Thanh tra hành chính là gì? Quy định về Đoàn thanh tra hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
08/11/2022 16:28 PM

Cho tôi hỏi thanh tra hành chính là gì? Đoàn thanh tra hành chính có nhiệm vụ, quyền hạn gì theo quy định pháp luật? – Minh Khuê (Đồng Nai)

Thanh tra hành chính là gì? Quy định về Đoàn thanh tra hành chính

Thanh tra hành chính là gì? Quy định về Đoàn thanh tra hành chính

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thanh tra hành chính là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thanh tra 2010, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Căn cứ Điều 43 Luật Thanh tra 2010 thì:

- Hoạt động thanh tra hành chính chỉ được thực hiện khi có quyết định thanh tra. 

- Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

2. Cơ cấu tổ chức của Đoàn thanh tra hành chính

Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định về Đoàn thanh tra hành chính như sau:

- Đoàn thanh tra hành chính được thành lập để tiến hành cuộc thanh tra theo phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra.

+ Đoàn thanh tra hành chính có Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn Thanh tra.

+ Đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện những cơ quan liên quan; Trưởng đoàn thanh tra là đại diện cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra. 

+ Hoạt động của Đoàn thanh tra liên ngành được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về thanh tra.

- Trưởng đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 46 Luật Thanh tra 2010; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra, người quản lý trực tiếp về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

Trong quá trình tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành những văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện quyền thanh tra.

- Thành viên Đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 47 Luật Thanh tra 2010; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra hành chính

Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 46 Luật Thanh tra 2010, cụ thể như sau:

(1) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;

(2) Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra quy định tại Điều 48 Luật Thanh tra 2010 để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

(3) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; khi cần thiết có thể tiến hành kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;

(4) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

(5) Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;

(6) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;

(7) Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;

(8) Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

(9) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra nhà nước hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra;

(10) Báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó.

Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp quy định tại (5), (6), (7), (8), (9) thì Trưởng đoàn thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra hành chính

Căn cứ Điều 47 Luật Thanh tra 2010, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra hành chính được quy định như sau:

- Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra.

- Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó.

- Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 46 Luật Thanh tra 2010 để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra.

- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,013

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn