Hướng dẫn đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
05/12/2022 17:04 PM

Gia đình tôi muốn đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ có được không? Thủ tục thế nào? Nếu đã đăng ký khai sinh trước đó thì có thể đổi tên con lại theo họ mẹ không? - Quỳnh Hương (Đà Nẵng)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. 03 trường hợp con khai sinh có thể mang họ mẹ

Căn cứ Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự 2015, có 03 trường hợp con khai sinh có thể mang họ mẹ, bao gồm:

Trường hợp 1: Theo thỏa thuận của cha mẹ

Theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh.

Trường hợp 2: Theo tập quán

điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì họ của con có thể xác định theo tập quán. Theo đó, nếu tập quán của cộng đồng, vùng, miền… là con theo họ mẹ thì con sẽ được làm khai sinh theo họ mẹ.

Trường hợp 3: Chưa xác định được cha đẻ của con

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp chưa xác định được cha đẻ của con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Hướng dẫn đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ

Hướng dẫn đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ

2. Nội dung đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ

Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ như sau:

- Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

+ Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ (theo họ mẹ), chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

+ Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

- Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.

- Nội dung đăng ký khai sinh quy định nêu trênlà thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.

>> Xem thêm: Thủ tục làm Giấy khai sinh: Làm ở đâu, hồ sơ gồm những gì?

3. Đăng ký khai sinh online cho con

Hiện nay, việc đăng ký khai sinh cho con đã có thể thực hiện online trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

>> Xem hướng dẫn chi tiết đăng ký khai sinh online tại: Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh online

* Hồ sơ đăng ký khai sinh:

Theo Quyết định 2228/QĐ-BTP ngày 14/11/2022, hồ sơ đăng ký khai sinh gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu (nếu người có yêu cầu lựa chọn nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp);

Tờ khai đăng ký khai sinh

- Biểu mẫu điện tử tương tác đăng ký khai sinh (do người yêu cầu cung cấp thông tin theo hướng dẫn trên Cổng dịch vụ công, nếu người có yêu cầu lựa chọn nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến);

- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh thực hiện việc nộp/xuất trình (theo hình thức trực tiếp) hoặc tải lên (theo hình thức trực tuyến) các giấy tờ sau:

* Giấy tờ phải nộp:

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

Mẫu giấy chứng sinh

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

>> Xem chi tiết hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh tại: Thủ tục đăng ký khai sinh mới nhất (trực tiếp và trực tuyến)

4. Đổi tên cho con theo họ mẹ có được không?

- Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trong trường hợp tên của con trên khai sinh có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì có thể thực hiện cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch 2014.

- Trường hợp không có sai sót khi đăng ký khai sinh, cha, mẹ có thể thực hiện đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân của con trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. (căn cứ khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch 2014)

Cụ thể, khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp:

- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục sửa tên trong Giấy khai sinh

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,085

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn