1. Cá nhân nước ngoài không còn là đối tượng gửi tiền tiết kiệm
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm.
Theo đó, người gửi tiền tiết kiệm gồm các đối tượng sau:
- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật.
- Công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người giám hộ.
So với quy định hiện hành đối tượng gửi tiền tiết kiệm theo Thông tư 48 không còn cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Thông tư 48/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 05/7/2019 và thay thế Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004.
2. Thời hạn gửi tiền của người nước ngoài không quá thời hạn hiệu lực visa
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn.
Theo đó, thời hạn gửi tiền đối với cá nhân nước ngoài là người không cư trú, cá nhân nước ngoài là người cư trú không được dài hơn thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy tờ xác minh thông tin sau đây:
Visa hoặc các giấy tờ khác xác định thời hạn được phép cư trú của cá nhân tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn thời hạn hiệu lực.
Thông tư 49/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 05/7/2019.
3. Ứng dụng Internet banking không được có tính năng ghi nhớ mã khóa truy cập
Đây là điểm mới tại Thông tư 35/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet có hiệu lực ngày 01/7/2019.
Theo đó, phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động có những thay đổi sau:
- Phải xác thực người dùng khi truy cập và không có tính năng ghi nhớ mã khóa truy cập (quy định hiện hành chỉ yêu cầu phải xác thực người dùng khi truy cập).
- Xác thực sai liên tiếp quá số lần do đơn vị quy định, phần mềm ứng dụng phải tự động khóa tạm thời không cho người dùng tiếp tục sử dụng (quy định hiện hành không được xác thực sai quá 05 lần liên tiếp).
4. Hướng dẫn tình tiết “có tính chất chuyên nghiệp” trong tội rửa tiền
Ngày 24/5/2019, HĐTP TANDTC ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.
Theo đó, phạm tội rửa tiền có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 của Bộ luật hình sự được hướng dẫn như sau:
Người phạm tội phải đáp ứng 02 yếu tố gồm:
- Thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên.
Không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích.
- Lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập.
Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 07/7/2019.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY