Kính gửi: Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Tòa án nhân dân tối cao
nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 với các nội dung
kiến nghị:
1.
“Kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự đối
với Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, Tội mua bán trái phép chất
ma túy và Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.”
Về vấn đề này, Tòa án
nhân dân tối cao đã tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật
Hình sự về Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, các tội phạm về ma
túy. Trên cơ sở kết quả tổng kết, Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu xây dựng
dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp
dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về Tội
đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và dự thảo Nghị quyết của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật
Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về các tội phạm ma túy. Các nghị quyết này
sẽ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, ban hành trong thời
gian tới.
2.
“Kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự đối
với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ
quan, tổ chức, Tội chống người thi hành công vụ, trường hợp phạm tội có tính chất
côn đồ không đủ điều kiện hưởng án treo, tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu
đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội ”, xác định vai trò đồng phạm trong vụ án
có đồng phạm.”
Về vấn đề này, Tòa án
nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:
Về Tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản giải đáp vướng mắc
trong xét xử như: Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019, Công văn số
50/TANDTC-PC ngày 07/4/2020, Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020.
Về Tội sử dụng con dấu,
tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số
văn bản giải đáp vướng mắc trong xét xử như: Công văn số 212/TANDTC-PC ngày
13/9/2019, Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023, Công văn số 163/TANDTC-PC
ngày 10/9/2024.
Về trường hợp phạm tội có
tính chất côn đồ không đủ điều kiện hưởng án treo thì tại khoản
1 Điều 3 Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số
02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo hướng
dẫn những trường hợp không cho hưởng án treo gồm: người phạm tội là người chủ
mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có
tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu
quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết
tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d khoản 1 Điều
52 của Bộ luật Hình sự. Để hướng dẫn áp dụng thống nhất tình tiết này, hiện
nay Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ
trách nhiệm hình sự, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết sẽ được Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Về Tội chống người thi
hành công vụ, “tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an
toàn xã hội””, “xác định vai trò đồng phạm trong vụ án có đồng phạm” thì trong
thời gian tới, thông qua công tác tổng kết thực tiễn việc xét xử, Tòa án nhân
dân tối cao sẽ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất Bộ luật
Hình sự liên quan đến nội dung mà cử tri nêu nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
xét xử và bảo đảm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết
số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số
100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và
về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ
quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số
94/2015/QH13.
3.
“Thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn thì BLTTDS năm 2015
không có quy định và hiện nay Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn hoặc
giải đáp cụ thể...”
Về vấn đề này, Tòa án
nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:
Khoản 3 Điều
200 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Bị
đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc
giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Khoản 1 Điều
244 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “1.
Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc
thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu
cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”.
Như vậy, theo quy định của
Bộ luật Tố tụng dân sự thì:
- Bị đơn có quyền đưa ra
yêu cầu phản tố nếu yêu cầu phản tố được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp
kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Tại phiên họp và sau
phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì
Tòa án chỉ chấp nhận việc bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố nếu việc
thay đổi yêu cầu đó của họ không vượt quá yêu cầu phản tố ban đầu.
4. “Khoản 3 Điều 106, khoản 1 Điều 495 quy định về trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ
theo yêu cầu của Tòa án. Mặc dù vậy, hiện nay không có quy định về xử phạt vi
phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ
trong vụ án dân sự trong khi đó lý do tạm đình chỉ do chờ cơ quan, tổ chức, cá
nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng
kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án dân sự hiện nay.”
Về vấn đề này, Tòa án
nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:
- Hiện nay, điểm
a khoản 1 Điều 18 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã quy định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với
hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ như sau: “Phạt cảnh cáo
hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi
sau đây: Không thực hiện yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát về việc cung cấp tài
liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ.”
5. “Theo
quy định tại Điều
210 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tại phiên
họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, đương sự
có quyền đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố
tụng trong vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án nêu Tòa án thấy cần thiết
thì cũng có quyền đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng
trong vụ án. Vậy, sau khi Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận,
công khai chứng cứ và hòa giải, Tòa án mới đưa thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan tham gia tố tụng trong vụ án và người này có yêu cầu độc lập thì bị
đơn có được quyền đưa ra yêu cầu phản tố không. Về nguyên tắc, Tòa án đã mở
phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì bị
đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan có yêu cầu độc lập nên cần có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể vướng mắc
này.
- Về phiên họp kiểm
tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Thẩm phán chỉ tiến
hành mở phiên họp khi cho rằng các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ (tài liệu chứng
cứ do đương sự giao nộp, do Thẩm phán tiến hành thu thập theo quy định) đã đầy
đủ để làm sáng tỏ các tình tiết trong vụ án. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
không quy định phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng
cứ và hòa giải bao nhiêu lần và cũng không hạn chế số lần hòa giải. Tùy thuộc
vào tính chất phức tạp của vụ án Thẩm phán sẽ là người quyết định tổ chức phiên
họp, tuy nhiên chưa quy định cụ thể về quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn
hoặc quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa
ra trước thời điểm mở phiên họp lần đầu hay lần cuối nên thực tiễn có nhiều trường
hợp dẫn đến khiếu nại về việc trả lại đơn phản tố hoặc đơn yêu cầu độc lập khi
áp dụng quy định về nội dung tòa án vẫn mở phiên họp tiếp theo nhưng họ không
được quyền nộp đơn phản tố hoặc đơn yêu cầu độc lập. Mặc dù áp dụng trên tinh
thần quyền yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc quyền yêu cầu độc lập của người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra trước thời điểm mở phiên họp lần đầu
để giải quyết nhưng cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để thống nhất áp dụng
pháp luật.
- Về tạm đình chỉ,
đình chỉ giải quyết vụ án
Đối với trường hợp Tòa
án đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng
và kèm theo hậu quả không được quyền khởi kiện lại là không phù hợp, ảnh hưởng
đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Kiến nghị sửa đổi theo hướng đương sự được
quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục chung đối với trường hợp nêu trên.
- Về hoãn phiên tòa, tạm
ngừng phiên tòa
Về tạm ngừng phiên
tòa: Trường hợp tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu theo
điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự và phát sinh
thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn yêu cầu độc lập. Thực tiễn có quan điểm vụ
án đã được công khai chứng cứ, hòa giải và đã đưa ra xét xử nên Tòa án vẫn tiến
hành xét xử mà không phải công khai chứng cứ, hòa giải lại và quan điểm khác đa
số thực hiện tại thời điểm này người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới biết
được quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ án, để đảm bảo quyền lợi của đương sự
Tòa án phải tiến hành thụ lý đơn yêu cầu độc lập và tiến hành công khai chứng cứ
và hòa giải lại. Do đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn thống nhất trong áp dụng. Theo
quy định tại Điều 219 Bộ luật tố tụng Dân sự, thẩm quyền ra
quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết
vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
- Trước khi mở phiên
tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định
tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân
sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
- Tại phiên tòa, Hội đồng
xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết
định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân
sự. Tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 hướng dẫn: “Vậy đến
ngày mở phiên tòa đã được coi là “tại phiên tòa” hay chưa? Mục
2 Chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Theo quy định tại Mục này thì phiên tòa bắt đầu bằng thủ tục “Khai mạc phiên
tòa” (Điều 239). Do đó, đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập)
nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là
“tại phiên tòa”. Nếu nguyên đơn nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện trước khi
khai mạc phiên tòa thì Thẩm phán vẫn có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc
giải quyết vụ án chứ không phải là Hội đồng xét xử”. Tuy nhiên, trường hợp
nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời gian tạm ngừng phiên tòa hoặc rút đơn
khởi kiện trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án sau khi tạm ngừng phiên
tòa thì thẩm quyền đình chỉ giải quyết vụ án của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
hay của Hội đồng xét xử. Nếu áp dụng như trên thì phải mở phiên tòa Hội đồng
xét xử làm việc mới ban hành quyết định đình chỉ hay chỉ cần Thẩm phán thay mặt
Hội đồng xét xử ban hành quyết định đình chỉ.
Quy định thời hạn tạm
ngừng phiên tòa tại khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự
là không quá 01 tháng, hết thời hạn này nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn
thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa. Khi hết thời hạn tạm ngừng
phiên tòa mà lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử
ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp nếu Thẩm phán dự kiến
việc thu thập chứng cứ sẽ được thực hiện trong 01 tháng thì sẽ ấn định thời
gian tiếp tục phiên tòa nhưng chưa thể thu thập được thì vẫn mở phiên tòa và Hội
đồng xét xử làm việc và ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp
không ấn định ngày tiếp tục phiên tòa thì Hội đồng xét xử chưa làm việc vậy sẽ
ban hành thế nào. Do điều luật quy định thẩm quyền tạm đình chỉ vụ án thuộc về
Hội đồng xét xử nên lúng túng trong việc ban hành: Hội đồng xét xử phải tiếp tục
tiến hành phiên tòa, trên cơ sở kết quả thảo luận tại phiên tòa mới quyết định
việc tạm đình chỉ vụ án hay không cần thiết phải mở lại phiên tòa. Thẩm phán được
phân công chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ban hành quyết định tạm
đình chỉ vụ án.
- Khoản
1 Điều 232, khoản 1 Điều 296, khoản 1 Điều 367 quy định Kiểm sát viên được
phân công tham gia phiên tòa, phiên họp nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến
hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm. Quy định này
chưa phù hợp vì việc kiểm sát và phân công Kiểm sát viên được thực hiện khi Tòa
án gửi thông báo thụ lý vụ án và thời gian đưa vụ án ra xét xử cũng do Tòa án
chủ động... Đồng thời, việc quy định về trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt tại
phiên tòa mà Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường sẽ ảnh hưởng đến
vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Như vậy, cần
quy định nếu Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên tòa thì cần phải hoãn phiên tòa
như trường hợp vắng mặt thành viên của Hội đồng xét xử.
- Điều
72, Điều 200 quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến
của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với
nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” và “Bị
đơn có quyền yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp,
tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ”. Quy định trên xác định bị đơn có
quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan có yêu cầu độc lập. Trong khi đó, quy định tại Điều 72 Bộ
luật Tố tụng dân sự chỉ xác định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối
với nguyên đơn và đưa ra yêu cầu độc lập với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan. Như vậy, hai quy định nêu trên có sự mâu thuẫn và quy định chưa rõ ràng về
quyền yêu cầu của bị đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là
yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập, gây không ít khó khăn cho việc xác định và
áp dụng pháp luật. Vậy cần có văn bản hướng dẫn, quy định thống nhất là bị đơn
có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên
quan có yêu cầu độc lập.
- Khoản
3 Điều 106, khoản 1 Điều 495:... Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu,
chứng cứ của Tòa án mà không có “lý do chính đáng” thì có thể bị xử lý hành
chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định cụ thể “lý do
chính đáng” là trường hợp nào dẫn đến có thể áp dụng tùy nghi và Thẩm phán thiếu
cơ sở để xử lý hành vi nêu trên. Vậy cần quy định cụ thể “lý do chính đáng ” là
trường hợp nào. Quy định cụ thể các chế tài xử lý nếu vi phạm về trách nhiệm
cung cấp tài liệu chứng cứ”
Tòa án nhân dân tối cao
xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Đồng Nai và sẽ tiếp tục tổng hợp những khó
khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự để Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, hướng dẫn hoặc kịp thời kiến nghị Quốc hội
xem xét sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm khắc phục những hạn chế trong quá
trình thi hành Luật.
6. “Theo
quy định tại khoản
3 Điều 131 Luật Phá sản năm 2014 về điều khoản chuyển
tiếp, đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được thụ lý trước ngày Luật này có
hiệu lực mà chưa ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì áp
dụng quy định của luật này đề giải quyết. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục giải quyết
yêu cầu tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 có một số điểm cơ bản khác
với Luật Phá sản năm 2004 như: Quản tài viên,
doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thay thế cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản;
nội dung, trình tự và nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; tuyên bố doanh nghiệp, hợp
tác xã phá sản trước thanh lý tài sản còn lại trong khi Luật Phá sản năm 2004 lại
quy định thủ tục thanh lý tài sản trước khi tuyên bố phá sản... Vì vậy, việc tiếp
tục tiến hành thủ tục phá sản đối với các yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được thụ
lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà đã ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài
sản gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.
Theo Điều
106 Luật Phá sản năm 2014 về Quyết định tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ
không thành thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp
Hội nghị chủ nợ, Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80 của Luật
này. Tuy nhiên, đối với các vụ việc trên, thời gian tiến hành Hội nghị chủ nợ
đã lâu, từ trước khi ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản. Như vậy, có căn
cứ vào kết quả họp Hội nghị chủ nợ trước đây để ra quyết định phá sản được
không hay phải tiến hành lại Hội nghị chủ nợ? Tòa án tỉnh đã có văn bản TANDTC
sớm sửa đổi và hoàn thiện quy định của Luật Phá sản để đồng bộ và phù hợp với
pháp luật có liên quan và luật tố tụng, cần quy định rõ thẩm quyền của Thẩm
phán về ban hành các quyết định trong quá trình giải quyết khiếu nại; áp dụng
biện pháp chế tài khi thực hiện thủ tục phá sản... Cần quy định rõ chức năng của
Viện Kiểm sát; vai trò, quyền hạn của Kiểm sát viên khi tham gia thủ tục giải
quyết phá sản. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ giữa Luật Phá sản năm 2014 và Luật
Thi hành án dân sự năm 2014 về quyền yêu cầu định giá lại của chủ nợ, vì vậy để
không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án thì cần
sửa đổi, bổ sung quyền được yêu cầu định giá lại tài sản của chủ nợ. Cần bổ
sung thêm các quy định chi phí cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản và Quản tài
viên. Cần quy định đồng bộ vai trò trách nhiệm, quyền hạn của Chấp hành viên
làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong Luật Phá sản và Luật Thi hành
án Dân sự; trong đó kiến nghị sửa Luật thi hành án Dân sự cho phù hợp với Luật
Phá sản.”
Tòa án nhân dân tối cao
xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Đồng Nai và sẽ tiếp tục tổng hợp những khó
khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 để kịp
thời kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Phá sản năm 2014 nhằm khắc phục những
hạn chế trong quá trình thi hành luật.
7. “Sửa
đổi quy định tại Điều
31, 32 Luật Tố tụng hành chính theo hướng giao vụ án
hành chính mà người bị kiện là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện về cho Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử sơ thẩm như Luật Tố tụng hành
chính 2011, hoặc chỉ giao Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm một số
lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.
Sửa đổi khoản
2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính quy định cụ thể hơn về thẩm quyền của Hội
đồng xét xử khi tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người
khởi kiện, cũng như tiêu chí để xác định các Quyết định hành chính có liên quan
khi xét xử vụ án hành chính.
Sửa đổi khoản
3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính theo hướng mở rộng phạm vi người được ủy
quyền, như Chủ tịch có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Thủ trưởng, Phó Thủ
trưởng cơ quan chuyên môn là thành viên của Ủy ban nhân dân tham gia tố tụng giải
quyết án hành chính.”
Tòa án nhân dân tối cao
xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Đồng Nai và sẽ tiếp tục tổng hợp những khó
khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính để Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, hướng dẫn hoặc kịp thời kiến nghị Quốc hội
xem xét sửa đổi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 nhằm khắc phục những hạn chế
trong quá trình thi hành luật.
Trên đây là trả lời của
Tòa án nhân dân tối cao đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai.
Trân trọng!
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Ban Dân nguyện;
- Đ/c Chánh án TANDTC (để b/c);
- Cổng Thông tin điện tử TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH-P1, 2, 4.
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Văn Tiến
|