Lập pháp, lập quy: chuyện con gà và quả trứng

22/04/2015 14:03 PM

Trên TBKTSG số ra ngày 26-3-2015, tác giả Kiều Anh Vũ chỉ ra những bất cập, chồng chéo giữa luật, dự thảo nghị định trong việc doanh nghiệp có quyền quyết định có hay không có con dấu. Bài này sẽ đi sâu phân tích những bất cập trong quy trình lập pháp và lập quy của Việt Nam và đưa ra giải pháp.

Dự thảo báo cáo đánh giá quy trình tham vấn trong lập pháp, lập quy tại Việt Nam của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (National Legislative Development Project - NLD) có nêu về thực trạng “... nhiều văn bản luật không giải quyết được các vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội, tính tiên liệu của pháp luật rất thấp, luật phải sửa đổi nhiều lần, luật chuyên ngành chồng chéo, luật cơ bản ít khả thi... Đây là vấn đề lớn đã nhiều năm nay còn tồn tại”.

“Con gà và quả trứng”

Lấy một dẫn chứng cụ thể gần đây nhất liên quan đến Luật Doanh nghiệp 2014, chúng ta sẽ thấy nhận định trong báo cáo của NLD quả không sai. Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 trao quyền quyết định con dấu cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có quyền quyết định về số lượng, hình thức và nội dung con dấu của mình. Điều 18 dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân cũng quy định doanh nghiệp có quyền có hoặc không có con dấu và được quyền quyết định số lượng, hình thức con dấu của mình.

Trong khi đó, theo Luật Kế toán, sổ sách kế toán phải được đóng dấu (khoản 2 điều 25). Về hệ cấp pháp lý thì Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán có vị trí ngang nhau mà ở đây xin tạm gọi là “con gà”. Từ “con gà” Luật Doanh nghiệp đẻ ra dự thảo nghị định tạm gọi là “quả trứng”. Trong trường hợp này con gà có trước quả trứng. Song để quả trứng này được thực thi thì Quốc hội buộc phải sửa đổi Luật Kế toán và như vậy quả trứng có trước con gà! Khi quả trứng có trước con gà, sự “sinh nở” này sẽ vướng ngay rào cản pháp lý do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ văn bản cấp dưới không được trái với văn bản cấp trên, nghị định của Chính phủ không được trái với luật do Quốc hội ban hành.

Giải pháp

Dẫn chứng trên đây cho thấy sự bất cập rõ ràng và khó giải quyết trong quy trình lập pháp, lập quy của Việt Nam. Bởi do văn bản pháp luật của Việt Nam không thỏa mãn được cái sở dĩ nhiên (le pourquoi) và cái lý đương nhiên (le comment), đây là những nguyên tắc định hướng cơ bản và logic cốt lõi trong quá trình lập pháp, lập quy của hệ thống luật châu Âu lục địa (Civil law) mà Việt Nam chịu ảnh hưởng khá rõ nét.

Chúng ta biết rằng xã hội luôn sống động, vì thế, luật pháp cần phải theo kịp với nhịp đập của xã hội. Sở dĩ nhiên của một văn bản luật phải là và chỉ có thể là nhu cầu của xã hội. Do đó nội dung của nó phải thỏa mãn các lý do: (i) không có không được; (ii) không có không xong; (iii) không có không xuôi; (iv) thiếu nó là rối loạn; (v) thiếu nó là xã hội lâm nguy. Tìm hiểu cái sở dĩ nhiên của văn bản luật là phải trả lời được các câu hỏi tại sao và vì đâu có văn bản luật này; và văn bản luật này ban hành nhằm mục đích gì? Không tìm ra cái sở dĩ nhiên của một văn bản luật, văn bản đó chắc chắn không giải quyết được các vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội.

Tìm hiểu cái lý đương nhiên của văn bản luật là phải tiên đoán được hậu quả gì sẽ xảy ra khi văn bản luật này được thi hành, phải có giải pháp cho câu hỏi: nên thi hành văn bản luật ấy như thế nào? Không tìm ra cái lý đương nhiên tức không tiên đoán được hậu quả xảy ra khi thi hành văn bản luật, điều này đồng nghĩa với tính tiên liệu của luật pháp rất thấp như bản báo cáo đã nêu.

Điều khoản quy định về con dấu trong Luật Doanh nghiệp 2014 là một nét tiến bộ, tuy có nêu được cái sở dĩ nhiên song lại không trả lời được cái lý đương nhiên, điều này dẫn đến tính khả thi kém. Bởi như đã phân tích ở trên, việc thi hành điều khoản quy định về con dấu của Luật Doanh nghiệp sẽ bị vướng bởi Luật Kế toán.

Ngoài ra, cần bổ sung vào điều 3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật một nguyên tắc bất biến trong quá trình lập pháp, lập quy đó là nguyên tắc trọng pháp. Trọng pháp không chỉ có nghĩa là văn bản luật phải tôn trọng Hiến pháp, văn bản cấp dưới phải tôn trọng văn bản cấp trên mà nó còn bao hàm ý nghĩa mọi sự thụ động, chậm trễ thi hành hoặc không thi hành văn bản cấp trên đều bị xem là vi phạm nguyên tắc trọng pháp. Hiến pháp quy định các quyền con người và quyền công dân nhưng Quốc hội chậm trễ ban hành hoặc không ban hành các đạo luật để thể chế hóa các điều hiến định nghĩa là Quốc hội vi phạm nguyên tắc trọng pháp, hay đạo luật do Quốc hội ban hành trong đó có quy định Chính phủ phải có văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành, nếu Chính phủ thụ động, chậm trễ hay không ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thì điều này cũng có nghĩa Chính phủ đã vi phạm nguyên tắc trọng pháp.

Thiết nghĩ trả lời được cái sở dĩ nhiên và cái lý đương nhiên, đồng thời luật hóa nguyên tắc trọng pháp là một trong những giải pháp thiết yếu để chấn chỉnh tình trạng bất cập trong quy trình lập pháp và lập quy tại Việt Nam hiện nay. Kinh nghiệm cho thấy, các nước có nền lập pháp và thực thi pháp luật tiến bộ trong hệ thống luật châu Âu lục địa, đặc biệt là Pháp, luôn coi đây là kim chỉ nam trong quá trình lập pháp, lập quy.

LS. Lê Quang Vy, Luật sư điều hành Công ty Luật VLT Lawyers

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,610

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn