Các DNNN tại TPHCM cam kết cổ phần hóa hồi đầu năm 2015 - Ảnh minh họa: Văn Nam. |
Yêu cầu thoái vốn bắt buộc
DNNN không được góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng (trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và nếu đã góp vốn, đầu tư, thì phải thoái hết số vốn đã đầu tư. Việc này đã được quy định tại khoản 1, điều 29 về “Đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp”, Nghị định số 71/2013 ngày 11-7-2013 của Chính phủ về Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Vấn đề này cũng đã được nhắc lại trong Quyết định số 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 85 ngày 11-3-2015 của Văn phòng Chính phủ và gần đây nhất là Công văn số 1821 ngày 25-3-2015 của NHNN.
Theo các văn bản trên, có hai trường hợp liên quan đến việc thoái vốn phải được NHNN xem xét chấp thuận theo quy định tại Luật các TCTD và Thông tư số 06/2010 ngày 26-2-2010 của Thống đốc NHNN.
Thứ nhất là trường hợp cổ đông lớn (sở hữu trực tiếp, gián tiếp từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên) của TCTD phải chuyển nhượng cổ phần. Thứ hai là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần (dù sẽ hay không trở thành cổ đông lớn của TCTD).
Đối với trường hợp thứ nhất thì sẽ không có vướng mắc, do đơn thuần là thủ tục mang tính hình thức, vì việc chuyển nhượng là bắt buộc theo yêu cầu của Chính phủ. Vấn đề chỉ còn là bán thế nào, bán giá nào và bán cho ai? Điều này cũng đồng thời liên quan đến trường hợp thứ hai, đó là ai sẽ là người mua và nhất là ai sẽ trở thành cổ đông lớn của các ngân hàng cổ phần?
Thoái vốn thông qua thị trường
Nếu cứ bán cổ phần đúng với giá thị trường, thì có khả năng ế hàng, vì nguồn cung tương đối lớn, trong khi cầu thì yếu. Nhà đầu tư có nhu cầu thực sự mua cổ phần ngân hàng không mong chờ cơ hội này, hơn thế nữa còn không tránh khỏi nhiều e ngại.
Đó là việc NHNN kiểm soát kỹ năng lực tài chính và nguồn gốc của số tiền mua cổ phần.
Đó là việc khó có thể dùng nguồn vốn vay, vì ngân hàng thương mại gần như không còn room cho vay mua cổ phần.
Đó là việc không dễ gì có thể được tham gia vào làm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hay ban điều hành, dù với tư cách là cổ đông lớn. Đặc biệt quan trọng nhất là, các nhà đầu tư đều phải rất khó khăn cân nhắc trước việc, liệu vào một ngày đẹp trời nào đó, cổ phần của mình có bị trưng mua bắt buộc với giá trị bằng 0? Đây là một việc chưa hề có tiền lệ và vô cùng khó tiên liệu. Chẳng thế mà rất nhiều người đã hiểu nhầm về việc NHNN mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, như là việc trưng thu, tịch thu hay là quốc hữu hóa ngân hàng.
Thông tin trên báo chí cho biết, NHNN chủ trương chỉ giữ lại khoảng 15-18 ngân hàng thương mại cổ phần. Trong số các ngân hàng được “sống”, thì đã có ít nhất bốn ngân hàng thương mại nhà nước và hơn chục ngân hàng thuộc tốp dẫn đầu. Vừa qua lại cộng thêm VNCB sẽ được “cải tử hoàn sinh” và rất có thể là còn vài ngân hàng tương tự như thế. Vậy thì còn những ngân hàng nào nữa được “sống” và phải “sống”, được “chết” và phải “chết”?
Trong khi chưa có danh sách chính thức các ngân hàng sẽ bị “khai tử”, kể cả thông tin về việc 6-7 ngân hàng sẽ bị sáp nhập trong năm nay, thì nhà đầu tư sẽ không khỏi lo ngại trước nguy cơ, hôm trước được khuyến khích mua cổ phần, hôm sau trở thành tay trắng vì ngân hàng “bất đắc kỳ tử”. Đã mua cổ phần ngân hàng rồi thì không được phép rút vốn ra, mà chỉ được chuyển nhượng (bán lại). Nếu không may mắn, liệu có gặp rủi ro: mua thì được nhưng bán lại thì không?
Đó là thực trạng nan giải không thuận cho việc thoái vốn ngân hàng theo giá thị trường một cách bình thường. Vì vậy, chỉ có thể bán được nếu chấp nhận bán rẻ, thậm chí là rất rẻ hoặc bán cổ phần mà không cần đến thị trường.
Thoái vốn phi thị trường
Quyết định số 51/2014 ngày 15-9-2014 của Thủ tưởng Chính phủ về “Một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN” đã cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách kế toán đối với phần vốn tại các doanh nghiệp nói chung và tại các ngân hàng thương mại nói riêng.
Đặc biệt, các trường hợp DNNN sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại ngân hàng thương mại, thì có thể được chuyển nhượng cổ phần cho NHNN hoặc cho các ngân hàng thương mại nhà nước (do Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và MHB) theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các trường hợp DNNN sở hữu dưới 5% vốn điều lệ tại ngân hàng thương mại, thì được phép bán cổ phần lần lượt theo bốn cách thức sau: giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc sàn Upcom; giao dịch thỏa thuận qua hai sàn này; bán đấu giá công khai; và bán theo thỏa thuận.
Trường hợp DNNN bán cổ phần theo bốn cách trên không thành công hoặc bán không hết số cổ phần, thì vẫn còn ba cách thức bán khác. Đó là bán cho NHNN hoặc cho các ngân hàng thương mại nhà nước và cuối cùng có thể bán cho SCIC. Chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng mới được phép áp dụng các cơ chế đặc thù chỉ định bắt buộc mua bán cổ phần nói trên.
Như vậy, có ít nhất bảy cách thức thoái vốn của DNNN khỏi ngân hàng thương mại, trong đó luôn có sẵn lối thoát đã được ấn định rõ ràng bằng pháp luật. Do đó, mục tiêu thoái hết vốn trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được, vấn đề chỉ còn là thông qua cơ chế thị trường hay cơ chế hành chính.
Luật sư Trương Thanh Đức
Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online