UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát bảo mật

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/03/2024 18:30 PM

Cho tôi hỏi có phải UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát bảo mật sau khi xảy ra sự cố ở một công ty chứng khoán trong thời gian vừa qua đúng không? – Bảo Ngọc (Bắc Giang)

UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát bảo mật

UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát bảo mật (Hình từ internet)

UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát bảo mật

Vừa qua trên thị trường xuất hiện trường hợp công ty chứng khoán bị tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến hệ thống giao dịch chứng khoán của công ty đó tạm thời dừng hoạt động.

Do đó, ngày 25/3/2024 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Công văn 1837/UBCK-CNTT cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến, yêu cầu các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ thực hiện ngay các nội dung nhằm đảm bảo sự hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt của thị trường chứng khoán

- Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), cơ sở dữ liệu dự phòng hoạt động an toàn và liên tục theo quy định tại khoản 10, Điều 89 Luật chứng khoán 2019.

- Chủ động rà soát, kiểm tra ngay các phương án bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán và hệ thống có kết nối mạng internet để kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật nếu có.

- Thực hiện các quy trình kiểm tra giao dịch trực tuyến, quy trình kiểm soát rủi ro; quy trình sao lưu dự phòng hệ thống, dữ liệu; quy trình quản trị vận hành các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng các biện pháp ứng phó và khắc phục các rủi ro về an toàn bảo mật tiềm ẩn.

- Trong trường hợp công ty phát hiện các dấu hiệu mất an toàn bảo mật, chủ động tập trung nguồn lực để xử lý, khắc phục, kịp thời báo UBCKNN, các Sở Giao dịch chứng khoán, tổng công ty lưu ký chứng khoán Việt Nam và các cơ quan chức năng để phối hợp chỉ đạo xử lý.

UBCKNN yêu cầu công ty nghiêm túc khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra, phương án khắc phục (nếu có) các nội dung nêu trên trước ngày 01/4/2024

Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia

Theo Điều 7 Quyết định 05/2017/QĐ-TTg quy định về mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia như sau:

- Thành viên có nghĩa vụ phải tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (sau đây gọi tắt là mạng lưới ứng cứu sự cố) gồm:

+ Đơn vị chuyên trách về ứng cứu sự cố, an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt nam (VNCERT), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Bưu điện Trung ương;

+ Cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan thuộc Bộ Công an: Cục An ninh mạng; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao;

+ Cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan thuộc Bộ Quốc phòng: Cục Công nghệ thông tin; Ban Cơ yếu Chính phủ;

+ Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông, Internet (ISP); các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, cho thuê không gian lưu trữ thông tin số; đơn vị quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia; đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin của các tổ chức ngân hàng, tài chính, kho bạc, thuế, hải quan;

+ Các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, các hệ thống điều khiển công nghiệp (SCADA) thuộc các lĩnh vực: Năng lượng, công nghiệp, y tế, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, dân cư và đô thị.

- Thành viên tự nguyện tham gia mạng lưới: Là các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc danh sách quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định 05/2017/QĐ-TTg, có năng lực về an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin, có đăng ký và được Cơ quan điều phối quốc gia chấp thuận tham gia mạng lưới. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin, công nghệ thông tin; các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành hệ thống thông tin quy mô lớn, hệ thống thông tin chuyên ngành ngân hàng, tài chính, hệ thống điều khiển công nghiệp (SCADA); và các đơn vị khác có năng lực về an toàn thông tin đăng ký tham gia mạng lưới.

- Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Trung tâm VNCERT) là Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố (gọi tắt là Cơ quan điều phối quốc gia hay Cơ quan điều phối), có trách nhiệm:

+ Thực hiện chức năng điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố trên toàn quốc; có quyền huy động, điều phối các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố và các tổ chức, đơn vị liên quan phối hợp ngăn chặn, xử lý, khắc phục sự cố tại Việt Nam; có quyền quyết định hình thức điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố và chịu trách nhiệm về các lệnh/yêu cầu điều phối;

+ Chủ trì xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới; tổ chức và điều hành hoạt động của mạng lưới; tổng hợp và chia sẻ thông tin, cảnh báo sự cố trong mạng lưới; đề xuất và tiếp nhận, quản lý các khoản đóng góp, tài trợ của các thành viên và các tổ chức, cá nhân và nguồn thu hợp pháp khác để chi cho các hoạt động của mạng lưới; là đầu mối quốc gia hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong công tác ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng.

+ Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban điều hành mạng lưới do lãnh đạo Cơ quan điều phối làm trưởng ban, thành viên là đại diện lãnh đạo một số thành viên mạng lưới để điều hành, phối hợp và tổ chức các hoạt động cho mạng lưới.

- Các thành viên mạng lưới có trách nhiệm tuân thủ quy chế hoạt động của mạng lưới, tuân thủ các yêu cầu điều phối của cơ quan điều phối, tham gia, đóng góp tích cực cho hoạt động của mạng lưới. Doanh nghiệp viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP có trách nhiệm lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến các địa chỉ IP thuê bao, máy chủ, thiết bị IOT, các log file, nhật ký dịch vụ phân giải tên miền DNS trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp; thiết lập môi trường để lắp đặt thiết bị quan trắc, lấy mẫu và cung cấp luồng dữ liệu mạng để phục vụ giám sát, phát hiện sự cố theo yêu cầu của cơ quan điều phối quốc gia; thiết lập đầu mối thường trực 24/7, bố trí nhân, vật lực sẵn sàng phối hợp, triển khai các giải pháp nhằm ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố trong trường hợp nguồn tấn công được xác định xuất phát từ thuê bao thuộc doanh nghiệp mình hoặc khi được yêu cầu từ cơ quan điều phối quốc gia.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 316

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn