Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
11/06/2021 11:00 AM

Hiện nay, việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, cũng như tần suất thu gom rác tại TP.HCM được quy định tại Điều 5 Quyết định 12/2019/QĐ-UBND (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 09/2021/QĐ-UBND), cụ thể như sau:

Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và tần suất thu gom tại TP.HCM (Ảnh minh họa)

- Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý, thành 02 nhóm như sau:

+ Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.

+ Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

- Tùy điều kiện kinh tế - xã hội, công nghệ xử lý CTRSH của Thành phố, UBND Thành phố sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện.

- CTRSH tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.

- Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) CTRSH sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ.

+ Bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

- Việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH phải tuân thủ hướng dẫn chi tiết của cơ quan quản lý nhà nước.

- Hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy để chứa CTRSH sau phân loại, khuyến khích sử dụng túi ni lông dễ phân hủy, bao bì thân thiện môi trường để thay thế các túi ni lông khó phân hủy.

Tần suất thu gom rác thải tại nguồn

Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là 01 ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu 1-2 ngày/lần.

Tùy vào đặc điểm dân cư từng khu vực, điều kiện cung ứng dịch vụ thực tế và ý kiến của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn quy định tần suất thu gom phù hợp.

Giá dịch vụ thu gom tại nguồn do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành áp dụng cho tần suất thu gom tối thiểu 01 lần/ngày.

Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH có thể thỏa thuận tăng tần suất thu gom và trả thêm chi phí dịch vụ này cho chủ thu gom, vận chuyển. Thỏa thuận này được thống nhất trong hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn giữa các bên.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,967

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn