Khu kinh tế là gì? Điều kiện thành lập khu kinh tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
22/11/2022 14:00 PM

Tôi muốn biết khu kinh tế là gì? Để thành lập một khu kinh tế thì phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Minh Huệ (Quảng Nam)

Khu kinh tế là gì? Điều kiện thành lập khu kinh tế

Khu kinh tế là gì? Điều kiện thành lập khu kinh tế

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khu kinh tế là gì?

Theo khoản 13 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, khu kinh tế bao gồm:

- Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế được thành lập ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển.

- Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế được thành lập ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền.

- Khu kinh tế chuyên biệt là khu kinh tế được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng.

(Khoản 14, 15 và 16 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)

2. Điều kiện thành lập khu kinh tế

Khu kinh tế được thành lập nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; có trong Danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Có khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu kinh tế và phát triển sản xuất, kinh doanh;

- Có hiệu quả kinh tế - xã hội;

- Đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Hồ sơ thành lập khu kinh tế

Cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, đề án thành lập khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các nội dung sau đây:

- Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu kinh tế;

- Đánh giá hiện trạng, các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, các hạn chế và lợi thế so sánh của khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế so với các khu vực khác trên địa bàn cả nước;

- Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện thành lập khu kinh tế quy định tại mục 2 (kèm theo các tài liệu có liên quan);

- Dự kiến phương hướng phát triển của khu kinh tế gồm: mục tiêu phát triển, quy mô diện tích, tính chất, chức năng của khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng phát triển không gian, các khu chức năng trong khu kinh tế; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;

- Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;

- Thể hiện phương án thành lập khu kinh tế trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000.

4. Chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu kinh tế

(1) Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ưu đãi đầu tư đối với địa bàn khu kinh tế quy định tại pháp luật về đầu tư được áp dụng kể từ thời điểm khu kinh tế được thành lập.

(2) Mức ưu đãi cụ thể đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế và dự án đầu tư trong khu kinh tế được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về đất đai, pháp luật về tín dụng, pháp luật về kế toán và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(3) Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc mua, thuê mua, thuê nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế, công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu chức năng của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu kinh tế là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

(4) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(5)  Nhà đầu tư có dự án đầu tư trong khu kinh tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

(Điều 22 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,822

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn