Đề xuất chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ô tô

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/03/2023 14:22 PM

Trong Công văn 1154/BCT-CN ngày 06/03/2023, Bộ Công Thương kiến nghị về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Đề xuất chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ô tô

Đề xuất chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ô tô (Hình từ Internet)

Quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô

Theo Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là:

“Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…” và sản xuất ô tô là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn được chú trọng phát triển.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ra định hướng “…khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ”.

Với những định hướng trên, Bộ Công Thương đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đề xuất chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ô tô

Mục đích thực hiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô:

- Nhằm đảm bảo cho sự thành công của Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.

- Đảm bảo thực hiện mục tiêu của Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô trong việc duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững của thị trường.

- Hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần vào cân đối vĩ mô và an sinh xã hội.

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô như sau:

- Không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và phân loại linh kiện ô tô nhập khẩu từ ngày 01/10/2022.

- Không quy định nội dung Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước để phân loại bộ linh kiện ô tô nhập khẩu và áp dụng Chương trình ưu đãi thuế.

- Đề nghị Bộ Tài chính bỏ điểm a.3 khoản 3 Điều 8 và điểm b khoản 3 Điều 11 dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

- Bổ sung điểm d vào khoản 3 Điều 8 dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, cụ thể: “d) Việc sản xuất, lắp ráp ô tô phải trải qua tất cả các công đoạn hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra chất lượng tại các dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe đã được Bộ Công Thương chứng nhận đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP (doanh nghiệp phải có văn bản cam kết đáp ứng điều kiện này)”.

- Bổ sung vào Điều 11 dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan nội dung: “Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đảm bảo điều kiện quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Nghị định này”.

- Bộ Tài chính rà soát, chỉnh sửa các nội dung khác có liên quan trong dự thảo Nghị định cho phù hợp với các kiến nghị nêu trên của Bộ Công Thương về điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô (ví dụ: khoản 2.2 Chương 98 Phụ lục II ban hành kèm theo dự thảo Nghị định)

- Bổ sung chế tài để xử lý nghiêm các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo Chương trình nhưng qua quá trình kiểm tra, giám sát cơ quan quản lý nhà nước phát hiện doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện: Việc sản xuất, lắp ráp ô tô phải trải qua tất cả các công đoạn hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra chất lượng tại các dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe đã được Bộ Công Thương chứng nhận đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,818

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]