Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
07/10/2022 09:00 AM

Uỷ thác tư pháp của Việt Nam là gì? Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự được quy định như thế nào? - Minh Tâm (TP.HCM)

Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam

Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Uỷ thác tư pháp của Việt Nam là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì ủy thác tư pháp của Việt Nam là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.

2. Thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự

Thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự theo Điều 10 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định như sau:

- Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam:

+ Tòa án nhân dân tối cao; 

+ Tòa án nhân dân cấp cao;

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

+ Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; 

+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; 

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự có phát sinh ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì :

Lập hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và Điều 11 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC, gửi tới cơ quan tương ứng cấp tỉnh quy định để thực hiện theo thủ tục chung.

3. Hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự

Hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự được quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC như sau:

- Hồ sơ ủy thác tư pháp được lập thành ba bộ và có các văn bản quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp, cụ thể như sau:

(1) Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự được lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC;

Mẫu số 01

(2) Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp được lập theo Mẫu số 02A.

Mẫu số 02A

Trường hợp ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ được thực hiện theo kênh chính của Công ước Tống đạt, văn bản ủy thác tư pháp được lập theo Mẫu số 02B;

Mẫu số 02B

(3) Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu ủy thác (nếu có);

(4) Các giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam.

- Hồ sơ ủy thác tư pháp được cơ quan có thẩm quyền lập theo cách thức sau đây:

+ Các văn bản tại (1), (2), (3) mục này phải do người có thẩm quyền giải quyết vụ việc có yêu cầu ủy thác tư pháp ký trừ trường hợp văn bản ủy thác tư pháp được lập theo Mẫu số 02B;

+ Văn bản quy định tại (1) và (2) mục này là bản chính và các văn bản, giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp là bản chính hoặc bản sao. Bản sao và bản dịch của các văn bản, giấy tờ, tài liệu tại (2), (3) và (4) mục này phải được chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật. 

Đối với các giấy tờ không phải của cơ quan có thẩm quyền lập hoặc xác nhận thì cơ quan có thẩm quyền, nơi lập hồ sơ ủy thác tư pháp phải đối chiếu bản sao các giấy tờ này với bản gốc và đóng dấu xác nhận;

+ Trường hợp vụ việc cần ủy thác tư pháp có liên quan đến một hoặc nhiều đương sự có địa chỉ khác nhau thì phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư pháp theo từng địa chỉ của đương sự;

+ Trường hợp vụ việc cần ủy thác tư pháp có phạm vi khác nhau theo quy định tại Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp thì phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư pháp theo từng phạm vi ủy thác tư pháp, trừ trường hợp hồ sơ ủy thác tống đạt giấy tờ có yêu cầu đương sự cung cấp lời khai, giấy tờ, tài liệu.

- Hồ sơ ủy thác tư pháp được lập theo ngôn ngữ quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ không xác định được ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ khác mà được nước được yêu cầu chấp nhận, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác định.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp, Bộ Ngoại giao phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông tin về ngôn ngữ tương trợ tư pháp. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam.

4. Điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự

Theo Điều 12 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập theo đúng quy định tại mục 3;

- Biên lai thu phí, lệ phí và giấy tờ xác nhận đã thanh toán chi phí thực tế cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC đối với trường hợp chi phí thực tế đã xác định được theo quy định của phía nước ngoài tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ thì:

Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam thanh toán chi phí này với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia liên quan.

Hoặc biên lai thu tiền tạm ứng chi phí thực tế tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC đối với trường hợp chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ:

Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam phải nộp tạm ứng 3 triệu đồng tại cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam có trụ sở. 

Số tiền tạm ứng này được thanh toán cho chi phí thực tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.

5. Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự

5.1. Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự tại Bộ Tư pháp

Theo Điều 13 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự tại Bộ Tư pháp như sau:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam, Bộ Tư pháp có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại mục 4 và thực hiện các công việc sau đây:

- Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện một trong các thủ tục sau:

+ Chuyển hồ sơ qua kênh tống đạt chính hoặc cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;

+ Chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao để chuyển qua đường ngoại giao trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc chưa thỏa thuận về áp dụng nguyên tắc có đi có lại;

+ Tống đạt giấy tờ qua kênh ngoại giao gián tiếp, kênh lãnh sự gián tiếp theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam hoặc trong trường hợp không thể chuyển qua kênh tống đạt chính.

- Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp không đầy đủ hoặc không hợp lệ theo quy định tại mục 3 và mục 4  thì Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp và nêu rõ lý do.

5.2. Thủ tục ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

Thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài theo Điều 14 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC như sau:

- Bộ Ngoại giao có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và chuyển hồ sơ cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Bộ Tư pháp chuyển đến.

- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp.

- Việc thực hiện tống đạt theo kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công ước Tống đạt cho công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài nếu nước đó không phản đối hoặc pháp luật nước đó cho phép thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,234

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn