Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/05/2024 18:30 PM

Xin cho tôi hỏi khi áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì cần phải tuân thủ nguyên tắc nào? - Bình Minh (TPHCM)

Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm là (IVF) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong đó tinh trùng cho thụ tinh với noãn trong môi trường bên ngoài cơ thể (in-vitro). Phôi thu được sẽ chuyển vào buồng tử cung để làm tổ hoặc sẽ được đông lạnh để sử dụng sau.

(Khoản 1 Điều 11 Thông tư 57/2015/TT-BYT)

2. Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm 

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như sau:

- Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi,được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

- Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

- Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

3. Tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được quy định như sau:

- Không đang mắc bệnh lý mà không đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai, sinh con; không đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của trẻ khi sinh ra; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

- Người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải có kết luận bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm xác định đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con.

(Điều 3 Thông tư 57/2015/TT-BYT)

4. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện theo quy trình sau:

- Thăm khám cặp vợ chồng và làm các xét nghiệm cơ bản cần thiết;

- Đánh giá dự trữ buồng trứng;

- Kích thích buồng trứng;

- Theo dõi sự phát triển nang noãn;

- Tiêm thuốc giúp trưởng thành nang noãn khi đủ điều kiện;

- Chọc hút noãn qua đường âm đạo dưới hướng dẫn của siêu âm;

- Bắt đầu hỗ trợ pha hoàng thể nếu chuyển phôi tươi;

- Đồng thời lấy tinh trùng của người chồng và chuẩn bị tinh trùng;

- Cho tinh trùng thụ tinh với noãn theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (IVF) hoặc bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI);

- Nuôi cấy trong tủ cấy CO2;

- Kiểm tra sự thụ tinh của noãn;

- Nuôi cấy phôi và theo dõi;

- Chuyển phôi: có thể phôi ngày 2, ngày 3 hoặc ngày 5 (phôi nang), tùy phác đồ của từng cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;

- Tiếp tục hỗ trợ pha hoàng thể nếu chuyển phôi tươi;

- Thử thai bằng định lượng bhCG huyết thanh;

- Siêu âm đường âm đạo để xác nhận sự phát triển của thai và vị trí thai.

(Khoản 2 Điều 11 Thông tư 57/2015/TT-BYT)

Dương Thị Hoài Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 612

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn