Kính
gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu
phát triển bền vững người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y
tế (BHYT) hộ gia đình, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT theo Nghị quyết số
20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu và Nghị quyết số 28-NQ/TW
ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; BHXH
Việt Nam hướng dẫn tổ chức Hội nghị khách hàng phát triển người tham gia BHXH tự
nguyện, BHYT hộ gia đình giai đoạn 2022-2024 (sau đây gọi tắt là hội nghị) với
nội dung sau:
I. Mục đích,
yêu cầu và hình thức hội nghị
1. Mục đích: Tổ
chức hội nghị nhằm phát triển và duy trì bền vững người tham gia BHXH tự nguyện,
BHYT hộ gia đình theo kế hoạch và nhiệm vụ đã được xác định hàng năm trên cơ sở
đối thoại, thăm dò, tiếp thu ý kiến, tư vấn giải đáp chính sách liên quan tới
Luật BHXH, BHYT để người dân có tiềm năng tham gia BHXH, BHYT.
2. Yêu cầu: Việc
tổ chức hội nghị phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm
của người đứng đầu cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện trong vận động phát triển bền
vững, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT tại địa phương.
3. Hình thức: Hội
nghị được tổ chức theo hai hình thức:
- Trực tiếp: Thực hiện tới địa
bàn cấp xã
- Trực tuyến (livestream): Thực
hiện ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
II. Nội
dung, quy trình tổ chức hội nghị
1. Lập kế
hoạch tổ chức hội nghị
Căn cứ kế hoạch tổ chức hội nghị
đã được BHXH Việt Nam giao hàng năm và kinh phí đã được phân bổ, hàng quý, BHXH
tỉnh/huyện cùng với Tổ chức dịch vụ (là Tổ chức được cơ quan BHXH thỏa thuận ký
hợp đồng ủy quyền làm đại lý thu BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật) và Ban
Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức hội
nghị trên cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT tiềm năng theo địa bàn cấp
xã và đặc điểm về địa hình, địa bàn, phong tục tập quán, thu nhập, phù hợp với
yêu cầu phòng chống dịch và hướng dẫn của BHXH Việt Nam, trong đó xác định rõ:
a) Số lượng, thành phần tham dự
hội nghị (thành phần gồm: đại diện cơ quan BHXH, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện
chính sách BHXH, BHYT cấp xã, đại diện Tổ chức dịch vụ, khách hàng tiềm năng là
những người chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, người tham gia đã
được thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đại biểu khách mời khác phù hợp điều kiện
từng địa bàn, tính chất, quy mô từng hội nghị); địa điểm, thời gian, hình thức
tổ chức hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) theo từng tuần, tháng đảm bảo linh
hoạt, phù hợp tránh chồng chéo, tiết kiệm, hiệu quả.
b) Nội dung hội nghị, chuẩn bị
các điều kiện vật chất, nắm bắt tình hình, diễn biến, công tác thông tin truyền
thông trước, trong, sau hội nghị, dự kiến các tình huống phát sinh trong quá
trình tổ chức hội nghị và phối hợp giải quyết.
c) Xây dựng kịch bản hội nghị,
trong đó: phân công rõ trách nhiệm nội dung, công việc của lãnh đạo, viên chức
cơ quan BHXH, nhân viên Tổ chức dịch vụ và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách
BHXH, BHYT cấp xã trong quá trình tổ chức hội nghị.
d) Hàng tháng gửi kế hoạch về
BHXH cấp trên để theo dõi, giám sát, chỉ đạo.
(Lưu ý: Mỗi hội
nghị chỉ phối hợp với duy nhất một Tổ chức dịch vụ).
2. Xây dựng
nội dung tổ chức hội nghị
2.1. Đối với hội nghị tổ
chức trực tiếp
2.1.1. Lập danh sách khách
hàng cần mời
- Cơ quan BHXH phối hợp với Tổ
chức dịch vụ rà soát, xác định đại biểu tham dự hội nghị.
- Tổ chức dịch vụ lập danh sách
khách hàng tiềm năng chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để nhân
viên, cộng tác viên của các Tổ chức dịch vụ thực hiện tiếp cận và mời tham gia
hội nghị.
Danh sách khách hàng tiềm năng
lập theo Phiếu thông tin khách hàng: Họ và tên, năm sinh, địa chỉ, điện thoại
di động (hoặc cố định), nghề nghiệp chính, thu nhập hàng tháng (nếu có); Thông
tin của viên chức cơ quan BHXH huyện và nhân viên Tổ chức dịch vụ (họ và tên, địa
chỉ, số điện thoại).
2.1.2. Giấy mời
- Tổ chức dịch vụ phân công cán
bộ, nhân viên viết Giấy mời, chuyển cơ quan BHXH để Lãnh đạo cơ quan BHXH ký
đóng dấu giấy mời hoặc chuyển Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp
xã, đề nghị Chủ tịch, hoặc phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã ký, đóng dấu
giấy mời.
- Gọi điện, nhắn tin hoặc trực
tiếp gặp gỡ khách hàng để cung cấp thông tin, tư vấn trước về chế độ, chính
sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (gửi tài liệu tuyên truyền) và xác định
việc tham dự hội nghị của khách hàng.
2.1.3. Công tác truyền thông
Cơ quan BHXH và Tổ chức dịch vụ
chuẩn bị:
- Treo băng rôn, standee tại
nơi tổ chức đảm bảo thu hút tầm nhìn, nội dung trọng tâm, dễ hiểu.
- Truyền thông trên loa, đài, tờ
rơi… tại nơi tổ chức hội nghị.
- Xây dựng tin, bài truyền
thông trọng tâm về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trước, trong và sau Hội nghị
trên Cổng Thông tin điện tử và kênh truyền thông mạng xã hội của đơn vị
2.1.4. Tài liệu hội nghị và
tương tác với khách hàng
Cơ quan BHXH chuẩn bị những tài
liệu sau:
- Tờ gấp “Những điều cần biết về
BHXH tự nguyện”, “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình” kèm theo Công văn số
10/TT-TTTT ngày 06/01/2022 của BHXH Việt Nam ấn hành, quy định về việc cập nhật
nội dung các tờ gấp tuyên truyền năm 2022 có điều chỉnh hỗ trợ mức đóng của
ngân sách địa phương cho người tham gia (nếu có) trước khi in và các tài liệu
khác do BHXH Việt Nam cung cấp.
- Slide trình chiếu tại hội nghị
nêu các lợi ích của người tham gia, các ví dụ về mức đóng, phương thức (kỳ
đóng), địa điểm đăng ký, đóng; mức lương hưu, các chế độ khác; ví dụ so sánh giữa
tổng mức đóng, với tổng mức hưởng, giữa BHXH tự nguyện với các loại hình bảo hiểm
thương mại, với gửi tiết kiệm…
- Bài giới thiệu, phát biểu của
đại diện cơ quan BHXH, đại diện UBND xã, nội dung truyền thông trên phương tiện
truyền thông theo địa bàn được cụ thể hóa bằng tiếng địa phương, tiếng dân tộc
(nếu có).
- Các video clip ngắn (3-5
phút) về triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, có nhân vật
thực tế (là những người đang hưởng các chế độ BHXH, người đang hưởng lương hưu
hàng tháng, người khám chữa bệnh BHYT được hưởng chi phí cao) chia sẻ về việc
được thụ hưởng chính sách”.
- Tài liệu tổng hợp, chi tiết
các nội dung, vấn đề khách hàng quan tâm; các câu hỏi khách hàng hay hỏi; tự
xây dựng bộ câu hỏi gợi ý/kích thích sự quan tâm của khách hàng.
2.1.5. Cơ sở vật chất
Cơ quan BHXH tỉnh/huyện, chủ
trì phối hợp với Tổ chức dịch vụ chuẩn bị:
- Hội trường tổ chức: Hội trường
của UBND xã/phường hoặc cơ quan, tổ chức đơn vị, hoặc tại khu dân cư được trang
bị đầy đủ phông màn, biểu ngữ.
- Máy tính, máy chiếu, màn chiếu,
loa đài, micro, nước uống.
- Bút viết và giấy, hoặc sổ ghi
chép.
- Maket: In logo biểu tượng của
cơ quan BHXH, tên hội nghị “Hội nghị khách hàng phát triển người tham gia BHXH
tự nguyện, BHYT hộ gia đình”.
2.1.6. Lựa chọn người thuyết
trình, xây dựng kịch bản và trang phục cho người thuyết trình
- Cơ quan BHXH chọn người thuyết
trình, chuẩn bị kịch bản, trang phục,…
- Kịch bản thuyết trình gồm những
nội dung cơ bản sau: lời dẫn dắt, sắp xếp nội dung cần tuyên truyền theo thứ tự
vấn đề cần nói trước, nói sau…; dự kiến phản hồi, giải quyết các tình huống, trả
lời những câu hỏi mà đại biểu có thể đặt ra để hội nghị diễn ra suôn sẻ, dẫn dắt
lôi cuốn khách hàng và nhận thấy được tại sao phải tham gia BHXH tự nguyện,
BHYT hộ gia đình; lợi ích, trách nhiệm đối với cá nhân, gia đình khi tham gia
BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
- Trang phục của người thuyết
trình lịch sự, gọn gàng (mặc đồng phục Ngành nếu có).
2.2. Đối với hình thức tổ
chức hội nghị trực tuyến (livestream).
2.2.1. Xác định chủ đề của
buổi livestream:
- Chủ đề về BHXH tự nguyện: Lợi
ích khi tham gia BHXH tự nguyện, gửi thông điệp ngắn gọn, chú trọng đưa hình ảnh
người đại diện chính quyền, người đã tham gia đang thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT.
- Chủ đề về BHYT hộ gia đình: Lợi
ích khi tham gia BHYT hộ gia đình, tương tự như BHXH tự nguyện, trong đó nêu một
số hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền
lớn…
2.2.2. Thời gian thực hiện
Xây dựng thời gian tổ chức
livestream phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT
hộ gia đình tiềm năng (có thể tham khảo khoảng thời gian từ 20h đến 21h30 hoặc
buổi trưa từ 11h đến 12h-12h30 vào một ngày trong tuần cố định để tạo ghi nhớ
cho khách hàng). Thời lượng thực hiện khoảng 60 phút tránh nhàm chán cho người
xem.
2.2.3. Thông báo với khách
hàng về lịch livestream
- Cơ quan BHXH phối hợp với Tổ
chức dịch vụ thông báo rộng rãi trên facebook, fanpage của BHXH tỉnh/huyện;
facebook, fanpage của Tổ chức dịch vụ về thời gian, chủ đề thực hiện buổi
livestream trước buổi livestream 05 ngày để thông báo về thời gian, chủ đề thực
hiện buổi livestream.
- Thiết lập đồng hồ đếm ngược
thời gian tổ chức livestream trên Fanpage của BHXH tỉnh/huyện.
- Khuyến khích viên chức cơ
quan BHXH, nhân viên Tổ chức dịch vụ đăng tải thông tin về buổi livestream trên
mạng xã hội, facebook, zalo cá nhân, chia sẻ trên các hội, nhóm để thông tin
lan tỏa đến nhiều người hơn nữa.
2.2.4. Tài liệu hội nghị
Chuẩn bị giống như tài liệu của
hội nghị trực tiếp, tài liệu chuẩn bị cần nhiều hình ảnh, sơ đồ, nhiều màu sắc
bắt mắt.
2.2.5. Cơ sở vật chất cho buổi
livestream.
Cơ sở vật chất cho buổi
livestream giống như chuẩn bị cho hội nghị trực tiếp nêu tại điểm 2.1.5 khoản
2.1 nêu trên, ngoài ra cần phải chuẩn bị, kiểm tra thêm về:
- Các thiết bị phát sóng: máy ảnh,
máy tính, mạng internet, giá đỡ, đèn led hỗ trợ, mic, thiết bị chuyên dụng
khác…lưu ý: cần bật chế độ HD trên ứng dụng khi phát livestream trực tiếp.
- Về bối cảnh quay: Vị trí đứng
của người thuyết trình, nơi quay phải đủ rộng. Góc máy phải chiếu được hết các
góc để tạo thiện cảm cho người xem.
- Về ánh sáng, âm thanh: Chọn
nơi đủ ánh sáng, thiết bị micro âm lượng tốt để tạo được giọng nói trầm ấm, gây
thiện cảm.
2.2.6. Lựa chọn người thuyết
trình, xây dựng kịch bản và trang phục cho người thuyết trình (chuẩn bị như tổ
chức hội nghị trực tiếp nêu tại điểm 2.1.6 khoản 2.1)
3. Triển
khai các nội dung trong hội nghị theo kịch bản đã xây dựng
3.1. Đối với hội nghị tổ
chức trực tiếp
a) Tiếp đón khách hàng (Tổ chức
dịch vụ thực hiện phân công cán bộ thực hiện):
- Chào hỏi khách hàng tới tham
dự hội nghị với thái độ niềm nở.
- Ghi, lập danh sách khách hàng
đến dự hội nghị theo giấy mời, phiếu đăng ký tham gia,…
- Phát tài liệu tuyên truyền đã
được chuẩn bị từ trước.
- Bố trí, sắp xếp chỗ ngồi.
- Trình chiếu video clip truyền
thông về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT (nếu có).
b) Thông tin, hướng dẫn về chính
sách BHXH, BHYT
- Tuyên bố bắt đầu chương trình
hội nghị gồm một số nội dung chủ yếu: Quan điểm, mục tiêu của Đảng, chính sách
phát luật của Nhà nước về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tình hình và kết quả
công tác tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn…)
- Giới thiệu về chế độ, chính
sách, mức đóng, mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, quyền
lợi hưởng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
- Cung cấp thông tin về thủ tục,
quy trình tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
c) Giới thiệu người đã tham gia
và đang thụ hưởng chế độ phát biểu tại hội nghị:
Người thuyết trình giới thiệu một
số nhân vật thực tế (tối đa 03 người/ hội nghị) đã tham gia và đóng BHXH tự
nguyện, BHYT hộ gia đình trước đó đã được hưởng chế độ hưu trí; hưởng chế độ
BHYT khi không may mắc bệnh lên hội nghị để phát biểu, nêu cảm nhận
d) Tư vấn, giải đáp
Cơ quan BHXH điều phối, sắp xếp
viên chức chuyên môn cơ quan BHXH, nhân viên Tổ chức dịch vụ trực tiếp tiếp
xúc, giải đáp thắc mắc của khách hàng. Tư vấn, đăng ký tham gia BHXH tự nguyện,
BHYT hộ gia đình
đ) Hướng dẫn lập thủ tục đăng
ký tham gia đối với người đồng ý tham gia
- Cán bộ BHXH, nhân viên Tổ chức
dịch vụ hướng dẫn người tham gia kê khai Tờ khai đăng ký tham gia BHXH, BHYT (Mẫu
TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam) đối với đối
tượng chưa có mã số BHXH. Trường hợp đối tượng đã có mã số BHXH thì đề nghị
cung cấp mã số BHXH hoặc tra cứu trên phần mềm quản lý; thực hiện thu tiền
đóng, viết biên lai thu tiền hoặc hướng dẫn người tham gia nộp tiền đóng vào
tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH, viết giấy hẹn ngày trả sổ BHXH, thẻ BHYT
theo quy định.
- Tổ chức phát sổ BHXH tự nguyện,
thẻ BHYT hộ gia đình cho những người đã đăng ký tham gia và đóng tiền tại hội
nghị để tạo sự lan tỏa.
e) Lấy thông tin của khách hàng
chưa tham gia để tiếp tục vận động tham gia và ký biên bản hội nghị
- Người thuyết trình cuối hội
nghị tiếp tục nhắc, thông báo thông tin số điện thoại của cán bộ cơ quan BHXH,
nhân viên Tổ chức dịch vụ để những người muốn tham gia nhưng chưa chuẩn bị kịp
hoặc còn băn khoăn để họ có thể trao đổi, hỏi thêm chính sách; đồng thời, lấy số
điện thoại, địa chỉ của những khách hàng có quan tâm nhưng chưa tham gia chuyển
cho Tổ chức dịch vụ để cử nhân viên tiếp tục tư vấn vận động tham gia BHXH tự
nguyện, BHYT hộ gia đình sau hội nghị.
- Kết thúc hội nghị, đại diện
cơ quan BHXH, nhân viên Tổ chức dịch vụ cùng thống nhất, ký xác nhận về số lượng
khách hàng thực tế tham dự hội nghị; số lượng, danh sách người tham gia BHXH tự
nguyện, BHYT hộ gia đình phát triển mới tại hội nghị; danh sách khách hàng tiềm
năng cần tiếp tục tuyên truyền tư vấn; để đánh giá kết quả, hiệu quả hội nghị
và thanh toán, quyết toán chi phí chi hội nghị theo quy định (Mẫu Biên bản kèm
theo).
3.2. Đối với hội nghị trực
tuyến (livestream)
Quy trình thực hiện
Người thuyết trình thực hiện:
(1) Tương tác với khách hàng
- Chào hỏi tạo thiện cảm: Hỏi
thăm sức khỏe, tương tác với khách hàng.
- Thông báo chủ đề nội dung
livestream, thông báo việc tặng các ấn phẩm tuyên truyền cuối chương trình để
thu hút và giữ chân khách hàng tham gia đến cuối chương trình.
- Kêu gọi tương tác: Để tăng số
lượng người xem buổi livestream, kêu gọi người xem like, (thích) share (chia sẻ)
trên trang cá nhân và các hội nhóm và tag (gắn) tên những người bạn vào xem
cùng.
(2) Giới thiệu về chủ đề
livestream: như hội nghị trực tiếp, ngoài ra cần bổ sung thêm một số nội dung
sau:
- Cử cán bộ trình chiếu video,
clip phỏng vấn các chuyên gia có uy tín trong và ngoài ngành về lĩnh vực BHXH,
BHYT; những người đã tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
- Trong quá trình livestream,
giữ tương tác 2 chiều với người xem bằng cách đặt câu hỏi liên tục và tự trả lời
hoặc yêu cầu người xem bình luận (comment).
(3) Kiểm tra bình luận: Tổ
chức dịch vụ thực hiện kiểm tra tin nhắn và bình luận của khách hàng để kịp thời
trả lời (xử lý) các vấn đề phát sinh trong quá trình livestream; trường hợp có
vướng mắc, phối hợp với cơ quan BHXH để giải quyết.
(4) Giải đáp thắc mắc của
khách hàng
Người thuyết trình trả lời những
câu hỏi đã chắc chắn, có sẵn chuẩn bị trong kịch bản. Những câu hỏi không chắc
chắn cần xử lý khéo léo theo quy trình nêu tại Công văn số 2649/BHXH-BT.
(5) Chốt danh sách khách
hàng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
- Người thuyết trình tiếp tục đọc
tên khách hàng đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình,
- Tổ chức dịch vụ ghi lại thông
tin của khách hàng đã đăng ký tham gia qua phần bình luận (comment) hoặc kiểm
tra hộp tin nhắn (inbox).
(6) Tổng kết hội nghị và ký
biên bản xác nhận:
Người thuyết trình tổng kết lại
nội dung chính của buổi livestream để mọi người tham gia đều nắm bắt được thông
tin về nội dung cần truyền tải. Cảm ơn và kêu gọi tương tác, giới thiệu buổi
livestream tiếp theo: Kêu gọi người xem nhắn tin hoặc để lại bình luận để tìm
hiểu kỹ hơn về chính sách BHXH, BHYT và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ
gia đình…
- Tổ chức dịch vụ kiểm tra tin
nhắn và bình luận của khách hàng để lập danh sách khách hàng đăng ký tham gia
BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
- Đối với khách hàng đồng ý
tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cán bộ BHXH hoặc nhân viên Tổ chức dịch
vụ đề nghị người tham gia chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu của cơ quan
BHXH; trường hợp khách hàng không có tài khoản ngân hàng thì nhân viên Tổ chức
dịch vụ trực tiếp gặp khách hàng tiến hành thu tiền đóng, lập danh sách cấp thẻ
BHYT, sổ BHXH theo quy định.
- Cơ quan BHXH và Tổ chức dịch
vụ thống nhất lập Biên bản tổng kết buổi livestream gồm: Số lượng người tham
gia, số lượt khách hàng nhắn tin (inbox) và số lượt bình luận (comment) tương
tác, số lượng người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng mới
làm cơ sở đánh giá hiệu quả buổi livestream.
4. Duy
trì liên hệ, vận động, thông báo đến người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia
đình đang tham gia
4.1. Cơ quan BHXH phối hợp Tổ
chức dịch vụ thông báo tới những người đang tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ
gia đình chuẩn bị đến hạn đóng tiền để duy trì số người tham gia BHXH tự nguyện,
BHYT bền vững theo đúng quy định và hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
- Đối với người tham gia BHXH tự
nguyện theo phương thức đóng hàng tháng, BHYT hộ gia đình: trong thời hạn từ 05
ngày trước đến 05 ngày sau ngày đến hạn đóng tiền;
- Đối với người tham gia BHXH tự
nguyện theo các phương thức đóng còn lại: trước ngày 20 của tháng cuối trước
khi đến hạn đóng tiền.
4.2. Tổ chức dịch vụ cần tiếp cận
người tham gia để vận động họ tiếp tục tham gia và đóng tiền.
III. Kinh
phí hội nghị và thanh quyết toán kinh phí hội nghị
1. Nguồn kinh phí: từ
chi phí quản lý BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được giao hàng năm.
2. Thanh quyết toán kinh
phí hội nghị
2.1. Đối với hội nghị trực tiếp:
Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 506/BHXH-TCKT ngày 21/02/2019 của BHXH
Việt Nam về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức hội nghị tuyên
truyền trực tiếp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; Công văn số
1077/BHXH-TCKT ngày 04/4/2019 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn bổ sung hồ sơ
thanh quyết toán kinh phí tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp để phát triển
người tham gia BHXH tự nguyện.
2.2. Đối với hội nghị trực tuyến:
Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4079/BHXH-TCKT ngày 14/12/2021 của
BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn thanh quyết toán chi phí tổ chức hội nghị tuyên
truyền trực tuyến.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Ban Quản lý Thu - Sổ,
Thẻ
- Xây dựng, giao chỉ
tiêu kế hoạch tổ chức hội nghị cho BHXH tỉnh, thành phố hàng năm và theo giai
đoạn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc việc tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.
- Hàng tháng theo dõi, tổng hợp,
đánh giá tình hình triển khai thực hiện.
- Giải quyết các vướng mắc phát
sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Trung tâm Công nghệ
thông tin
Căn cứ biểu mẫu báo cáo (mẫu số
01, mẫu số 02 kèm theo Công văn) nghiên cứu, bổ sung chức năng vào phần mền quản
lý liên thông, để hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện hội nghị, số người tham
gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình phát triển mới thông qua hội nghị được cập
nhật vào hệ thống quản lý.
3. Trung tâm truyền thông
- Phối hợp hướng dẫn BHXH tỉnh
tổ chức triển khai.
- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ
hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Tổ chức dịch vụ tổ chức các cuộc hội nghị trực tuyến
quy mô toàn quốc.
- Xây dựng, thiết kế Maket hội
nghị để BHXH tỉnh áp dụng.
- Sản xuất các sản phẩm truyền
thông cung cấp cho BHXH các tỉnh truyền thông tại hội nghị (tờ rơi, tờ gấp,
motion về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tờ gấp về mức đóng hưởng BHXH tự
nguyện, BHYT hộ gia đình…) đảm bảo phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, cập nhật những
thay đổi trong chính sách BHXH, BHYT có ảnh hưởng, tác động tới người tham gia.
4. Trung tâm Dịch vụ hỗ
trợ, chăm sóc khách hàng
- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản
lý Thu - Sổ, Thẻ, Trung tâm truyền thông, BHXH tỉnh, Tổ chức dịch vụ tổ chức
các cuộc hội nghị quy mô toàn quốc.
- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ hội
nghị; chịu trách nhiệm tính hợp lý, hợp pháp của hồ sơ, chứng từ đối với các hội
nghị do Trung tâm đứng ra chủ trì tổ chức.
- Tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc
của khách hàng, thực hiện hỗ trợ tư vấn, giải đáp các yêu cầu, vướng mắc của
khách hàng về chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
- Hỗ trợ khách hàng thực hiện dịch
vụ công trực tuyến lĩnh vực BHXH, BHYT trên Cổng thông tin điện tử ngành BHXH
Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các tổ chức I-VAN.
- Thường xuyên cập nhật thông
tin, bổ sung dữ liệu về chế độ, chính sách BHXH, BHYT để hỗ trợ, tư vấn, giải
đáp thắc mắc cho khách hàng.
- Tổ chức khảo sát sự hài lòng,
nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong tham gia BHXH, BHYT.
5. Vụ Tài chính kế toán
Phân bổ và đảm bảo kinh phí để
các đơn vị tổ chức hội nghị.
6. BHXH tỉnh/huyện
a) Căn cứ chỉ tiêu tổ chức hội
nghị, chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT được giao và kinh phí được
phân bổ, hàng quý xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị, gồm:
- Số cuộc hội nghị theo từng tuần,
tháng.
- Số lượng khách hàng tham dự hội
nghị: mỗi hội nghị phấn đấu có từ 30 - 50 người tham dự hoặc tùy vào đặc điểm
khách hàng và địa bàn tổ chức hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh quyết định về số lượng
khách hàng tham dự hội nghị.
- Số lượng khách hàng tham gia
BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng mới mỗi hội nghị: phấn đấu có từ 40% số
khách hàng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình mới/tổng số khách hàng
tham dự hội nghị.
b) Hàng tháng báo cáo kết quả tổ
chức hội nghị gửi BHXH cấp trên:
- BHXH huyện báo cáo kết quả gửi
BHXH tỉnh vào ngày cuối cùng của tháng (theo mẫu số 01 đính kèm).
- BHXH tỉnh báo cáo kết quả gửi
BHXH Việt Nam, trước ngày 03 tháng sau liền kề (theo mẫu số 02 đính kèm).
c) Xây dựng kế hoạch phân công
cán bộ tham gia các hội nghị khách hàng phát triển người tham gia BHXH tự nguyện,
BHYT hộ gia đình theo từng địa bàn.
d) Phối hợp với Tổ chức dịch vụ
tập hợp chứng từ thanh toán hội nghị khách hàng phát triển người tham gia BHXH
tự nguyện, BHYT hộ gia đình đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
đ) Kịp thời cập nhật phát sinh
vào phần mềm để tự động báo cáo hàng tháng.
Yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung trên tổ chức thực hiện. Trong quá trình
thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để báo cáo);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị: TCKT, CNTT, TT, CSKH, PC;
- Lưu: VT, TST.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Trần Đình Liệu
|