Kính
gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
Nhằm xây dựng và tổ chức thực
hiện kế hoạch công tác thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (sau
đây viết tắt là LĐTBXH) có hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương,
bên cạnh việc triển khai thanh tra theo chức năng quản lý nhà nước phù hợp với
yêu cầu thực tế của địa phương, Bộ LĐTBXH hướng dẫn công tác thanh tra năm 2022
của ngành LĐTBXH như sau:
1. Công tác
thanh tra
Trên cơ sở kế hoạch thanh tra
năm 2022 của Bộ LĐTBXH và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở LĐTBXH các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở) xây dựng kế hoạch thanh
tra, kiểm tra năm 2022 theo các nội dung:
1.1. Thanh tra hành chính
Thanh tra việc thực hiện chức
năng, nhiệm vụ, công vụ được giao; trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức,
viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; công tác tổ chức cán bộ, quản
lý, sử dụng tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản.
1.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên
ngành
1.2.1. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Năm 2022, thực hiện chiến dịch
thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, trong đó ngành LĐTBXH chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai chiến dịch trên phạm vi
toàn quốc. Tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo
hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, các cơ sở giáo dục
(chú trọng các trường đại học, cao đẳng) trên địa bàn quản lý.
1.2.2. Lĩnh vực lao động, an
toàn, vệ sinh lao động
- Thanh tra việc chấp hành các quy
định về an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, các doanh nghiệp
khai thác khoáng sản lộ thiên, sản xuất xi măng.
- Thanh tra việc chấp hành các
quy định của pháp luật lao động; các quy định về cấp phép và cho thuê lại lao động;
việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại địa phương.
- Tiếp tục triển khai, hướng dẫn
tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trên trang thông tin điện tử
http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn theo quy định tại Thông tư số
17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội; qua đó phân tích, đánh giá kết quả tự kiểm tra trực tuyến và gửi kiến
nghị đến doanh nghiệp; tổng hợp tình hình tự kiểm tra tại các cơ sở lao động
đóng trên địa bàn báo cáo Thanh tra Bộ LĐTBXH.
1.2.3. Lĩnh vực người có công
- Từ năm 2022, bắt đầu triển
khai toàn quốc thanh tra việc xác lập hồ sơ bệnh binh và hồ sơ thương binh theo
quy định tại Thông tư số 20/2000/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 20/9/2000 của Liên Bộ
LĐTBXH và Bộ Y tế hướng dẫn việc giám định lại thương tật đối với người bị
thương và giám định lại khả năng lao động đối với bệnh binh.
- Tiếp tục thanh tra toàn diện
việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ
bị nhiễm chất độc hóa học tại các địa phương chưa thực hiện tự kiểm tra, rà
soát hoặc tự kiểm tra, rà soát chưa đạt yêu cầu.
1.2.4. Lĩnh vực trẻ em
Thanh tra ngành LĐTBXH chủ trì,
phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung thanh tra việc thực hiện các
quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, chú trọng đối
tượng là trẻ em tại cộng đồng theo Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực,
xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020
của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số
121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực,
hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
1.2.5. Lĩnh vực giáo dục nghề
nghiệp
Thanh tra việc chấp hành các
quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo
dục nghề nghiệp. Trong đó, Thanh tra Bộ LĐTBXH thanh tra việc thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương; cơ quan được
giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thanh tra các Sở thanh tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp.
1.2.6. Các lĩnh vực khác thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của ngành LĐTBXH (Phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ
xã hội, quản lý cai nghiện ma túy, giảm nghèo,…): Kịp thời theo dõi, lựa chọn
những vấn đề, nội dung gây bức xúc, được dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch
thanh tra năm 2022.
2. Công tác
tiếp công dân và giải quyết đơn, khiếu nại, tố cáo
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số
35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động đối thoại,
tháo gỡ triệt để khiếu nại, bức xúc nhằm đảm bảo hoạt động tiếp công dân hiệu
quả, thực chất; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công
dân, chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân theo Quy định số
11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp
ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của
công dân. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng,
phức tạp, kéo dài.
3. Công tác
phòng chống tham nhũng
Thực hiện nghiêm quy định của
pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các biện pháp phòng chống tham nhũng, đặc
biệt là việc rà soát, nhận diện các vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng, từ
đó đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; điều chuyển,
luân chuyển vị trí việc làm theo quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của
cơ quan, đơn vị.
4. Công tác
giám sát, xử lý sau thanh tra
Thực hiện giám sát hoạt động của
tất cả các đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị , quyết định xử lý về thanh tra; xử lý
nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh
tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra.
5. Công tác
xây dựng lực lượng
Cử công chức tham gia đào tạo,
bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh
chính trị, qua đó tăng cường hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra;
hướng tới xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp; giữ vững kỷ cương, liêm
chính, đạo đức nghề nghiệp trong công tác thanh tra.
6. Công tác
thông tin, báo cáo
Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn
các báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và các nội dung có liên quan; nội dung báo cáo, thông
tin đảm bảo chất lượng, theo biểu mẫu quy định.
Căn cứ kế hoạch thanh tra năm
2022 của Bộ LĐTBXH, Giám đốc Sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 bảo
đảm yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Sở và tình hình thực tế của địa
phương, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm
tra theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Bộ
LĐTBXH về kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở (qua Thanh tra Bộ LĐTBXH)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để phối hợp);
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (để phối hợp);
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (để phối hợp);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (để phối hợp);
- Tổng cục GDNN, Cục QLLĐNN, Cục ATLĐ (để thực hiện);
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, TTr.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung
|