Quỹ phòng, chống thiên tai: Ai phải đóng, đóng bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
01/08/2022 13:37 PM

Quỹ phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai,… Vậy ai phải đóng và đóng bao nhiêu vào Quỹ phòng, chống thiên tai?

Quỹ phòng, chống thiên tai: Ai phải đóng, đóng bao nhiêu?

Quỹ phòng, chống thiên tai: Ai phải đóng, đóng bao nhiêu?

1. Quỹ phòng, chống thiên tai là gì?

Điều 3 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:

- Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định 78/2021/NĐ-CP, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Tên giao dịch quốc tế của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương là: Vietnam Disaster Management Fund, viết tắt là VNDMF.

- Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

Tên giao dịch quốc tế của Quỹ cấp phòng, chống thiên tai tỉnh được đặt theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống thiên tai

Nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, cụ thể:

- Hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

- Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính.

- Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan.

- Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Ai phải đóng Quỹ phòng, chống thiên tai?

2.1. Đối với Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương

Điều 6 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương bao gồm:

- Hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện cho Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương của các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Điều tiết từ Quỹ cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thu lãi từ tài khoản tiền gửi.

- Các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

- Tồn dư Quỹ trung ương năm trước được chuyển sang năm sau.

Như vậy, đối với Quỹ phòng, chống thiên tai thì không bắt buộc cá nhân, tổ chức đóng góp.

2.2. Đối với Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh

Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm:

(1) Mức đóng góp bắt buộc, bao gồm:

* Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế;

Nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.

* Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp hàng năm như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang:

Đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp:

+ Đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động.

+ Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất.

- Người lao động khác, ngoài các đối tượng trên: Đóng góp 10.000 đồng/người/năm.

(2) Mức đóng góp tự nguyện: Hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

(3) Các nguồn tài chính khác, bao gồm:

- Điều tiết từ Quỹ trung ương và giữa các Quỹ cấp tỉnh.

- Thu lãi từ tài khoản tiền gửi.

- Các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

- Tồn dư Quỹ cấp tỉnh cuối năm trước được chuyển sang năm sau.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 61,100

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn