Theo đó, quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết như sau:
(1) Công tác chuẩn bị
- Bố trí người lao động thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết;
- Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động (quần, áo, giầy, ủng, mũ, găng tay, khẩu trang,...), thiết bị báo hiệu, chổi, xẻng và các dụng cụ lao động cần thiết khác;
- Kiểm tra phương tiện thu gom thủ công và các thiết bị cần thiết khác đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
(2) Thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân
- Di chuyển phương tiện thu gom từ điểm tập kết hoặc điểm lưu giữ phương tiện đến vị trí thu gom theo lịch trình được phân công, dừng phương tiện, báo hiệu thời điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt tới các hộ gia đình, cá nhân;
- Hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom;
Có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố; vệ sinh vị trí thu gom trước khi di chuyển đến vị trí thu gom tiếp theo;
- Thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho đến khi đạt tải trọng hoặc thể tích lưu chứa tối đa của phương tiện thu gom; di chuyển về điểm tập kết;
Hỗ trợ chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ phương tiện thu gom lên phương tiện vận chuyển; che phủ phương tiện thu gom trong quá trình chờ chuyển chất thải rắn sinh hoạt lên phương tiện vận chuyển;
- Tiếp tục thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình kỹ thuật tại khoản này cho đến hết ca làm việc.
Thông tư 35/2024/TT-BTNMT có hiệu lực kể từ ngày 03/02/2025.