Chính thức thay đổi khái niệm 'người lao động, HĐLĐ' từ 01/01/2021

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/12/2020 10:45 AM

Khái niệm “người lao động”, “hợp đồng lao động” đã có sự thay đổi theo quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021).

Khái niệm “người lao động” từ 2021

- Hiện nay, Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Có 4 yếu tố để nhận diện:

+ Tuổi

+ Khả năng lao động

+ Làm việc theo hợp đồng lao động

+ Có nhận lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

- Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.

Theo quy định mới này thì yếu tố “hợp đồng lao động” không còn trong định nghĩa Người lao động nữa.

Như vậy, chỉ cần một người có 03 yếu tố sau đây sẽ được bảo đảm các quyền và lợi ích của mình theo các quy định của Bộ luật lao động 2019 mà không phụ thuộc vào tên gọi của loại hợp đồng được ký kết:

 - Thuộc độ tuổi lao động quy định tại Khoản 1 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019.

- Làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận

- Được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

thay đổi khái niệm người lao động, hợp đồng lao động

Khái niệm “hợp đồng lao động” từ 2021

Hiện nay, Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

Điều 15. Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 13. Hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Theo quy định mới này thì không phụ thuộc vào tên gọi của hợp đồng mà hai bên ký kết, miễn đảm bảo các tiêu chí sau sẽ được xác định là hợp đồng lao động:

+ Nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương

+ Một bên chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên còn lại.

Ví dụ: Hợp đồng cộng tác viên trong đó thể hiện nội dung có trả tiền lương, công , đồng thời cộng tác viên chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên thuê cộng tác viên thì hợp đồng cộng tác viên này được xác định là hợp đồng lao động.

"Kể từ ngày 01/01/2021, với những loại hợp đồng có tên gọi khác nhưng được xác định là hợp đồng lao động, người lao động và doanh nghiệp cần chú ý tuân thủ các quy định liên quan; ví như đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng..." Đây là chia sẻ của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 94,300

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn