Quy định về sử dụng trang phục y tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
06/02/2023 09:00 AM

Việc sử dụng trang phục y tế đối với bác sĩ, nhân viên y tế hiện nay được quy định như thế nào? - Hoàng Thiên (TPHCM)

Quy định về sử dụng trang phục y tế

Quy định về sử dụng trang phục y tế (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định chung về trang phục y tế

Theo Điều 3 Thông tư 45/2015/TT-BYT quy định chung về trang phục y tế như sau:

- Trang phục y tế bao gồm: Áo, quần, áo liền váy, chân váy, giày dép, mũ và biển tên.

- Tiêu chí của trang phục y tế:

+ Bảo đảm an toàn cho người bệnh, người sử dụng;

+ Thuận tiện khi mặc, khi thao tác chuyên môn;

+ Mang tính truyền thống, đặc trưng ngành y tế;

+ Chất liệu bảo đảm ít nhăn, mềm mại, dễ giặt, dễ là ủi, dễ khử khuẩn, thấm mồ hôi và phù hợp với khí hậu;

+ Kiểu dáng và màu sắc hài hòa, thân thiện, đơn giản, hiện đại, lịch sự, trang nhã, kín đáo, bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với công việc và nghề nghiệp;

+ Bảo đảm nhận biết rõ các đối tượng sử dụng và các khu vực chuyên môn khác nhau.

- Trang phục y tế không được có biểu tượng Chữ thập đỏ trái quy định của pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ.

2. Cấp phát, trang bị, mượn trang phục y tế

Việc cấp phát, trang bị, mượn trang phục y tế theo Điều 27 Thông tư 45/2015/TT-BYT như sau:

- Đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

+ Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp lần đầu, đồng bộ trang phục, gồm:

++ 04 bộ theo điều kiện thời tiết;

++ Mũ: cấp theo quần áo, váy;

++ 01 đôi giày hoặc 01 dép có quai hậu;

++ 01 biển tên;

++ 01 dải băng đối với nhân viên tiếp đón.

+ Từ năm thứ hai, mỗi năm được cấp tối thiểu 02 bộ và 01 đôi dép hoặc 01 đôi giày có quai hậu;

+ Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét lựa chọn trang phục theo quy định tại Thông tư 45/2015/TT-BYT, phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương;

+ Thời hạn sử dụng: Áo, quần, áo liền váy chỉ được sử dụng trong thời gian không quá 02 năm kể từ ngày cấp. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cấp phát trang phục trong trường hợp hỏng, rách, mất trang phục trước thời gian hết hạn sử dụng.

+ Dải băng của nhân viên tiếp đón được thay khi hỏng, rách, bạc màu.

- Đối với người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm, làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho mượn để sử dụng trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh, thăm hoặc làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Đối với học sinh, sinh viên tự trang bị trang phục.

- Đối với người tình nguyện: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ điều kiện cụ thể của đơn vị để quyết định việc hỗ trợ trang phục cho người tình nguyện sử dụng trong quá trình hỗ trợ người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Quy định về sử dụng trang phục y tế

Theo Điều 28 Thông tư 45/2015/TT-BYT quy định về sử dụng trang phục y tế như sau:

- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học viên, học sinh, sinh viên, người thực hành khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng trang phục y tế theo đúng quy định.

- Không được sử dụng trang phục y tế không đúng mục đích hoặc không đúng đối tượng hoặc ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại gia đình hoặc khám bệnh, chữa bệnh tình nguyện, nhân đạo theo quy định của pháp luật.

4. Quy định về bảo quản trang phục y tế

Việc bảo quản trang phục y tế theo Điều 29 Thông tư 45/2015/TT-BYT như sau:

- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học viên, học sinh, sinh viên, có trách nhiệm bảo quản và sử dụng trang phục y tế luôn sạch, đẹp; không được mặc trang phục nhăn, cũ, rách, mất cúc, đổi màu.

- Bệnh viện tuyến huyện trở lên phải tổ chức giặt, là tập trung trang phục cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh (trừ khối hành chính). Khuyến khích các cơ sở còn lại tổ chức giặt là tập trung nếu có đủ điều kiện. Việc giặt là được thực hiện như sau:

+ Trang phục quần, áo, áo liền váy, chân váy cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh phải thay, giặt thường xuyên, bảo đảm sạch sẽ.

+ Trang phục của người hành nghề, người lao động làm việc trong các khu vực: khoa phẫu thuật, buồng đẻ, khoa hồi sức cấp cứu hoặc các khu vực lây nhiễm phải thay, giặt quần áo hàng ngày hoặc thay ngay khi bẩn.

+ Trang phục các khu lây nhiễm phải được giặt riêng.

- Các khoa, phòng, đơn vị thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có tủ đựng trang phục hoặc có giá treo trang phục y tế.

- Học viên, sinh viên, học sinh, người thực hành khi học tập, thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tự thay, giặt trang phục.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,432

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]