Mẫu Báo cáo tai nạn lao động mới nhất 2024 và cách nộp (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mẫu Báo cáo tai nạn lao động hiện nay được áp dụng theo Mẫu báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động cấp cơ sở quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
Mẫu Báo cáo tai nạn lao động mới nhất
|
Căn cứ Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, việc nộp báo cáo tình hình tai nạn lao động được thực hiện như sau:
Bước 1 Doanh nghiệp kê khai đầy đủ thông tin tại Mẫu báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động quy định tại Phụ lục XII Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
- Đối với báo cáo 06 tháng đầu năm: Số liệu thống kê về tai nạn lao động thực hiện từ ngày 01/01 đến hết ngày 30/6.
- Đối với báo cáo năm: Số liệu thống kê về tai nạn lao động thực hiện từ ngày 01/01 đến hết 31/12 năm đó.
Bước 2. Doanh nghiệp nộp báo cáo tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.
* Thời hạn nộp báo cáo:
- Đối với báo cáo tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm: Nộp trước ngày 05/7.
- Đối với báo cáo năm về tình hình tai nạn lao động: Nộp trước ngày 10/01 năm sau.
* Hình thức nộp báo cáo:
Báo cáo tình hình tai nạn lao động được gửi theo một trong các hình thức sau:
- Trực tiếp.
- Fax.
- Đường bưu điện.
- Thư điện tử.
Bước 3. Nhận thông báo nộp báo cáo tình hình tai nạn lao động thành công.
Trách nhiệm báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP như sau:
- Báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng làm bị thương từ hai người lao động trở lên về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP;
- Tổng hợp tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm và một năm trên địa bàn tỉnh; gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV và Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động) và Cục Thống kê tỉnh trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.
Theo khoản 3 Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
- Không thống kê tai nạn lao động;
- Không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, người sử dụng lao động là cá nhân chậm nộp báo cáo tình hình tai nạn lao động có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng, đối tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.