Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
23/08/2022 16:00 PM

Hợp tác xã có được xem là một loại hình doanh nghiệp hay không? Và hợp tác xã sẽ có quyền và nghĩa vụ thế nào? - Ngọc Châu (Khánh Hòa)

Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp không?

Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp không?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hợp tác xã có phải là doanh nghiệp không?

- Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các loại hình doanh nghiệp bao gồm:

+ Doanh nghiệp tư nhân;

+ Công ty cổ phần;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

+ Công ty hợp danh.

- Đồng thời, theo khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012 thì hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập 

Và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Như vậy, hợp tác xã không phải là doanh nghiệp mà là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân.

2. Quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã

2.1. Quyền của hợp tác xã 

Theo Điều 8 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về quyền của hợp tác xã như sau:

- Thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình.

- Quyết định tổ chức quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thuê và sử dụng lao động.

- Tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên.

- Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, hợp tác xã thành viên và ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên, hợp tác xã thành viên.

- Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên.

- Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật.

- Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Quản lý, sử dụng, xử lý vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Tham gia các tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Khiếu nại hoặc thông qua người đại diện tố cáo các hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xử lý thành viên, hợp tác xã thành viên vi phạm điều lệ và giải quyết tranh chấp nội bộ.

2.2. Nghĩa vụ của hợp tác xã

Nghĩa vụ của hợp tác xã được quy định tại Điều 9 Luật Hợp tác xã 2012 như sau:

- Thực hiện các quy định của điều lệ.

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định.

- Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.

- Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên, liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên.

- Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.

- Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

- Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.

- Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

- Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên, hợp tác xã thành viên.

- Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.

- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Tài sản của hợp tác xã bao gồm những gì? Tài sản do Nhà nước hỗ trợ cho hợp tác xã thì có được xem là tài sản của hợp tác xã hay không?

Khái niệm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã? Nguyên tắc hoạt động và tổ chức của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định như thế nào?

Người đại diện của Hợp tác xã là Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Giám đốc? Cơ cấu tổ chức của Hợp tác xã bao gồm những thành phần nào?

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 34,635

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn