý - giá thuốc không có sự chênh lệch giữa các khu vực, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân và tổ chức kinh doanh thuốc.

3. Cử tri kiến nghị Bộ triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn và thông tin các kết quả đạt được trong thời gian qua cho cử tri được biết; giám sát chặt chẽ và đề ra các chế tài mạnh để ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán, vận chuyển thực phẩm bẩn đang diễn ra trên toàn quốc; kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi kinh doanh gian dối, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và những người có liên quan về trách nhiệm trong thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm để tạo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm tái diễn.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các cấp, các ngành chức năng, triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Công tác này được tiến hành xuyên suốt cả năm, đặc biệt tập trung vào các thời điểm tiêu thụ thực phẩm nhiều như Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, và Tết Trung thu. Các hoạt động này nhắm vào các nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, và giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và lễ hội.

Trong quá trình hậu kiểm, nhiều vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Các kết quả này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt, lựa chọn thực phẩm an toàn. Từ ngày 01/01/2023 đến nay, Bộ Y tế đã hậu kiểm 513.061 cơ sở, phát hiện 44.739 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, 16.429 cơ sở đã bị xử lý, phạt tiền 14.274 cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới 66,7 tỷ đồng. Các biện pháp xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động của 136 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 635 cơ sở với tổng số 253.210 loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, đồng thời chuyển giao cho cơ quan công an hai vụ việc liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm và một vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến trên 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm. Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để triển khai các biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm. Các vi phạm như sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sử dụng chất cấm, quảng cáo sai sự thật, lợi dụng mạng xã hội để lừa dối người tiêu dùng sẽ được xử lý nghiêm minh. Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh truyền thông, cảnh báo về các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn và công khai danh sách các cơ sở vi phạm để người dân biết và phòng tránh.

4. Theo khoản 2 Điều 17 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: “Người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây: a) ... và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; b) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Tuy nhiên, hiện nay có trường hợp không được hưởng chế độ trên; cử tri kiến nghị Bộ có hướng dẫn và tiến hành rà soát việc thực hiện quy định để đảm bảo quyền lợi người đã hiến tạng.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 17 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, người đã hiến bộ phận cơ thể người được hưởng các quyền lợi, bao gồm: được khám sức khỏe định kỳ miễn phí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đồng thời, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề nghị cử tri cung cấp thông tin trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế để Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát việc thực hiện quy định để đảm bảo quyền lợi người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo quyền lợi người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người.

5. Cử tri kiến nghị Bộ có nhiều chính sách giảm chi phí đóng bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền chữa bệnh nhưng không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.

Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân. Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; điểm e, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thư nhất; (3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm b, khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[1].

Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: BH, DS, QLD, ATTP, KCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan



[1] Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:

a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 5907/BYT-VPB1 ngày 30/09/2024 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


493

DMCA.com Protection Status
IP: 13.58.200.78
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!