Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách các văn bản hướng dẫn liên quan đến chính sách giáo dục mới nhất hiện nay

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là gì? Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm những gì?

Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Luật Giáo dục 2019 có quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục 2019 có quy định về khái niệm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, cụ thể như sau:

- Giáo dục chính quy là giáo dục theo khóa học trong cơ sở giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được thiết lập theo mục tiêu của các cấp học, trình độ đào tạo và được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. -

- Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

Căn cứ tiếp Khoản 2 Điều 6 Luật Giáo dục 2019 có quy định về vấn đề đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

+ Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

+ Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

+ Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

+ Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

2. Chính sách giáo dục đối với nhà giáo được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 77 Luật Giáo dục 2019 có quy định về chính sách giáo dục đối với nhà giáo, theo đó nhà giáo được hưởng các chính sách như sau:

- Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

- Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Nhà giáo cũng được phong tặng các danh hiệu như:

- Danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú tại Điều 78 Luật Giáo dục 2019, cụ thể là Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

- Danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự tại Điều 79 Luật Giáo dục 2019, theo đó:

+ Nhà hoạt động chính trị, xã hội có uy tín quốc tế, nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam được cơ sở giáo dục đại học phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự.

+ Nhà hoạt động chính trị, xã hội có uy tín quốc tế, nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có bằng tiến sĩ, được cơ sở giáo dục đại học phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự.

3. Tổng hợp các văn bản hướng dẫn liên quan đến chính sách giáo dục mới nhất năm 2024

Dưới đây là danh sách các văn bản hướng dẫn liên quan đến chính sách giáo dục mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp:

1

Luật giáo dục 2019

Luật giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Trong đó, Chương II Luật này quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể bao gồm quy định về các cấp học và trình độ đào tạo tại Mục 1 và quy định về giáo dục thường xuyên tại Mục 2, Chương IV quy định về nhà giáo và Chương V quy định về người học.

2

Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục

Nghị định 84/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/09/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, bao gồm: Thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến là quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo tại Điều 3, quy định về học bổng khuyến khích học tập tại Điều 8 hay quy định về miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên tại Điều 10.

3

Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về học phí tại Chương II, trong đó có quy định về nguyên tắc xác định học phí tại Điều 8 và quy định về học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông tại Điều 9. Bên cạnh đó, Chương IV Nghị định này quy định về chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí và phương thức chi trả.

4

Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Nghị định 97/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2023. Về một số nội dung đáng chú ý, Nghị định này sửa đổ, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, chẳng hạn như sửa đổi, bổ sung quy định về học phí từ năm học 2023 - 2024 tại Khoản 1 Điều 1, và sửa đổi, bổ sung các quy định về mức trần học phí năm học và mức trần giá dịch vụ liên quan đến giáo dục tại Khoản 2 Điều 2.

5

Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở

Nghị định 71/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/08/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến là quy định về đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo tại Điều 2, quy định về nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tại Điều 3, hay quy định tại Chương II về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

6

Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non

Nghị định 105/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 và khoản 2 Điều 81 Luật Giáo dục.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non tại Chương II, quy định về chính sách đối với trẻ em mầm non tại Chương III, hay quy định về chính sách đối với giáo viên mầm non tại Chương IV.

7

Nghị định 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập

Nghị định 24/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), bao gồm: quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.

Về nội dung đáng chú ý, Nghị định này quy định về hoạt động tuyển sinh tại Điều 5, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự tại Điều 7, hay quy định về trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục tại Điều 10.

8

Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân

Nghị định 103/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo, người học, quản lý đối với trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là trường đào tạo, bồi dưỡng).

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến như quy định tại Điều 3 về nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng, quy định tại Điều 6 về nhà giáo của trường đào tạo, bồi dưỡng, hay quy định tại Điều 7 về người học của trường đào tạo, bồi dưỡng.

9

Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật

Nghị định 86/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập tại Điều 5, quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước tại Điều 6, hay quy định về gia hạn thời gian học tập ở nước ngoài tại Điều 9.

10

Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/02/2024 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: tổ chức và hoạt động của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến là quy định về nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa tại Điều 2 và Điều 3, quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục tại Điều 7, hay quy định về điều chỉnh, bổ sung danh mục lựa chọn sách giáo khoa tại Điều 11.

11

Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/01/2024 quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, bao gồm: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một số nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định về Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại Chương II, hay quy định về tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại Chương III.

12

Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/08/2023 quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bao gồm: mục đích, nguyên tắc của việc giám sát, đánh giá; nội dung, hoạt động, sử dụng kết quả giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiêu chuẩn, chu kỳ, quy trình đánh giá; tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số nội dung đáng chú ý của Thông tư này có thể kể đến là quy định về hoạt động giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Điều 6, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục tại Điều 8, hay quy định về chu kỳ, quy trình đánh giá tại Điều 9.

13

Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/04/2023, Thông tư này ban hành quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (sau đây gọi tắt là trường chuyên) bao gồm: quy định chung; lớp học, tổ chuyên môn, tổ văn phòng; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyển sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Một số nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định về chính sách khuyến khích đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại Điều 6, quy định về lớp học trong trường chuyên tại Điều 8, hay quy định về tuyển sinh vào lớp đầu cấp tại Điều 17.

14

Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/02/2023, Thông tư này ban hành quy chế quy định tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, bao gồm: Tổ chức, bộ máy; Tổ chức hoạt động giáo dục; Giáo viên và nhân viên; Học viên; Tài chính và tài sản; Quan hệ giữa Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với cơ quan, tổ chức khác.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về chương trình, sách giáo khoa và tài liệu học tập tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại Điều 11, quy định về tuyển sinh tại Điều 12, hay quy định về học viên tại Chương V.

15

Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024, Thông tư này ban hành quy chế quy định về xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (sau đây gọi tắt là xét công nhận tốt nghiệp) bao gồm: điều kiện công nhận tốt nghiệp và hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp; tổ chức xét công nhận tốt nghiệp; trách nhiệm của cơ quan quản lí và cơ sở giáo dục.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến như là quy định tại Điều 4 về điều kiện công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, quy định tại Điều 6 về hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp, hay quy định tại Điều 9 về cấp bằng tốt nghiệp.

16

Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 26/05/2020, Thông tư này ban hành quy chế quy định về thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi là Quy chế thi) bao gồm: Quy định chung; chuẩn bị tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; chế độ báo cáo và lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về ngày thi, lịch thi, nội dung thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi/môn thi tại Điều 4, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi tại Điều 5, hay quy định về đối tượng, điều kiện dự thi tại Điều 12.

17

Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/02/2023, Thông tư này ban hành Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, bao gồm: tổ chức bộ máy; hoạt động; giáo viên, nhân viên; trẻ em, học sinh (sau đây gọi chung là học sinh) và học viên; tài chính và tài sản; quan hệ giữa Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với các cơ quan, tổ chức khác.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến như quy định về hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Chương III, hay quy định về giáo viên, nhân viên và người học tại Chương IV.

18

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/12/2022 quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: môn học và khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo ngành, nghề đào tạo; tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến như quy định tại Điều 5 về môn học và khối lượng kiến thức của môn học, quy định tại Điều 9 về tổ chức giảng dạy hay quy định tại Điều 11 về thi kết thúc môn học.

19

Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 27/08/2022 quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ (sau đây gọi chung là học viên), bao gồm: Tổ chức đánh giá; sử dụng kết quả đánh giá; tổ chức thực hiện.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về nội dung và phương pháp đánh giá tại Điều 5, quy định về đánh giá học viên khuyết tật tại Điều 9, hay quy định về khen thưởng tại Điều 13.

20

Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT về Chương trình Xóa mù chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/01/2022, Thông tư này ban hành Chương trình Xóa mù chữ với mục đích cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết nhằm giúp học viên hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể, giúp học viên bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản, góp phần hình thành và phát triển năng lực toán học với yêu cầu cần đạt,...

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về kế hoạch giáo dục tại Mục III Chương trình ban hành kèm theo Thông tư này, và quy định về định hướng nội dung giáo dục tại Mục IV Chương trình ban kèm theo Thông tư này.

21

Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT về Điều lệ trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/02/2023, Thông tư này ban hành Điều lệ trường cao đẳng sư phạm quy định về: mục tiêu và sứ mạng; nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng sư phạm; tổ chức và quản lý trường cao đẳng sư phạm; tổ chức các hoạt động đào tạo; nhiệm vụ và quyền hạn của giảng viên, cán bộ quản lý và người học; tài chính và tài sản của trường cao đẳng sư phạm; quan hệ giữa trường cao đẳng sư phạm với gia đình người học và xã hội.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến như quy định về quy định về hoạt động đào tạo tại Điều 16, quy định về giảng viên và cán bộ quản lý tại Điều 19, hay quy định về người học tại Điều 20.

22

Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/03/2018 quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, bao gồm: tổ chức, hoạt động giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật; nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên, giảng viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và người khuyết tật.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, Chương III quy định về nhiệm vụ, quyền của giáo viên, giảng viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và người khuyết tật.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.214.105
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!