Nhiệm vụ, giải pháp thuộc Nghị quyết 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 về nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Nhiệm vụ, giải pháp thuộc Nghị quyết 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 về nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới bao gồm:
(1) Nâng cao năng lực, hiệu quả công đoàn tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động:
- Chủ động nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham gia với các cơ quan chức năng trong xây dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động; trong quá trình tham gia cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động đảm bảo các ý kiến đề xuất vừa có cơ sở khoa học, thực tiễn, vừa có lợi cho người lao động.
- Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá xếp hạng mức độ hài lòng của người lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động ở doanh nghiệp.
(2) Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên và người lao động:
- Đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chủ động hoặc phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, lồng ghép thông tin về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các chương trình, hoạt động thông tin, truyền thông khác.
- Phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đánh giá nguy cơ rủi ro và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Tăng cường việc phổ biến kinh nghiệm, tập huấn phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động.
(3) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động và góp phần thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu:
- Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức phát động phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động, phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, từ đó thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
- Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất. Tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động và kỹ năng, phương pháp hoạt động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
(4) Tăng cường hiệu quả phối hợp với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động:
- Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động; cũng như chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động.
- Chủ động và kịp thời đề xuất ý kiến tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động về những bất cập, vướng mắc để kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và quyền, lợi ích, chế độ chính sách cho người lao động.
- Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động: xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong đó có các điều khoản, nội dung về điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động cụ thể, chi tiết và có lợi cho người lao động; tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, đánh giá nguy cơ và rủi ro tại nơi làm việc; điều tra đầy đủ, kịp thời, chính xác tất cả các vụ tai nạn lao động nặng và chết người, giám sát đôn đốc việc giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức phát động phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
(5) Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo kĩ sư bảo hộ lao động, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động:
- Nâng cao chất lượng đào tạo kĩ sư bảo hộ lao động ở Trường Đại học Công đoàn và Trường Đại học Tôn Đức Thắng và công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động trong các cơ sở dạy nghề của hệ thống công đoàn gắn với nhu cầu và yêu cầu của thực tiễn công tác an toàn vệ sinh lao động, của doanh nghiệp và vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
- Nâng cao chất lượng nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn trong tham gia ý kiến với các cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động chú trọng nghiên cứu về điều kiện làm việc, các nguy cơ rủi ro ở các ngành nghề, lĩnh vực mới, những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động.
- Tổ chức, vận động và động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng Bệnh viện sức khỏe nghề nghiệp” trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động trình Chính phủ.
(6) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động:
- Phân công cán bộ được đào tạo chuyên ngành về bảo hộ lao động để làm công tác an toàn vệ sinh lao động ở Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Xây dựng tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và chất lượng cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong hệ thống công đoàn; hàng năm, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng, phương pháp hoạt động an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
(7) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an toàn vệ sinh lao động:
- Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước để góp phần bảo đảm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
- Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các công đoàn các nước về kỹ thuật, chuyên gia, kinh phí cho công tác an toàn vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn.