Đề xuất tăng mức dự trữ lưu thông xăng dầu đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/04/2024 12:00 PM

Cho tôi hỏi, sắp tới, mức dự trữ lưu thông xăng dầu bắt buộc đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu là bao nhiêu? - Trung Sơn (Yên Bái)

Đề xuất tăng mức dự trữ lưu thông xăng dầu đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu

Đề xuất tăng mức dự trữ lưu thông xăng dầu đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu (Hình từ internet)

Đề xuất tăng mức dự trữ lưu thông xăng dầu đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu

Chính phủ đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu để phù hợp với tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Bên cạnh những thay đổi về quy định liên quan đến giá, chủ thể kinh doanh mới, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành thì một điểm quan trọng của Dự thảo Nghị định đó là thay đổi về mức dự trữ xăng dầu bắt buộc đối với các cơ sở kinh doanh sản xuất xăng dầu.

Cụ thể, theo nội dung Điều 26 của Dự thảo Nghị định, mức dự trữ lưu thông dự kiến như sau:

“Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại”

So với quy định hiện hành tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 95/2021/NĐ-CP, mức dự trữ xăng đầu được áp dụng là:

“Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi (20) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề”

Như vậy, Chính phủ dự kiến sẽ tăng mức dự trữ xăng dầu thêm (10) ngày cung ứng so với quy định hiện hành, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề.

Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu hiện nay

Theo Khoản 1 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 95/2021/NĐ-CPNghị định 80/2023/NĐ-CP, việc quản lý giá bán xăng đầu được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

(1) Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

(2) Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.

(3) Thời gian điều hành giá xăng dầu

Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

(4) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

(5) Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 888

Bài viết về

lĩnh vực Xăng dầu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn