Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh ho gà

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/03/2024 13:00 PM

Cho tôi hỏi có phải Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh ho gà phải không? – Hoài Thương (Vĩnh Phúc)

Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh ho gà

Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh ho gà (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh ho gà

Ngày 20/3/2024, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn 218/DP-DT về tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, Cục Y tế dự phòng trân trọng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung như sau:

- Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

- Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc xin phòng bệnh.

- Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

- Báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

Đặc điểm của bệnh ho gà

Theo Cục Y tế dự phòng ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

- Ca bệnh lâm sàng:

+ Ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái.

+ Thở rít vào sau mỗi cơn ho.

+ Nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt.

+ Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm  mồ hôi và thở gấp.

+ Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng rất cao từ 15.000 - 50.000/mm³, chủ yếu là tế bào Lympho.

- Ca bệnh xác định: Phân lập vi khuẩn ho gà (+) hoặc xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp đối với dịch tiết từ mũi họng bệnh nhân.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 412

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn