Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 10099/BTP-PLHSHC Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Hà Hùng Cường
Ngày ban hành: 19/12/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10099/BTP-PLHSHC
V/v thực hiện Quyết định 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Để triển khai thi hành Luật, ngày 05/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

1. Do thời gian từ nay đến khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực không còn nhiều, trong khi khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn, phải đồng bộ; mặt khác, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau khi được ban hành sẽ có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Để việc xây dựng, ban hành các nghị định này kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, Bộ Tư pháp đã họp với Văn phòng Chính phủ và thống nhất về việc triển khai một số hoạt động đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, thẩm định các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

- Bộ Tư pháp xây dựng, gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghị định mẫu về xử phạt vi phạm hành chính để thống nhất về hình thức, bố cục và một số nội dung cơ bản của các nghị định, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (kèm theo Công văn này).

- Thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo hoặc lãnh đạo cấp Vụ của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; tham gia ý kiến đối với các dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính; kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị các phương án, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng các nghị định. Sau khi xem xét, có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để theo dõi.

- Thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định tất cả các dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật với sự tham gia của đại diện lãnh đạo hoặc lãnh đạo cấp Vụ một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, một số chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm chất lượng của các dự thảo nghị định, đặc biệt là tính đồng bộ, khả thi, tính hợp lý của các quy định trong văn bản.

2. Trên cơ sở một số hoạt động đặc thù nêu trên, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ:

- Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, kịp trình Chính phủ đúng thời hạn, bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật.

- Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng nghị định được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Đặc biệt, cần lưu ý đến việc đăng dự thảo trên Trang thông tin điện tử; lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đánh giá tác động đối với một số quy định xử phạt có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, để góp phần bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi của văn bản.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng nghị định; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị với Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng nghị định, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định.

- Gửi các dự thảo nghị định đến Bộ Tư pháp để Tổ công tác liên ngành tham gia ý kiến và thẩm định theo đúng thời hạn quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng (để báo cáo);
- Phó TTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Thứ trưởng Hoàng Thế Liên (để biết);
- Vụ Pháp luật, VPCP (để phối hợp);
- Vụ các VĐCVXDPL (để tổng hợp);
- Lưu: VT, Vụ PLHSHC(2b).

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

VỀ CÁCH THỨC XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

I. PHẦN CĂN CỨ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Ngoài căn cứ chung Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; cần thể hiện đầy đủ các luật, pháp lệnh quy định trực tiếp về lĩnh vực/hoạt động có nội dung liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định)

II. VỀ CƠ CẤU, BỐ CỤC CHUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH VÀ SỐ LƯỢNG CÁC CHƯƠNG

1. Các nghị định quy định xử phạt trong một lĩnh vực

Về cơ bản, các nghị định quy định xử phạt trong một lĩnh vực (lĩnh vực hàng không dân dụng, an toàn thực phẩm...) nên gồm 4 chương theo bố cục như sau: Chương I quy định những vấn đề chung; Chương II quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III quy định về thẩm quyền xử phạt và Chương IV quy định về Điều khoản thi hành.

2. Các nghị định quy định xử phạt trong nhiều lĩnh vực

Đối với các nghị định quy định xử phạt trong nhiều lĩnh vực/hoạt động, số lượng chương có thể nhiều hơn 4 chương, tùy theo số lượng lĩnh vực quản lý nhà nước. Về bố cục, có thể theo hai cách:

2.1. Cách thứ nhất

Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của từng lĩnh vực sẽ được quy định thành các chương khác nhau. Thẩm quyền xử phạt được quy định thành một chương, trong đó thẩm quyền xử phạt đối với từng lĩnh vực sẽ được chia thành các mục trong chương quy định về thẩm quyền, cụ thể là:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực 1

- Chương III: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực 2

(Số lượng chương từ Chương II tùy thuộc vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của nghị định)

- Chương IV: Thẩm quyền xử phạt

Mục 1: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực 1

Mục 2: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực 2

(Cũng có thể lựa chọn cách thức quy định không chia mục - xem thêm Mục III.3.1)

- Chương V: Điều khoản thi hành

2.2. Cách thứ hai

Sau Chương I về Những quy định chung, sẽ có các chương quy định xử phạt trong từng lĩnh vực (bao gồm cả hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền), và kết thúc bằng chương Điều khoản thi hành, cụ thể là:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực 1

Mục 1: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực 1, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Mục 2: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực 1

- Chương III: Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực 2

Mục 1: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực 2, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Mục 2: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực 2

- Chương IV: Điều khoản thi hành

Tuy nhiên, nếu có nhiều nhóm hành vi bị xử phạt trong từng lĩnh vực, cần chia các hành vi vi phạm thành nhiều mục, có thể bố cục Chương II, Chương III… theo cách thức sau:

- Chương II: Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực 1

Mục 1: Hành vi vi phạm hành chính về...., hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Mục 2: Hành vi vi phạm hành chính về...., hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Mục 3: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực 1

- Chương III: Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực 2

Mục 1: Hành vi vi phạm hành chính về...., hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Mục 2: Hành vi vi phạm hành chính về...., hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Mục 3: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực 2

3. Bố cục cụ thể của các chương

3.1. Chương những quy định chung:

Chương này gồm điều quy định về phạm vi điều chỉnh. Các điều sau đây có thể có hoặc không tùy theo tính chất đặc thù của nghị định và cách thức quy định hành vi tại chương/các chương tiếp theo, gồm:

- Đối tượng áp dụng;

- Giải thích từ ngữ;

- Thời hiệu xử phạt;

- Tình tiết giảm nhẹ và các biện pháp khắc phục hậu quả;

- Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức.

(Xem thêm Mục III.1 dưới đây).

3.2. Chương quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Như đã đề cập ở trên, tùy theo từng nội dung của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực/hoạt động quản lý nhà nước, nội dung quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả có thể chia thành các chương mà không nhất thiết chỉ quy định trong Chương II theo cách thức đã nêu tại mục II.2. Ví dụ:

Theo cách thứ nhất:

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có thể chia thành hai chương, trong đó Chương II quy định hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, Chương III quy định hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường sắt.

Theo cách thứ hai:

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có thể chia thành hai chương, trong đó Chương II quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ (bao gồm cả thẩm quyền), Chương III quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường sắt (bao gồm cả thẩm quyền).

Về bố cục trong chương quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả:

Có thể quy định các điều theo thứ tự (không chia thành mục) hoặc chia thành các mục để quy định các loại, nhóm hành vi theo trật tự sắp xếp hợp lý, lô gic, dễ hiểu, dễ theo dõi, áp dụng.

Ví dụ 1: Nghị định xử phạt về một lĩnh vực/hoạt động chỉ quy định hành vi vi phạm, mức phạt... trong một chương, có chia thành các mục.

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO TRỢ, CỨU TRỢ XÃ HỘI

Mục 2. VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ CHĂM SÓC, BẢO VỆ TRẺ EM

Ví dụ 2: Nghị định xử phạt về một lĩnh vực/hoạt động chỉ quy định hành vi vi phạm, mức phạt... trong một chương, không chia thành các mục

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều... Vi phạm các quy định về tàu bay

Điều... Vi phạm quy định về cảng hàng không, sân bay

Ví dụ 3: Nghị định xử phạt về nhiều lĩnh vực/hoạt động quy định hành vi vi phạm, mức phạt... trong hai hoặc nhiều chương, trong các chương được chia thành nhiều mục

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều ... Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

Mục 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Chương 3.

VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1

Mục 2

- Bố cục tương tự Chương II.

3.3. Chương quy định về thẩm quyền xử phạt

i) Đối với Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một lĩnh vực, quy định về thẩm quyền thông thường được quy định trong một chương, kế tiếp theo Chương II quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

ii) Như đã nêu ở trên, đối với nghị định quy định xử phạt trong nhiều lĩnh vực, nội dung về thẩm quyền có thể lựa chọn theo cách quy định trong một Chương về thẩm quyền (cách thứ nhất) hoặc quy định trong Chương về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực (cách thứ hai).

Trong trường hợp theo cách thứ nhất, có thể quy định Chương về thẩm quyền xử phạt như sau:

2.1. Trong trường hợp mức phạt tối đa khác nhau, các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng lĩnh vực khác nhau, có thể chia thành các mục quy định thẩm quyền của từng lĩnh vực

Ví dụ: Nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa có mức phạt tối đa khác nhau (giao thông hàng hải 100 triệu đồng, giao thông đường thủy nội địa 75 triệu đồng), thẩm quyền xử phạt cũng có sự khác nhau, do đó, thể chia thành hai mục: Mục 1 quy định thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông hàng hải, Mục 2 quy định thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

2.2. Trong trường hợp mức phạt tối đa của các lĩnh vực trong cùng nghị định có cùng một mức phạt tối đa, các chức danh có thẩm quyền xử phạt giống nhau, có thể quy định chung về thẩm quyền của các chức danh

Ví dụ: Nghị định xử phạt về bảo trợ, cứu trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Mức phạt tối đa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 là 50 triệu đồng, thẩm quyền xử phạt là thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan có thẩm quyền chung (Ủy ban nhân dân). Chương quy định thẩm quyền xử phạt của Nghị định này không cần chia thành các mục, mà chỉ có các điều quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, của Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

2.3. Trong trường hợp mức phạt tối đa khác nhau, nhưng các chức danh có thẩm quyền xử phạt về cơ bản là giống nhau, có thể không cần chia mục mà quy định rõ trong từng điều thẩm quyền đối với các lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ: Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có thể quy định thẩm quyền theo cách thức sau:

Điều... Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 400.000 đồng đối với các hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đến 500.000 đồng đối với các hành vi trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

2. Trạm trưởng, đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với các hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đến 1.500.000 đồng đối với các hành vi trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

5. Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.., có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 8.000.000 đồng đối với các hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

3.4. Chương quy định về điều khoản thi hành

Chương này thường gồm 2 điều về điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện, cũng có thể có thêm các điều khác nếu cần.

III. VỀ NỘI DUNG CÁC CHƯƠNG

1. Chương những quy định chung

Chương này gồm các điều sau đây:

Điều ... Phạm vi điều chỉnh

1. Nội dung Điều này quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định (các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực/về...

2. Điều này cần liệt kê cụ thể các loại hành vi vi phạm hành chính được xác định thuộc lĩnh vực/hoạt động mà Nghị định quy định.

3. Cần xác định việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính của các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các Iĩnh vực/hoạt động quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Ví dụ 1: Tham khảo cách quy định của Điều 1 Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Khoản 6 Nghị định này quy định: “Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.”

Ví dụ 2: Nghị định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi có thể quy định tại Điều 1: “Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm về lao động trẻ em, lao động là người cao tuổi, lao động là người khuyết tật được thực hiện theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động”.

Điều ... Đối tượng áp dụng

* Nếu không có đối tương đặc thù thì không cần có một điều quy định về đối tượng áp dụng.

* Trường hợp đối tượng áp dụng là đối tượng đặc thù, có thể quy định riêng thành một điều, hoặc có thể quy định gộp nội dung này vào Điều 1 thành: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng”.

- Về nội dung: Cần nêu rõ đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính trực tiếp liên quan đến lĩnh vực/hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, có quy định loại trừ việc áp dụng (nếu cần thiết).

Ví dụ: Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chỉ áp dụng đối với đối tượng là người nước ngoài.

Điều... Giải thích từ ngữ (nếu có - liên quan trực tiếp đến nội dung văn bản)

Điều này có thể quy định nếu nội dung Nghị định có thuật ngữ sử dụng nhiều lần trong văn bản, có nội dung chuyên ngành sâu hoặc có thể hiểu khác nhau về ngữ nghĩa.

Điều... Thời hiệu xử phạt

Nếu trong nghị định có sự đan xen giữa các lĩnh vực hoặc các nhóm hành vi mà thời hiệu xử phạt khác nhau, cần phải quy định rõ thời hiệu xử phạt thì Nghị định sẽ có điều về thời hiệu xử phạt để quy định về nội dung này.

Ví dụ: trường hợp thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động nói chung là một năm nhưng vi phạm về quản lý lao động ngoài nước là hai năm (theo quy định tại đoạn 2 điểm a khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính) thì Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cần phải có điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nói chung là một năm nhưng các hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường thì thời hiệu xử phạt là hai năm.

Điều... Tình tiết giảm nhẹ và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Trong trường hợp Nghị định không quy định thêm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 8 Điều 9 của Luật thì không cần nội dung này.

2. Trong trường hợp Nghị định quy định các biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm k khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cần liệt kê đầy đủ tại Điều này. Nếu không có biện pháp khắc phục hậu quả đặc thù thì không cần điều này.

Điều... Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

1. Trong trường hợp Chương II chỉ quy định một mức phạt tiền, không nói rõ là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức thì Điều này cần quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II (hoặc các chương quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả) là mức phạt đối với cá nhân hay mức phạt đối với tổ chức. Nếu Chương II (hoặc các chương quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả) là mức phạt đối với cá nhân thì quy định tại Điều này mức phạt đối với tổ chức gấp đôi; nếu quy định đối với tổ chức thì Điều này quy định mức phạt đối với cá nhân bằng ½

Ví dụ:

Chương I quy định rõ: “Mức phạt tiền quy định tại Chương II (Chương III, Chương IV...) của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân” hoăc “Mức phạt tiền quy định tại Chương II (Chương III, Chương IV...) của Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Trong trường hợp này, Chương II (và các chương khác quy định về hành vi vi phạm) chỉ quy định hành vi, không quy định rõ đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức

2. Trong trường hợp Chương II quy định có hành vi chỉ cá nhân vi phạm, có hành vi chỉ tổ chức vi phạm, có hành vi cả cá nhân và tổ chức đều có thể vi phạm, cần quy định rõ mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức trong các điều của Chương II thì Nghị định không cần Điều này.

Ví dụ: Nếu Chương II quy định rõ mức phạt như sau thì không cần quy định Điều này tại Chương I:

i) Quy định rõ mức phạt đối với cá nhân như sau:

Điều… Hành vi vi phạm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường

b) Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt;

ii) Quy định rõ mức phạt đối với tổ chức như sau:

Điều... Vi phạm quy định về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới

1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với Trung tâm đăng kiểm vi phạm một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không có đủ điều kiện theo quy định;

Điều... Vi phạm về chi trả trợ cấp xã hội

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp khi vi phạm một trong những hành vi sau đây:

a) Chi trả trợ cấp không đúng thời hạn.

iii) Quy định cả mức phạt đối với cá nhân và tổ chức như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, phạt tiền từ 2.000.000 đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sau: ...

2. Chương hoặc các chương quy định về hành vi vi phạm hành chính,

2.1. Cách thức quy định nội dung

- Các điều trong Chương II (hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả) được thiết kế thành khoản, điểm.

- Các hành vi vi phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm thấp xếp trước và cao dần về sau.

- Quy định về các hình thức xử phạt chính quy định trước, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định sau.

2.2. Cách thức quy định hình thức phạt tiền

- Quy định hình thức xử phạt tiền thường quy định theo khung, có mức tối thiểu và mức tối đa để người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng trong các trường hợp vi phạm cụ thể.

- Việc quy định về hình thức phạt tiền trong Chương này có thể thể hiện theo hai cách:

Cách thứ nhất: Quy định một mức phạt chung không nói rõ áp dụng với cá nhân hay tổ chức (Như đã nêu trên - Chương I cần có một điều quy định mức phạt tại Chương II là áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức, mức phạt đối với tổ chức, cá nhân sẽ được áp dụng theo mức gấp đôi hay bằng ½).

Cách thứ hai: Quy định mức phạt áp dụng đối với các đối tượng trong từng điều cụ thể: đối với các hành vi chỉ có cá nhân vi phạm, có hành vi chỉ có tổ chức vi phạm, tại các đỉều sẽ thể hiện rõ là mức phạt đối với cá nhân là từ... đến... hoặc mức phạt đối với tổ chức là từ... đến.... (xem thêm ví dụ tại phần nội dung Chương I)

Ví dụ:

Điều...

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau:

Điều...

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi sau:

Điều...

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức có một trong những hành vi vi phạm sau:

3. Chương quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Nội dung Chương này phải quy định rõ ràng, cụ thể:

- Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực/hoạt động mà Nghị định quy định.

- Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

- Việc xác định thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối phải được quy định cụ thể trên cơ sở tỷ lệ phần trăm mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực đó được quy định cụ thể tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và số tỷ lệ phần trăm mà chức danh đó có thẩm quyền xử phạt.

- Nếu có sự phân định thẩm quyền xử phạt của các chức danh đối với các hành vi, nghị định có thể có một điều về phân định thẩm quyền xử phạt. Việc phân định thẩm quyền giữa các chức danh có thẩm quyền xử phạt (nếu có) cần thể hiện rõ chức danh nào được xử phạt những hành vi nào.

Ví dụ: Nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định cụ thể những điều khoản điểm thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát giao thông, của lực lượng thanh tra giao thông tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Đối với những nghị định mà phạm vi điều chỉnh bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động do nhiều lực lượng, chức danh khác nhau có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì có thể sắp xếp quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực/hoạt động đó tương ứng với từng chương về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt hoặc có thể chia mục để quy định sao cho phù hợp như đã nêu tại phần Bố cục.

4. Chương quy định về điều khoản thi hành

Điều … Hiệu lực thi hành

- Quy định cụ thể thời điểm Nghị định có hiệu lực.

- Quy định điều khoản chuyển tiếp (nếu cần thiết) hoặc tuyên bố bãi bỏ, thay thế điều khoản, một phần hay toàn bộ nghị định quy định hoặc liên quan ban hành trước đây.

Điều... Trách nhiệm thi hành

Lưu ý: Các cơ quan có thể tham khảo các mẫu cơ bản (Mẫu 1, Mẫu 2, Mẫu 3 kèm theo Tài liệu hướng dẫn. Đối với các Nghị định có nội dung phức tạp, đề nghị nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn tại TÀI LIỆU THAM KHẢO này để có bố cục phù hợp).

 

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:        /201…/NĐ-CP

Hà Nội, ngày    tháng    năm 2013

Mẫu 1 (Tham khảo)

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ….

(Mẫu này áp dụng cho NĐ quy định XPVPHC trong một lĩnh vực)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật … (nêu các luật, pháp lệnh quy định trực tiếp về lĩnh vực/hoạt động có nội dung liên quan đến các hành vi VPHC trong Nghị định)

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ ...

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực/về...

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

(Tùy nội dung, bố cục chương này có thể thiết kế theo Điều hoặc theo Mục nêu tại Mẫu 3)

Chương 3.

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều ... Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của ...

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều ... Hiệu lực thi hành

Điều ... Điều khoản chuyển tiếp

Điều ... Trách nhiệm thi hành

 

 

Nơi nhận:
….

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:        /201…/NĐ-CP

Hà Nội, ngày    tháng    năm 2013

Mẫu 2 (Tham khảo)

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ….

(Mẫu này áp dụng cho NĐ quy định XPVPHC trong một lĩnh vực nhưng thẩm quyền xử phạt giống nhau)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật … (nêu các luật, pháp lệnh quy định trực tiếp về lĩnh vực/hoạt động có nội dung liên quan đến các hành vi VPHC trong Nghị định)

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ ...

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực/về...

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC…

(Số lượng chương tùy thuộc vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của nghị định; Tùy nội dung, bố cục chương này có thể thiết kế theo Điều hoặc theo Mục nêu tại Mẫu 3)

Chương 3.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC …

Chương 4.

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều ... Hiệu lực thi hành

Điều ... Điều khoản chuyển tiếp

Điều ... Trách nhiệm thi hành

 

 

Nơi nhận:
….

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:        /201…/NĐ-CP

Hà Nội, ngày    tháng    năm 2013

Mẫu 3 (Tham khảo)

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ….

(Mẫu này áp dụng cho NĐ quy định XPVPHC trong nhiều lĩnh vực nhưng thẩm quyền xử phạt khác nhau)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật … (nêu các luật, pháp lệnh quy định trực tiếp về lĩnh vực/hoạt động có nội dung liên quan đến các hành vi VPHC trong Nghị định)

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ ...

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực/về...

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương 2.

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC…

(Số lượng chương tùy thuộc vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của nghị định)

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ ...

(Nội dung, bố cục chương này có thể thiết kế theo Mục hoặc thiết kế theo Điều)

Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ...

Mục 3. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Chương 3.

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC…

(Số lượng chương tùy thuộc vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của nghị định)

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ ...

Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ ...

Mục 3. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều ... Hiệu lực thi hành

Điều ... Điều khoản chuyển tiếp

Điều ... Trách nhiệm thi hành

 

 

Nơi nhận:
….

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 10099/BTP-PLHSHC ngày 19/12/2012 thực hiện Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính tại Quyết định 1473/QĐ-TTg do Bộ Tư pháp ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.844

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.156.200
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!