Ai được cấp thẻ nhà báo? Khi nào thu hồi thẻ nhà báo?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
24/08/2022 11:21 AM

Để được cấp thẻ nhà báo thì phải đáp ứng điều kiện gì? Khi nào nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo? - Kim Tuyến (Bình Phước)

Ai được cấp thẻ nhà báo? Khi nào thu hồi thẻ nhà báo?

Ai được cấp thẻ nhà báo? Khi nào thu hồi thẻ nhà báo?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo

Các đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo được quy định tại Điều 26 Luật Báo chí 2016, cụ thể bao gồm:

- Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, thông tấn.

- Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí, thông tấn.

- Phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí, thông tấn.

- Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước.

- Phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương.

- Người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau:

+ Được điều động công tác tại các đơn vị không trực tiếp thực hiện nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí;

+ Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018);

+ Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp, trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo

Để được cấp thẻ nhà báo, các cá nhân phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1, 2 Điều 27 Luật Báo chí 2016, cụ thể như sau:

(1) Người công tác tại cơ quan báo chí quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 Luật Báo chí 2016 được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Trong trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

- Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời Điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

- Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

(2) Đối với những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 26  Luật Báo chí 2016 được xét cấp thẻ nhà báo ngoài việc phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại (1) thì còn phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Có ít nhất mười hai tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 01 năm tính đến thời Điểm xét cấp thẻ;

- Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương từ 02 năm trở lên tính đến thời Điểm xét cấp thẻ;

- Được đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

3. Các trường hợp không được xét cấp thẻ nhà báo

Theo khoản 3 Điều 27 Luật Báo chí 2016, các trường hợp sau đây không được xét cấp thẻ nhà báo:

- Không thuộc các đối tượng quy định tại mục 2;

- Đã vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo;

- Đã bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động mà chưa hết thời hạn 12 tháng tính đến thời Điểm xét cấp thẻ;

- Là đối tượng liên quan trong các vụ án chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà chưa được xóa án tích;

- Bị thu hồi thẻ nhà báo do vi phạm quy định của pháp luật mà thời gian thu hồi thẻ chưa quá 12 tháng kể từ ngày ra quyết định đến thời Điểm xét cấp thẻ.

4. Khi nào thu hồi thẻ nhà báo?

Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo trong các trường hợp sau đây:

- Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí hoặc sử dụng thẻ nhà báo không đúng Mục đích gây hậu quả nghiêm trọng;

- Bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đình chỉ Điều tra, đình chỉ vụ án đối với nhà báo đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên nhà báo đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lại thẻ nhà báo;

- Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai lần liên tục trong 02 năm theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động;

- Thôi việc nhưng không nộp lại thẻ nhà báo.

(Khoản 6 Điều 28 Luật Báo chí 2016)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,088

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]