BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 142/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ
An trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 01 năm 2025
|
Kính gửi: Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày
06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có
một số kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến
lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri kiến nghị xem xét sửa đổi, ban hành bảng
lương chi tiết riêng của ngành y tế và chế độ thu hút để khuyến khích cán bộ y
tế về làm việc tại tuyến cơ sở, hệ dự phòng; điều chỉnh xếp lương chức danh bác
sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối
với tất cả các hạng chức danh do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so
các ngành nghề khác.
1.1. Về kiến nghị xem xét sửa đổi, ban hành bảng
lương chi tiết riêng của ngành y tế và điều chỉnh xếp lương chức danh bác sĩ,
bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách
tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người
lao động trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về cải
cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công và Bộ Nội vụ
đề xuất các chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ khi tuyển dụng được
xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh[1].
Khi xây dựng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, Bộ Y
tế đã có Công văn số 1731/BYT-TCCB ngày 05/4/2024 gửi Bộ Nội vụ đề xuất: (1) Bổ
sung thêm đối tượng bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng
II), dược sĩ chính (hạng II) vào Nhóm 3; (2) Bổ sung thêm đối tượng bác sĩ (hạng
III), bác sĩ y học dự phòng (hạng III), dược sĩ (hạng III) vào Nhóm 5 (cụ thể
Nhóm 3 là nhóm mới bổ sung ở giữa A2 và A3, Nhóm 5 là nhóm mới bổ sung ở giữa
A1 và A2 áp dụng đối với một số chức danh mới thuộc ngành giáo dục và đào tạo
có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Luật giáo dục năm
2019). Do các đối tượng này có thời gian đào tạo dài, điểm đầu vào thường cao
hơn so với các ngành khác và thực tập chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian học
với cường độ cao, tiếp xúc nhiều với nguồn lây bệnh, môi trường độc hại, nguy
hiểm. Yêu cầu khối lượng học tập bằng tín chỉ của bác sĩ, bác sĩ y học dự
phòng, dược sĩ đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 7; yêu cầu khối lượng học tập
bằng tín chỉ của bác sĩ chính, bác sĩ y học dự phòng chính, dược sĩ chính đáp ứng
chuẩn đầu ra tương đương bậc 8 theo quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày
18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam,
tuy nhiên, nội dung này chưa được xem xét.
Thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ
Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội,
trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, Bộ Y tế sẽ tiếp
tục đề xuất nội dung này sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ, Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước và Bộ Nội vụ.
1.2. Về chế độ thu hút để khuyến khích cán bộ y tế
về làm việc tại y tế tuyến cơ sở, hệ dự phòng
Ngoài chế độ tiền lương giống như các cán bộ, viên
chức các ngành khác đang hưởng lương theo hệ thống thang bảng lương ban hành tại
Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương
đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các văn bản hướng
dẫn, sửa đổi, bổ sung; cán bộ, viên chức ngành y tế nói chung được hưởng một số
các chế độ gồm: Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, chế độ phụ cấp đặc thù (chế độ
phụ cấp thường trực 24/24 giờ; chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ phụ cấp phẫu
thuật, thủ thuật), chế độ phụ cấp ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ phụ cấp đặc thù đối với một
số bệnh viện cán bộ, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản.
Để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc tại tuyến
cơ sở, hệ dự phòng, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số
05/2023/NĐ-CP ngày 15/10/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày
04/7/2011 của Chính phủ: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 100% đối với viên chức y
tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Hiện nay, để tiếp tục hoàn thiện các chế độ chính
sách góp phần thu hút để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc tại y tế tuyến cơ
sở, hệ dự phòng Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung các văn bản sau: (1) Nghị định về
phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của
Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức
công tác tại các cơ sở y tế công lập; (2) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định
số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ
phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y
tế công lập và chế độ phụ cấp phòng chống dịch; (3) Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản thay thế
Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Cử tri kiến nghị xem xét, rà soát sửa đổi một
số nội dung còn bất cập tại Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023; Quyết định
số 4750/QĐ ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế về việc quy định chuẩn và định dạng dữ
liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa
bệnh và giải quyết các chế độ liên quan; hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh giấy
phép khi thay đổi quy mô giường bệnh từ 10% trở lên hoặc trường hợp điều chỉnh quy
mô giường bệnh dưới 10% nhưng số giường điều chỉnh vượt quá 30 giường bệnh.
Việc thực hiện điều chỉnh giấy phép hoạt động khi
thay đổi quy mô giường bệnh được quy định tại Điều 67
(trong giai đoạn từ 1/1/2027) và Điều 145 (trong giai đoạn
từ 1/1/2024 đến trước ngày 1/1/2027), Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày
30/12/2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của luật khám bệnh,
chữa bệnh:
- Đối với việc điều chỉnh quy mô giường bệnh dưới
10% tổng số quy mô giường bệnh đã được ghi trong giấy phép hoạt động nhưng số
giường điều chỉnh không được vượt quá 30 giường bệnh được thực hiện theo quy định
tại khoản 3, Điều 67 và khoản 3, Điều 145, Nghị định số
96/2023/NĐ-CP.
- Đối với việc điều chỉnh quy mô giường bệnh từ 10%
trở lên hoặc trường hợp điều chỉnh quy mô giường bệnh dưới 10% nhưng số giường điều
chỉnh vượt quá 30 giường bệnh được thực hiện theo quy định tại khoản
1, khoản 2 Điều 67 (trong giai đoạn từ 1/1/2027 và khoản 1, khoản
2 Điều 145 (trong giai đoạn từ 1/1/2024 đến trước ngày 1/1/2027), Nghị định
số 96/2023/NĐ-CP .
Theo đó Bộ Y tế thực hiện điều chỉnh giấy phép hoạt
động đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Bệnh viện tư nhân, Cơ quan
chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Y tế) thực hiện điều chỉnh
giấy phép hoạt động đối với các bệnh viện trên địa bàn quản lý (trừ các trường
hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng). Hồ sơ điều chỉnh
thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 64, Nghị định số
96/2023/NĐ-CP; Thủ tục trình tự thực hiện thực hiện theo quy định tại Điều 66, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.
3. Cử tri cho rằng tăng mức lương cơ sở áp dụng
từ 1/7/2024 từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của
Chính phủ đã góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng làm cho mức đóng bảo hiểm y tế tăng cao so với trước
ngày 1/7 (từ 972.000 đồng/năm lên 1.263.600 đồng/năm). Kiến nghị hạ mức đóng bảo
hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, cũng như đảm bảo tất cả
các đối tượng đều có khả năng tiếp cận chính sách an sinh xã hội này.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và
Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức tiền lương hoặc lương
hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở dựa
trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của
nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm
y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP
ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi
hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng
bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người
sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm,
ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình[2].
Tại điểm e, khoản 1, Điều 7, Nghị định
số 146/2018/NĐ-CP và khoản 11, Điều 1, Luật số 51/2024/QH15
sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế cũng đã quy
định mức đóng bảo hiểm y tế đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia
đình như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ
hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
(3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Nghị
định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương
và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo
hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo
hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[3].
Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng
tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp
so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ
Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà
nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh Nghệ An liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: BH, KCB, TCCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
[1]
Báo cáo số 1076/BC-BYT ngày 20/9/2019 về đề xuất bảng lương theo vị trí việc
làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức
viên chức ngành y tế; Báo cáo số 350/BC-BYT ngày 13/3/2023 về kết quả và kế hoạch
thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số
27-NQ/TW.
[2]
a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo
đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
b) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối
với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định này
[3]
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách
của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao
hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định
này;
b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả
chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi
đi khám bệnh, chữa bệnh.