1. Quy định mới về cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Nội dung này được quy định tại Nghị định 22/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.
Theo đó, thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh được sửa đổi như sau:
- Bộ VHTTDL cấp giấy phép nhập khẩu phim để phát hành, phổ biến theo quy định trong toàn quốc (hiện hành cấp phép đối với phim điện ảnh, phim truyền hình để phổ biến, phát hành theo quy định trong toàn quốc hoặc trên địa bàn hai địa phương trở lên).
- Bổ sung thẩm quyền cho Sở VHTTDL cấp giấy phép nhập khẩu phim để phát hành, phổ biến theo quy định do Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương nhập khẩu.
Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim sẽ thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
2. Hình thức đăng ký phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
Từ ngày 01/5/2022, Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, việc đăng ký phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ với Cơ quan tiếp nhận được thực hiện bằng một trong hai hình thức sau:
- Hình thức trực tuyến: Doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Hệ thống) trên trang thông tin điện tử www.kiemlam.org.vn để đăng ký theo hướng dẫn của Hệ thống.
- Hình thức trực tiếp:
+ Trường hợp doanh nghiệp không ứng dụng được Hệ thống thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bưu điện 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan tiếp nhận (thành phần hồ sơ được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 21/2021);
+ Cơ quan tiếp nhận nhập hồ sơ của doanh nghiệp vào Hệ thống; thông báo đến doanh nghiệp kết quả tiếp nhận đăng ký phân loại doanh nghiệp theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; lưu trữ tài liệu đăng ký theo quy định.
- Trong thời gian chưa xây dựng và áp dụng Hệ thống thì thực hiện phân loại trực tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 21/2021.
3. Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa
Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/5/2022.
Theo đó, người biên soạn SGK phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn;
- Am hiểu về khoa học giáo dục;
- Có ít nhất 03 (ba) năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn; (quy định mới)
- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.
4. Bổ sung trường hợp miễn thu phí, lệ phí sử dụng tần số vô tuyến điện
Thông tư 11/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 265/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện có hiệu lực từ ngày 01/5/2022.
Theo đó, người nộp lệ phí được miễn lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong các trường hợp sau:
- Đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá;
- Thiết bị đầu cuối vệ tinh phục vụ mục đích giám sát hành trình tàu cá.
Ngoài ra, quy định mới bổ sung một số trường hợp miễn phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với:
- Thiết bị đầu cuối vệ tinh phục vụ mục đích giám sát hành trình tàu cá;
- Thiết bị vô tuyến điện hoạt động trên các băng tần quy hoạch cho phương tiện nghề cá đặt trên tàu.
>>> Xem thêm: Thủ tục nhập khẩu nhóm hàng hóa văn hóa phẩm nằm trong danh mục có điều kiện được quy định như thế nào?
Quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh có điểm gì mới?