Sở hữu chung trong pháp luật về dân sự được quy định như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/03/2024 16:15 PM

Cho tôi hỏi khi nào thì được gọi là sở hữu chung và một người có những quyền gì đối với sở hữu chung đó? – Anh Quân (Bến Tre)

Sở hữu chung trong pháp luật về dân sự

Sở hữu chung trong pháp luật về dân sự (Hình từ internet)

Sở hữu chung trong pháp luật về dân sự được quy định như thế nào?

Theo pháp luật về dân sự hiện nay quy định tại Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015, sở hữu chung được định nghĩa là sở hữu chung của nhiều chủ thể đối với tài sản. Và được chia thành 2 loại gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Phân biệt 2 loại sở hữu chung cơ bản:

Sở hữu chung theo phần

Sở hữu chung hợp nhất

- Phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

- Phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung

- Có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình

- Có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung

Trong Bộ luật Dân sự 2015, đã có quy định chi tiết về các sở hữu chung như sau:

- Sở hữu chung cộng đồng (Điều 211).

- Sở hữu chung của các thành viên gia đình (Điều 212).

- Sở hữu chung của vợ chồng (Điều 213).

- Sở hữu chung trong nhà chung cư (Điều 214).

- Sở hữu chung hỗn hợp (Điều 215).

Quy định về sử dụng và định đoạt tài sản chung

Về sử dụng

- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

- Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung.

(Điều 217 Bộ luật Dân sự 2015)

Về định đoạt

- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

- Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

- Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

- Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

- Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật Dân sự 2015.

(Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015)

Về phân chia

- Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

(Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015)

Những trường hợp sở hữu chung chấm dứt

- Tài sản chung đã được chia.

- Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung.

- Tài sản chung không còn.

- Trường hợp khác theo quy định của luật.

(Điều 220 Bộ luật Dân sự 2015)

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,513

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn