TANDTC giải đáp 03 vướng mắc về hòa giải, đối thoại tại tòa án (Hình từ internet)
* Vướng mắc:
Trong vụ việc hôn nhân và gia đình các bên có yêu cầu hòa giải về quan hệ hôn nhân (hai hên không có con chung và không có tài sản chung). Hòa giải viên đã hòa giải thành (hai hên thuận tình ly hôn). Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành được lập theo quy định của pháp luật. Nhưng các bên không đề nghị Tòa án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Vậy Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành có giá trị pháp lý không? Có được coi là hai hên đã ly hôn và chấm dứt quan hệ hôn nhân không?
* Giải đáp:
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định:
1. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì:
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật.
Theo các quy định trên đây thì biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành (thuận tình ly hôn) có giá trị pháp lý là cơ sở để Tòa án có thẩm quyền xem xét, ra quyết định thuận tình ly hôn (công nhận kết quả hòa giải thành). Trường hợp này, Hòa giải viên cần giải thích và hướng dẫn các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật. Nếu các bên không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì về pháp lý, quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt.
* Vướng mắc:
Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định:
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Điều 36 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định:
Quyết công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này. Thời hạn để các bên đề nghị và Viện kiểm sát kiến nghị là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Theo quy định này thì Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ký không? Hay sau thời gian quy định tại Điều 36 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 mới có hiệu lực pháp luật?
* Giải đáp:
Theo quy định tại Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký. Đây cũng là đặc điểm đặc thù của hòa giải, đối thoại với kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu kiện là do sự thỏa thuận, thống nhất giữa các bên tranh chấp, khiếu kiện. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện công nhận quy định tại Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
* Vướng mắc:
Theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì:
Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.
Như vậy, người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án hay không?
* Giải đáp:
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không quy định về nghĩa vụ nộp lệ phí đối với người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Do đó, người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không phải nộp lệ phí đối với thủ tục xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.