Theo đó, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, muốn tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Lễ động thổ công trình được thực hiện khi: Chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án được cơ quan có thẩm quyền bàn giao mặt bằng hoặc bàn giao mặt bằng theo từng giai đoạn, đồng thời dự án đã được phê duyệt theo đúng thẩm quyền và quy định.
- Lễ khởi công công trình được tiến hành khi đáp ứng yêu cầu về điều kiện khởi công theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020).
- Lễ khánh thành được thực hiện sau khi công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra về công tác nghiệm thu và đáp ứng yêu cầu theo quy định.
- Dự án được tổ chức một lần lễ động thổ hoặc lễ khởi công và một lần lễ khánh thành công trình.
Theo khoản 1 Điều 41 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành chỉ được thực hiện đối với các công trình sau đây:
- Công trình quan trọng quốc gia;
- Công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Xem thêm tại Quyết định 27/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ 25/12/2023.